Hiện nay, năng lượng gió là một trong những ngành có sức cạnh tranh lớn, đồng thời cũng có tiềm năng trở thành động lực cho sự phát triển kinh tế. Ngoài những lợi ích kinh tế trực tiếp như tạo việc làm và thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, năng lượng gió còn góp phần giảm thiểu ô nhiễm không khí, phát thải khí nhà kính (GHG) và biến đổi khí hậu.
• Điện gió ngoài khơi sẽ giúp Việt Nam sớm đạt mục tiêu cam kết tại COP 26
• Mua bán điện mặt trời, điện gió không qua EVN – cơ hội cho năng lượng tái tạo
Với chiều dài 3.260km đường bờ biển, diện tích biển khoảng 1 triệu km2 và nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, Việt Nam là nước có tiềm năng lớn về năng lượng gió. Năm 2021 là một năm mang tính bước ngoặt đối với ngành năng lượng gió Việt Nam. Tổng công suất lắp đặt của điện gió trên bờ đã chạm mốc phát triển mới với gần 4GW vào cuối tháng 10. Con số này cho thấy Chính phủ Việt Nam ngày càng quan tâm và có những chính sách hỗ trợ phát triển năng lượng gió và năng lượng tái tạo.
Phát biểu tại Hội nghị năng lượng gió Việt Nam 2021 (diễn ra ngày 2/12), bà Trần Thị Hồng Lan – Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết: Việt Nam nhận thức rõ tầm quan trọng của việc chuyển đổi cơ cấu nguồn năng lượng theo hướng nâng cao tỷ trọng năng lượng tái tạo gắn liền với sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững.
Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng nêu rõ tầm quan trọng của việc đa dạng hóa nguồn năng lượng, chú trọng phát triển các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, với mục tiêu nâng tỷ trọng trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt ít nhất 20% vào năm 2030 và 30% vào năm 2045.
Ông Ben Backwell, Giám đốc điều hành Hội đồng Năng lượng Gió Toàn cầu (GWEC), chia sẻ: “Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có những cam kết Net Zero mạnh mẽ tại COP26 ở Glasgow. Đây là những tín hiệu tuyệt vời cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, những người đang tìm kiếm thời điểm thích hợp để đầu tư vào lĩnh vực năng lượng gió tại Việt Nam.”
Việt Nam đang từng bước đẩy mạnh quá trình chuyển đổi năng lượng và đã và đang cho thế giới thấy những thành tựu ấn tượng của mình. Chính phủ mới đây đã đặt ra mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Quá trình chuyển dịch năng lượng, điện gió nói chung và điện gió ngoài khơi nói riêng là chìa khóa để Việt Nam thực hiện mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, tiềm năng khai thác và phát triển năng lượng gió tại Việt Nam còn rất lớn, vẫn còn rất nhiều cơ hội để nguồn tài nguyên này phát huy hết công suất nhằm đảm bảo nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của đất nước.
Vì vậy, công việc cần thiết lúc này không chỉ dừng ở cơ chế, chính sách mà còn ở công nghệ, như: lắp đặt, vận hành, giám sát, bảo trì, xử lý tái chế, nhân lực, tạo ra những mô hình mới trong ngành năng lượng nói riêng và các ngành khác nói chung. Do đó, các chính sách cần phải hỗ trợ và tạo điều kiện thúc đẩy các dự án.
Từ trước đến nay, Việt Nam tập trung vào các nhà máy điện gió trên bờ và gần bờ; tuy nhiên, tiềm năng lớn hơn nằm ở điện gió ngoài khơi vẫn chưa được khai thác đúng mức. Vì thế, Chính phủ cần có những chính sách phù hợp hơn để phát triển, quy hoạch điện gió ngoài khơi.
Về góc độ đầu tư, khả năng vay vốn của các hợp đồng mua bán điện (PPA) là rất quan trọng. Việt Nam đã hết cơ chế giá Feed-in Tariffs (FIT) nên nếu theo cơ chế hiện nay thì tương đối khó, bởi nếu vay vốn ngân hàng để đầu tư vào các dự án điện gió ngoài khơi thì sẽ phải cân đối rất nhiều yếu tố. Do vậy, PPA phải được sớm chuẩn hoá, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư và được các tổ chức tài chính chấp nhận.
Khi mức công suất lắp đặt ngày càng tăng, việc dự báo năng lượng gió cần được lập kế hoạch một cách có hệ thống để đảm bảo sự phát triển bền vững và sự ổn định của các trang trại điện gió. Ngoài ra, lĩnh vực năng lượng gió vẫn còn rất nhiều yếu tố để phát triển, không chỉ về các công nghệ tuabin gió hiện tại mà còn về công nghệ lưu trữ, vốn là yếu tố cần thiết để tăng tốc độ chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo.
Bình An