Mới đây, The Information cho biết, Apple đang nỗ lực trong việc tự động hóa nhiều hơn quy trình sản xuất iPhone.
Sabih Khan, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách hoạt động của Apple đã đưa ra yêu cầu “giảm số lượng công nhân trên các dây chuyền lắp ráp cuối cùng của iPhone xuống còn 50% trong vài năm tới.”
Quyết định này được cho là đã được đưa ra ngay sau các cuộc đụng độ bạo lực giữa công nhân lắp ráp iPhone và cảnh sát bên ngoài nhà máy chính của Foxconn vào tháng 11 năm 2022. Trước đó các nhà máy của Foxconn cũng từng gây tai tiếng vì các vụ tự tử của công nhân cũng như phải dừng hoạt động trong đại dịch Covid.
Ngoài ra một lý do khác để Apple thúc đẩy quá trình tự động hóa là việc dịch chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Không chỉ phụ thuộc vào chuỗi cung ứng với hàng trăm đối tác tại Trung Quốc, các nhân công chất lượng cao trong dây chuyền sản xuất và lắp ráp iPhone cũng là một yếu tố khiến Apple không thể sớm rời khỏi quốc gia này.
Do đó việc tự động hóa trong nhà máy sẽ giúp Apple đưa hoạt động sản xuất và lắp ráp iPhone tới bất kỳ đâu trên thế giới.
Để giảm tổng số nhân công, The Information cho biết Apple đang thúc đẩy các dự án tự động hóa quy trình sản xuất trong chuỗi cung ứng mà trước đây công ty “đã gác lại do chi phí đầu tư ban đầu cao.”
Máy móc cần thiết để tự động hóa sản xuất iPhone đôi khi có thể tốn hàng trăm triệu USD mỗi năm. Trong một số trường hợp, Apple đã gây áp lực buộc các đối tác sản xuất phải tự gánh chịu chi phí cho khoản đầu tư ban đầu này, với mức độ thành công khác nhau.
Theo dữ liệu được Apple công bố trong các báo cáo chuỗi cung ứng hàng năm, tổng số nhân viên mà công ty giám sát tại các đối tác sản xuất về việc tuân thủ giờ làm việc đã giảm từ 1,6 triệu người vào năm 2022 xuống 1,4 triệu người vào năm 2023.
Báo cáo cho biết có “một lượng đáng kể tự động hóa” trong khâu lắp ráp cuối cùng của iPhone 15. Phần lớn công việc này do Peter Thompson, một phó chủ tịch phụ trách hoạt động tại Apple lãnh đạo.
The Information cũng chỉ ra một vài thương vụ mua lại đã giúp ích cho nỗ lực tự động hóa chuỗi cung ứng của Apple, bao gồm DarwinAI – startup dùng công nghệ AI để kiểm tra và phát hiện lỗi trong các linh kiện được sản xuất. Apple cũng được cho là đã mua lại một công ty có tên Drishti vào năm ngoái, công ty này phân tích cảnh quay video của các dây chuyền lắp ráp để “xác định các nút thắt cổ chai và vấn đề sản xuất trong thời gian thực.”
Đối với iPhone 16 trong năm nay, ban đầu Apple đã lên kế hoạch tự động hóa quá trình lắp ráp các nút bấm iPhone và các linh kiện khác. Nhưng các kế hoạch này đã bị hủy bỏ “do tỷ lệ lỗi cao”
Tuy vậy, ngay cả khi gặp phải những trở ngại trên đường đi, mục tiêu cuối cùng của Apple vẫn là giảm số lượng công nhân trên các dây chuyền lắp ráp cuối cùng của iPhone xuống tới 50%.
Hồng Minh