Mặc dù đã ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực từ loạt chính sách hỗ trợ, tháo gỡ. Nhưng sang năm 2024, bất động sản được đánh giá vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, do đó, cần phải theo dõi sát các diễn biến và tiếp tục thực hiện các biện pháp tháo gỡ mạnh mẽ trong thời gian tới.
Liên tục ghi nhận nhiều động thái hỗ trợ
Mới đây, Bộ Xây dựng có báo cáo “Tổng kết công tác năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 của ngành Xây dựng”. Báo cáo chỉ ra, nửa đầu năm 2023, thị trường bất động sản tiếp tục rơi vào trạng thái giao dịch trầm lắng. Bộ Xây dựng đã tích cực tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ triển khai nhiều giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn, hạn chế.
Trong đó, thực hiện nhiệm vụ Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ theo Quyết định số 1435/QĐ-TTg ngày 17/11/2022, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ (Bộ trưởng Bộ Xây dựng) đã làm việc với 08 địa phương (Tp.Hồ Chí Minh; Tp.Hà Nội; Tp.Đà Nẵng; Tp.Hải Phòng; Tp.Cần Thơ; tỉnh Đồng Nai; tỉnh Bình Thuận; tỉnh Bình Định) về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án bất động sản trên địa bàn.
Tính đến nay, Tổ công tác đã nhận được 138 văn bản báo cáo khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội và người dân liên quan đến 191 dự án bất động sản.
Tổ công tác, Bộ Xây dựng đã xem xét, xử lý 126 văn bản; gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị xem xét, xử lý theo thẩm quyền 12 văn bản và ban hành 37 văn bản hướng dẫn, giải đáp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về quy hoạch, nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ, cấp phép xây dựng, chuyển nhượng dự án… cho các địa phương.
Nhờ những công tác hỗ trợ đó, trong 06 tháng cuối năm 2023 thị trường bất động sản đã có những tín hiệu tích cực hơn so với nửa đầu năm 2023, trong đó lượng tìm kiếm giao dịch các phân khúc đất nền, chung cư… có sự phục hồi tốt và nguồn cung từ các dự án mới, giao dịch xuất hiện ngày càng nhiều.
Tuy nhiên, Bộ Xây dựng đánh giá, thời gian tới thị trường bất động sản vẫn tiếp tục trầm lắng, tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức, vướng mắc nhất là về các thủ tục pháp lý. Thị trường thiếu hụt nguồn cung ở các phân khúc, cơ cấu hàng hóa bất động sản chưa phù hợp, đặc biệt thiếu trầm trọng nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ.
Bên cạnh đó, giá bất động sản tăng cao, nhất là nhà chung cư đang gây khó khăn cho những người mua có nhu cầu ở thực. Số lượng giao dịch và thanh khoản đã chuyển biến nhưng còn chậm. Việc cải tạo chung cư cũ, nguy hiểm, xuống cấp tuy đã được quan tâm nhưng còn nhiều vướng mắc, tiến độ chậm so với yêu cầu thực tiễn.
Năm 2024 tiếp tục đặt trong tâm tháo gỡ cho bất động sản
Để quản lý, phát triển nhà ở và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho rằng cần tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2040 và Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp (giai đoạn 2021-2030).
Tích cực phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai thực hiện Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng và các gói tín dụng cụ thể.
Thực hiện các nhiệm vụ của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tiếp tục triển khai một số nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình.
Trong đó, Tổ công tác liên ngành làm việc với một số địa phương để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, thúc đẩy triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ.
Tiếp theo, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội xác định nhu cầu và triển khai cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội; theo dõi tình hình thực hiện việc cải tạo, xây dựng nhà chung cư cũ tại các địa phương.
Tổ chức thực hiện các Quyết định về mức hỗ trợ xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở đối với người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ và tỷ lệ phân bổ vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương, tỷ lệ đối ứng vốn hỗ trợ từ ngân sách địa phương giai đoạn 2022 – 2025; Quyết định chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025; Quyết định chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, ngập lụt sau khi được phê duyệt.
Cuối cùng, hoàn thiện, duy trì thường xuyên hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản. Thường xuyên bám sát tình hình thị trường bất động sản để kịp thời điều chỉnh, tháo gỡ những khó khăn, hạn chế, bất cập của cơ chế, 41 chính sách, pháp luật đối với thị trường bất động sản, để đảm bảo thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.
Thảo Linh