Nới lỏng điều kiện tuyển sinh ngành bán dẫn sau khi điểm Toán giảm mạnh
Ngày 22/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành quyết định điều chỉnh chuẩn đầu vào đối với chương trình đào tạo ngành vi mạch, bán dẫn. Theo đó, thay vì yêu cầu thí sinh đạt từ 8 điểm môn Toán trở lên như trước đây, thí sinh đăng ký vào các ngành trong lĩnh vực này phải có điểm thi tốt nghiệp THPT môn Toán nằm trong nhóm 20% cao nhất toàn quốc. Ngoài ra, tổng điểm tổ hợp xét tuyển cũng phải nằm trong nhóm 25% cao nhất theo số liệu do Bộ công bố hàng năm.
Tổ hợp xét tuyển vào các ngành vi mạch, bán dẫn phải có môn Toán và ít nhất một môn thuộc lĩnh vực Khoa học Tự nhiên, quy định này vẫn giữ nguyên như trước.
Đối với thí sinh đã có bằng đại học tham gia xét tuyển, điểm trung bình tích lũy của chương trình đào tạo trước đó phải đạt từ 2,8/4 trở lên (hoặc tương đương). Trường hợp sinh viên đang theo học các ngành khác có nguyện vọng chuyển sang học ngành vi mạch, bán dẫn, phải có điểm trung bình tích lũy từ 2,5/4 và đáp ứng một số điều kiện bổ sung khác.
Theo phổ điểm môn Toán kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 được Bộ công bố cách đây một tuần, điểm trung bình của hơn 1,1 triệu thí sinh là 4,78, giảm mạnh so với mức 6,45 của năm trước. Chỉ những thí sinh đạt từ 7 điểm trở lên mới nằm trong top 19% cao nhất, trong khi từ mức 6 điểm đã thuộc top 21%. Điều này cho thấy yêu cầu thuộc top 20% sẽ tương đương với khoảng 7 điểm trở lên - một mức không dễ đạt.
![]() |
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành quyết định điều chỉnh chuẩn đầu vào đối với chương trình đào tạo ngành vi mạch, bán dẫn |
Trước đó, Bộ từng đặt ra mức sàn đầu vào là 8 điểm Toán và tổng điểm ba môn đạt tối thiểu 80% thang điểm (tương đương 24/30). Tuy nhiên, do điểm thi môn Toán năm nay giảm mạnh, chỉ khoảng 3,6% thí sinh đạt trên 8 điểm, nhiều trường đại học cho rằng điều kiện này là quá khắt khe, gây khó khăn cho công tác tuyển sinh. Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Dũng, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh: Yêu cầu thí sinh vào ngành bán dẫn phải đạt 8 điểm Toán trở lên không áp dụng với tất cả trường.
Cuối tháng 6 vừa qua, 8 trường đại học công bố mức sàn xét tuyển vào ngành bán dẫn là 24/30 điểm, trong đó yêu cầu ít nhất 8 điểm môn Toán. Tuy nhiên, đến ngày 22/7, một số trường đã bắt đầu điều chỉnh lại. Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội đã thông báo bỏ mức sàn này, chỉ yêu cầu tổng điểm ba môn từ 20 trở lên. Trường Đại học Việt Nhật có động thái tương tự nhưng chưa công bố mức điểm cụ thể. Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM và Trường Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia TP HCM cũng đang cân nhắc điều chỉnh.
Áp lực nhân lực bán dẫn và bài toán mở rộng đầu vào ngành STEM
Hiện trên toàn quốc có khoảng 180.000 sinh viên theo học các ngành STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học). Trong 4 năm gần đây, số lượng sinh viên ngành STEM tăng trung bình 10% mỗi năm, cao hơn mức tăng chung 5,6%. Tuy nhiên, tỷ lệ sinh viên STEM hiện chỉ đạt 55 người trên mỗi vạn dân (chiếm 30% sinh viên đại học), thấp hơn đáng kể so với các quốc gia như Singapore, Hàn Quốc, Phần Lan, Đức,…
Trong khi đó, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 có 50.000 kỹ sư bán dẫn. Trước nhu cầu nhân lực lớn, TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch hội đồng Trường Đại học FPT cho rằng cần mở rộng đầu vào thay vì siết chặt quá mức. Ông bày tỏ lo ngại: "Nếu mỗi năm chỉ 10% học sinh đạt được mức điểm đó thì làm sao đủ người? Chúng ta cần đào tạo rộng rồi thắt chặt đầu ra, không nên chặn ngay từ đầu vào". Ông cảnh báo nếu không điều chỉnh, có thể dẫn tới xung đột chính sách và thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng.
PGS.TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Bách khoa TP HCM cũng cho rằng các ngành kỹ thuật, đặc biệt là ngành mũi nhọn như vi mạch, bán dẫn, rất cần sinh viên giỏi Toán. Tuy nhiên, việc quy định mức điểm "cứng" như 8 điểm Toán khiến các trường bị động, do kết quả thi tốt nghiệp hàng năm phụ thuộc vào độ khó của đề thi và có thể biến động lớn. Ông nhấn mạnh, điểm số của một kỳ thi không thể phản ánh toàn diện năng lực và cơ hội phát triển lâu dài của một cá nhân.
![]() |
18 cơ sở giáo dục đại học tham gia thực hiện chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050” theo quyết định số 1017/QĐ-TTg ngày 21/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ |
Chính phủ đã thông qua chương trình "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050" từ tháng 9/2024. Theo đó, 18 trường đại học sẽ được đầu tư phòng thí nghiệm chuyên ngành. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng khuyến khích các trường xây dựng chính sách ưu đãi như học bổng, miễn giảm học phí, hỗ trợ ký túc xá cho sinh viên theo học ngành này.
Ngoài ra, theo Quy hoạch mạng lưới đại học và sư phạm giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, bên cạnh các đại học quốc gia và đại học vùng, có 5 trường đại học sẽ được tập trung đầu tư trở thành cơ sở trọng điểm về kỹ thuật - công nghệ, gồm: Đại học Bách khoa Hà Nội, trường Đại học Xây dựng Hà Nội, trường Đại học Giao thông Vận tải, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, và trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM. Một trong các mục tiêu lớn là đến năm 2030, quy mô giáo dục đại học đạt 3 triệu người học, trong đó 35% theo học các ngành STEM.