Phiên họp thường kỳ Chính phủ 6 tháng đầu năm diễn ra ngày 01/7. Chính phủ đã thông qua Nghị quyết về việc hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 với tổng mức hỗ trợ khoảng 26.000 tỷ đồng.
Nghị quyết được đông đảo người dân chờ đợi
Nghị quyết 68 về việc hỗ trợ người lao động và sử dụng lao động gặp ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được Thủ tướng Phạm Minh Chính ký ngay sau phiên họp thường kỳ của Chính Phủ.
Ngày 25/6, Bộ Chính trị đã cho chủ trương về việc ban hành một số chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn trong đợt bùng phát dịch bệnh lần này.
Nghị quyết 68 tập trung vào 2 đối tượng: Người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng sâu bởi đại dịch Covid-19, mà chủ yếu nhất là công nhân và người lao động trực tiếp.
Nghị quyết 68 đề ra 4 nguyên tắc cơ bản: Hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai minh bạch; Thiết kế chính sách minh bạch, đơn giản, dễ tiếp cận nhất, thủ tục hành chính giảm tới 2/3 so với Nghị quyết 42; Đảm bảo chính sách có tính khả thi; Mỗi đối tượng chỉ thụ hưởng một chính sách (trừ trường hợp đặc biệt là phụ nữ mang thai, người đang nuôi dưỡng trẻ em và trẻ em bị mắc Covid-19 hoặc phải cách ly).
Nghị quyết cũng nêu rõ tỷ lệ đảm bảo nguồn chi để thực hiện chính sách. Với các tỉnh khó khăn, ngân sách Trung ương sẽ lo đảm bảo 80%. Với những tỉnh có mức điều tiết ngân sách tốt hơn (trên 60%) thì phải tự đảm bảo nguồn lực thực hiện. Nhà nước hỗ trợ 40% với những tỉnh có tỷ lệ điều tiết ngân sách trên 30%,…
Có 12 nhóm chính sách
Nhóm thứ nhất là giảm mức đóng bảo hiểm xã hội về tai nạn nghề nghiệp. Hiện quy định là người sử dụng lao động đóng 0.5% thu nhập cho quỹ này. Theo Nghị quyết 68, nhà nước quyết định giảm mức phí này trong 12 tháng, nghĩa là không phải đóng tiền nhưng nếu có rủi ro xảy ra, người lao động vẫn được đảm bảo quyền lợi. 11 triệu người sẽ được thụ hưởng chính sách này. Toàn bộ số tiền được giảm đóng này, người sử dụng lao động phải dùng để chi trả cho người lao động.
Nhóm thứ 2 là tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất. Chính sách này tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết 42 nhưng mức tiêu chí giảm nhiều so với Nghị quyết 42. Thời gian áp dụng là 12 tháng.
Chính sách thứ 3 là hỗ trợ đào tạo với người lao động, sử dụng kinh phí từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Việc này, theo Bộ trưởng, giúp người lao động và sử dụng lao động được sử dụng kinh phí này để đào tạo, bồi dưỡng, chuyển đổi công việc. Mức hỗ trợ với mỗi người là 1,5 triệu/tháng, không quá 6 tháng. Thời gian áp dụng khoản hỗ trợ từ 1/7/2021 tới hết 30/6/2022, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung giải thích, đây là chính sách dài hơi.
Chính sách thứ 4 là hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 1/5 tới 31/12 năm nay. Có 2 nhóm đối tượng được hưởng chính sách này, một nhóm (bị tạm dừng hợp đồng lao động từ 15 ngày tới 1 tháng) được hỗ trợ 1,8 triệu đồng và một nhóm (bị tạm dừng hợp đồng lao động trên 1 tháng) được hỗ trợ 3,710 triệu đồng.
Chính sách thứ 5 là hỗ trợ người lao động ngừng việc. Theo đó, người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động bị ngừng việc và thuộc đối tượng phải cách ly y tế hoặc trong các khu vực bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ 14 ngày trở lên trong thời gian từ 1/5/2021 đến hết 31/12/2021, đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tính đến thời điểm ngay trước khi ngừng việc, được hỗ trợ một lần 1.000.000 đồng/người.
Chính sách thứ 6 là hỗ trợ trẻ em và phụ nữ mang thai. Phụ nữ mang thai ngoài các chính sách chung được hỗ trợ 1,7 triệu đồng/tháng. Mỗi trẻ em được hưởng thêm 1 triệu đồng/tháng. Trường hợp này, nhà nước chỉ thực hiện hỗ trợ cho một người nuôi dưỡng, hoặc mẹ hoặc bố.
Chính sách thứ 7 là hỗ trợ tiền ăn 80.000 đồng/người/ngày với công nhân đang phải điều trị Covid-19 hoặc phải cách ly để phòng chống dịch. Những đối tượng này được hưởng hỗ trợ theo số ngày thực tế phải thực hiện các biện pháp cách ly.
Chính sách thứ 8 là hỗ trợ người lao động trong các đơn vị hoạt động nghệ thuật phải nghỉ để phòng chống dịch. Mức hỗ trợ là 3,7 triệu đồng/người. Đây là những người hoạt động với các chức danh hưởng lương ở mức khởi điểm. Có khoảng 2.000 người được hưởng chính sách này trên quy mô cả nước.
Chính sách thứ 9 là hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch (được cấp thẻ hành nghề, bị ảnh hưởng sâu, mất việc từ 15 ngày trở lên).
Chính sách thứ 10 là hộ kinh doanh bị ảnh hưởng vì Covid-19, mức hỗ trợ ấn định là 3 triệu đồng/lần.
Chính sách thứ 11 là cho vay để trả lương. Chính sách cho vay trả lương để phục hồi sản xuất, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, là một chính sách mới, được vay với mức lãi suất 0%, không phải thế chấp tài sản, mức vay bằng một tháng lương cần trả cho người lao động, áp dụng tối đa 3 tháng. Áp dụng với những lĩnh vực bị ảnh hưởng sâu như kinh doanh dịch vụ.
Chính sách thứ 12, hỗ trợ người lao động tự do. Căn cứ vào điều kiện cụ thể của các địa phương để xây dựng chính sách cụ thể nhưng không ít hơn 1,5 triệu đồng/người/tháng hoặc mức 50.000 đồng/người/ngày.
“Chúng tôi sẽ cố gắng ở mức cao nhất, cùng các bộ ngành để triển khai, đưa chính sách vào cuộc sống” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung hứa.
Nhấn để phóng to ảnh
Toàn cảnh buổi họp báo Chính phủ chiều 1/7 (Ảnh: Mạnh Quân).
Chính sách hỗ trợ lao động tự do khả thi hơn
Bộ trưởng Lao động – Thương binh và Xã hội cũng dành thời gian trả lời thêm các câu hỏi báo giới đặt ra về gói hỗ trợ mới vừa được Chính phủ quyết. Cụ thể, về những khó khăn được dự báo khi thực hiện hỗ trợ với nhóm lao động tự do bởi tính chất của đối tượng này là mức di biến động lớn, đi làm ăn xa.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói, trong chỉ đạo của Bộ Chính trị cũng như Chính phủ về việc xây dựng Nghị quyết 68 đều lưu ý đến việc chăm lo cho nhóm lao động tự do bởi đây là những người bị ảnh hưởng sâu nhất vì dịch bệnh nhưng cũng khó triển khai hỗ trợ nhất. Thực tế, việc triển khai gói hỗ trợ lần đầu theo Nghị quyết 42 năm 2020, việc thực hiện rất khó khăn.
Bộ trưởng kể, nhiều tổ trưởng dân phố từng chia sẻ với ông về những điểm vướng do việc di biến động tự do của lực lượng lao động tự do tại địa phương. Vậy nên, khi xây dựng Nghị quyết 68 lần này, Chính phủ xác định, sử dụng ngân sách Trung ương để hỗ trợ với trường hợp này sẽ khó triển khai. Chính phủ sau đó quyết định vẫn hỗ trợ đối tượng này nhưng giao địa phương xây dựng danh sách người cần hỗ trợ.
Bài học kinh nghiệm, theo Bộ trưởng, đã được chỉ ra trong việc TPHCM chi 668 tỷ đồng hỗ trợ người lao động trên địa bàn. Chỉ có địa phương mới xác định được cụ thể những nhóm lao động tự do trên địa bàn như người lái xe ba gác, lực lượng bốc vác, người bán vé số…
“Bộ Lao động nhận định cách thực hiện này hợp lý hơn nhưng đề nghị phải đưa ra mức sàn, tối thiểu không dưới 1,5 triệu đồng/tháng hoặc không dưới 50.000 đồng/ngày. Ngân sách thực hiện nội dung này do địa phương cân đối” – Bộ trưởng phân tích.
Bộ trưởng khẳng định, gói hỗ trợ lần này không chạy song song với gói hỗ trợ theo Nghị quyết 42 vì thực tế chính sách đó đã kết thúc vào cuối năm 2020. Số tiền chưa sử dụng đã được chuyển sang sử dụng với những mục đích khác.
Việc thực hiện Nghị quyết 68 lần này, trong một vài ngày tới, Chính phủ sẽ ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện, tháo gỡ nhiều khó khăn thực tế đã bộc lộ khi thực hiện Nghị quyết 42 năm 2020. Tinh thần đề ra, theo Bộ trưởng, là tinh giản tối đa các điều kiện, thủ tục để các đối tượng tiếp cận, thụ hưởng chính sách. Nội dung hướng dẫn theo dự thảo đến nay dày khoảng 50 trang.
Bộ trưởng dẫn chứng, như việc miễn giảm toàn bộ Quỹ An toàn lao động, chỉ cần một quyết định, doanh nghiệp đến Bảo hiểm xã hội kèm danh sách người lao động là sẽ được chuyển tiền ngay, nếu không được thì cũng được trả lời ngay.
Hữu Cao (tổng hợp từ Dân trí)