Ban hành bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội |
Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) ban hành Bộ Quy tắc ứng xử bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Bộ Quy tắc hướng đến mục tiêu đảm bảo vì một môi trường mạng an toàn, lành mạnh, văn minh, nhất là bảo vệ và hỗ trợ trẻ em được tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng.
![]() |
Ảnh minh hoạ |
Bộ quy tắc gồm 3 Chương, 11 Điều, quy định nhiều nội dung quan trọng, hướng đến xây dựng chuẩn mực ngôn ngữ, hành vi, ứng xử cho người sử dụng internet; nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, giáo viên và toàn xã hội trong việc chung tay bảo vệ trẻ em (BVTE) trên môi trường mạng; phản ánh, thông báo kịp thời các nội dung độc hại và các hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng tới các cơ quan chức năng.
Cụ thể, nội dung của Bộ Quy tắc ứng xử là những quy tắc áp dụng cho tất cả các nhóm đối tượng đảm bảo thực hiện: Tuân thủ pháp luật Việt Nam về BVTE trên môi trường mạng; tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em; luôn vì lợi ích tốt nhất của trẻ em; ứng xử lành mạnh, tích cực, phù hợp với văn hóa, thuần phong mỹ tục của Việt Nam và phù hợp với độ tuổi trẻ em trên môi trường mạng.
Đặc biệt, cấm sử dụng các hình ảnh và thông tin cá nhân của trẻ mà chưa được sự đồng ý của trẻ, cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em theo quy định của pháp luật và không sử dụng các hình ảnh và thông tin cá nhân của trẻ em cho các mục đích có nguy cơ ảnh hưởng tới sự an toàn, phát triển lành mạnh của trẻ em,…
Điều cụ thể được quy định cho trẻ em bao gồm: Trẻ em cần cẩn thận, tỉnh táo khi tham gia các hoạt động trên môi trường mạng (khi tìm kiếm các thông tin trên Internet); hỏi ý kiến và được sự đồng ý của cha, mẹ, người chăm sóc trước kết nối với người lạ trên môi trường mạng; không truy cập, sử dụng và chia sẻ các thông tin, nội dung độc hại; không tham gia, bắt chước các nội dung tiêu cực, nhảm nhí, vô bổ, thiếu lành mạnh trên môi trường mạng,…
Quy định đối với cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và giáo viên cần: Tôn trọng quyền tự do cá nhân của trẻ em trên môi trường mạng; quan tâm chăm sóc, lắng nghe ý kiến của trẻ em; thường xuyên trao đổi với trẻ em để nắm bắt nhu cầu, sở thích của trẻ khi tham gia các hoạt động trên môi trường mạng; giám sát, quản lý việc sử dụng internet của trẻ em, quản lý nội dung trẻ em truy cập, đăng tải và chia sẻ trên môi trường mạng, mối quan hệ của trẻ em trên môi trường mạng; quan tâm, chú ý tới những thay đổi bất thường của trẻ em để đảm bảo trẻ em luôn được bảo vệ và hỗ trợ kịp thời trên môi trường mạng,…
Bộ quy tắc cũng quy định trách nhiệm, quyền hạn của các doanh nghiệp (DN) cung cấp dịch vụ Internet và DN cung cấp nền tảng cần: Kiểm soát, kiểm tra độ tuổi, tần suất sử dụng của trẻ em khi sử dụng các sản phẩm, dịch vụ; triển khai biện pháp BVTE và giới hạn giờ chơi trò chơi điện tử trên mạng đối với trẻ em, người dưới 18 tuổi theo quy định của pháp luật về BVTE; chủ động thực hiện và thiết lập, cải tiến các công cụ kỹ thuật rà soát, chặn lọc, loại bỏ các nội dung độc hại đối với trẻ em, các hành vi xâm hại trẻ em; tích cực xây dựng nội dung, ứng dụng thúc đẩy sự phát triển, sáng tạo lành mạnh, kỹ năng giải quyết vấn đề cho trẻ em,…
Để đảm bảo hiệu quả của việc thực thi văn bản, Bộ TT&TT yêu cầu các cơ quan, tổ chức, DN, cá nhân căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và Bộ Quy tắc này triển khai tuyên truyền, phổ biến rộng rãi tới các tổ chức, cá nhân khác hoạt động trên môi trường mạng; thực hiện nội dung của Bộ Quy tắc phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và đặc thù của cơ quan, tổ chức của mình.
Bộ quy tắc sẽ góp phần điều chỉnh hành vi ứng xử của mọi người, từ đó, kiến tạo môi trường mạng tích cực và lành mạnh cho trẻ em. Đồng thời, nhằm mục đích xây dựng chuẩn mực ngôn ngữ, hành vi, ứng xử cho người sử dụng Internet, qua đó, thúc đẩy môi trường mạng an toàn, văn minh, góp phần bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng.
Hà An