Dư nợ cho vay margin đạt hơn 2.200 tỷ đồng, lợi nhuận 9 tháng vượt 8% mục tiêu cả năm
Trong quý III/2024, Công ty CP Chứng khoán Tiên Phong (TPS, mã: ORS) ghi nhận lãi trước thuế tăng trưởng 132% so với cùng kỳ, đạt 166 tỷ đồng và lãi sau thuế đạt 132 tỷ đồng, tăng 123%. Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, Chứng khoán Tiên Phong lãi trước thuế 384,8 tỷ đồng, tăng 84% và lãi sau thuế hơn 308 tỷ đồng, tăng trưởng 82% so với cùng kỳ.
Cụ thể, báo cáo tài chính quý III/2024 cho thấy, doanh thu hoạt động trong quý III/2024 giảm 14% so với cùng kỳ, xuống còn hơn 541 tỷ đồng nhưng chi phí hoạt động lại giảm với tốc độ nhanh hơn là 47%, xuống còn 228,5 tỷ đồng.
Trong 9 tháng đầu năm, tổng doanh thu hoạt động đạt hơn 1.579 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ, nhưng chi phí hoạt động giảm mạnh 54% so với cùng kỳ, xuống còn hơn 760 tỷ đồng.
Đáng chú ý, tính đến 30/9/2024, dư nợ các khoản cho vay tại ORS đạt hơn 2.336 tỷ đồng, tăng trưởng 114% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay hoạt động giao dịch ký quỹ (cho vay margin) lên mức cao nhất lịch sử, đạt hơn 2.254 tỷ đồng, tăng tới 117% so với đầu năm và cho vay hoạt động ứng trước tiền bán chứng khoán gần 82 tỷ đồng, tăng 54%.
Nhờ vậy, lãi từ các khoản cho vay và phải thu trong 9 tháng đầu năm ghi nhận đạt 131 tỷ đồng, tăng 62% so với cùng kỳ. Chi phí lãi vay ghi nhận 377 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ.
Nguồn: BCTC quý III/2024 tại Chứng khoán Tiên Phong. |
Trong năm 2024, Chứng khoán Tiên Phong lên kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu dự kiến đạt 2.551 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 357,9 tỷ đồng. Như vậy với kết quả trên, Công ty đã thực hiện 62% kế hoạch doanh thu và vượt 8% kế hoạch lợi nhuận năm.
9 tháng đầu năm 2024, lợi nhuận tăng trưởng ấn tượng song dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh tại Chứng khoán Tiên Phong lại âm tới 2.527 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ 2023 dương hơn 765 tỷ đồng.
Quy mô tổng tài sản tính đến 30/9/2024 tăng 64% so với đầu năm, đạt 11.400 tỷ đồng. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền đạt 2.269 tỷ đồng.
Chứng khoán Tiên Phong đang nợ nghìn tỷ tại loạt ngân hàng
Theo báo cáo tài chính quý III/2024, tính đến 30/9/2024, Chứng khoán Tiên Phong đang có hơn 3.850 tỷ đồng nợ vay tài chính ngắn hạn, cao gấp 3,25 lần so với đầu năm.
Trong đó, chủ nợ lớn nhất tại TPS là Vietcombank với 1.350 tỷ đồng; VPBank cũng đang cho vay 1.000 tỷ đồng; Vietinbank cho vay 399,5 tỷ đồng. Ngoài ra, Chứng khoán Tiên Phong còn vay thêm TPBank 951 tỷ đồng; Ngân hàng Bản Việt 100 tỷ đồng và VietCredit 50 tỷ đồng.
Nguồn: BCTC quý III/2024 tại Chứng khoán Tiên Phong. |
Theo tìm hiểu, giữa tháng 8/2024, Chứng khoán Tiên Phong công bố thông tin về việc vay tối đa 1.500 tỷ đồng từ Ngân hàng Vietcombank. Khoản vay này có tài sản đảm bảo là chứng chỉ tiền gửi, giấy tờ có giá, trái phiếu chính chủ, trái phiếu do các tổ chức tín dụng phát hành thuộc sở hữu của TPS và/hoặc bên thứ ba.
Chứng khoán Tiên Phong cho biết, 1.500 tỷ đồng được huy động từ Vietcombank sẽ được dùng để thanh toán tiền mua Công cụ nợ của Chính phủ, Trái phiếu chính quyền địa phương và các mục đích khác phù hợp với quy định pháp luật và quy định của Vietcombank. Thời hạn sử dụng hạn mức sẽ tuỳ thuộc vào TPS và Vietcombank tại từng thời điểm.
Nghị quyết HĐQT số 18/2024/NQ-HĐQT về việc "Thông qua việc vay vốn của TPS tại Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam-Chi nhánh Thăng Long". |
Trước đó, vào tháng 4/2024, Chứng khoán Tiên Phong cũng đã thông qua việc vay vốn tại Ngân hàng VietinBank với mức vay tối đa là 1.000 tỷ đồng. Trong đó, 700 tỷ đồng là hạn mức tối đa có tài sản đảm bảo và 300 tỷ đồng là hạn mức tối đa không có tài sản đảm bảo.
Tài sản đảm bảo cho hạn mức tín dụng có TSBĐ là tài sản thuộc sở hữu của TPS bao gồm trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi, hợp đồng tiền gửi do các tổ chức tín dụng phát hành hoặc tài sản thanh khoản cao khác theo quy định của VietinBank và/hoặc tài sản khác thuộc sở hữu bên thứ 3.
Vào cuối năm 2023, Chứng khoán Tiên Phong cũng đề nghị VPBank cho vay theo hạn mức/cấp cho công ty hạn mức tín dụng với giá trị tối đa 1.000 tỷ đồng, thời hạn 12 tháng kể từ ngày ký hợp đồng tín dụng. Hạn mức này không có tài sản đảm bảo và các tài sản khác.
Số tiền vay từ VPBank sẽ dùng để đầu tư, hoặc kinh doanh trái phiếu Chính phủ và chứng chỉ tiền gửi do các tổ chức tín dụng (trừ tổ chức tín dụng là công ty con của VPBank) phát hành. Hạn mức tín dụng sẽ được VPBank giải ngân cho TPS sử dụng phù hợp với mục đích sử dụng nêu trên và hợp đồng/thỏa thuận cho vay ký kết giữa công ty và VPBank. Thời hạn sử dụng hạn mức tín dụng là 12 tháng kể từ ngày ký hợp đồng tín dụng.