Ngày 30/3/2023, tại TP. Hồ Chí Minh, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh tại TP. Hồ Chí Minh (VCCI-HCM) phối hợp với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Chuyển dịch năng lượng hướng đến phát thải ròng bằng 0: Cơ hội và thách thức”.
• Việt Nam kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế trong chuyển đổi năng lượng sạch
• Việt Nam cùng ký tuyên bố chung toàn cầu chuyển đổi từ điện than sang năng lượng sạch
Hội thảo nhằm cung cấp các thông tin quan trọng về xu hướng phát triển, những thách thức, cơ hội và các khuyến nghị trong quá trình chuyển dịch năng lượng, hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Đến tham dự hội thảo có: Ông Nguyễn Hữu Nam – Phó Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh tại TP. Hồ Chí Minh (VCCI-HCM); ông Lê Anh Tuấn – Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tây Ninh; ông Trần Thanh Toản – Phó GĐ Sở Công thương tỉnh Long An; ông Đạo Văn Rớt – Phó GĐ Sở Công thương tỉnh Ninh Thuận; bà Phạm Thị Cẩm Nhung – Quản lý Chương trình khí hậu và Năng lượng WWF cùng đông đảo lãnh đạo các doanh nghiệp.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Hữu Nam chia sẻ: “Năng lượng là ngành đóng góp nhiều lượng phát thải nhất, nhưng đồng thời cũng là ngành có nhiều tiềm năng nhất để giảm phát thải tại Việt Nam. Do đó, việc thúc đẩy năng lượng tái tạo, giảm hoặc chấm dứt việc sử dụng các nhiên liệu hóa thạch, như than và dầu khí, để tạo ra điện là vô cùng cấp thiết để đạt mục tiêu giảm phát thải đầy tham vọng này”.
Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát thải khí nhà kính nhanh nhất khu vực Mê Kông và vẫn còn phụ thuộc chủ yếu vào nhiên liệu hóa thạch. Theo Báo cáo Chỉ số Rủi ro Khí hậu Toàn cầu (CRI) năm 2020, Việt Nam xếp thứ 6 trong số các quốc gia dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu. Trong bản thảo cập nhật nhất của Quy hoạch Điện VIII (PDP8), tới năm 2030 Việt Nam sẽ không phát triển thêm các nhà máy nhiệt điện than mới ngoài những dự án đã được phê duyệt, việc đầu tư vào các nhà máy điện than sẽ chấm dứt hoàn toàn vào năm 2050 và định hướng phát triển ngành năng lượng bền vững. Với những ưu tiên trong chính sách từ Chính phủ, năng lượng tái tạo đã phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây tại Việt Nam, đặc biệt là điện mặt trời và điện gió.
Tham luận tại hội thảo, ông Đạo Văn Rớt cho biết: “Ninh Thuận là một trong những địa phương có tiềm năng, lợi thế rất lớn về phát triển năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, thủy điện tích năng, điện khí LNG. Trên cở sở tiềm năng, thế mạnh về phát triển năng lượng tái tạo, hiện nay tỉnh Ninh Thuận là một trong những tỉnh cơ bản đã lập đầy đủ các quy hoạch phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như quy hoạch điện gió đất liền, quy hoạch điện gió ven biển, quy hoạch điện gió ngoài khơi, quy hoạch điện mặt trời, điện khí LNG, thủy điện tích năng. Ngoài ra, Ninh Thuận còn có tiềm năng, lợi thế phát triển thủy điện vừa và nhỏ, điện hạt nhân và các nguồn năng lượng khác như thủy triều, điện sinh khối, sóng biển, hải lưu nhưng chưa được nghiên cứu và đánh giá tiềm năng”.
“Hiện nay, để phát triển năng lượng tái tạo có 7 khó khăn, vướng mắc cần phải tháo gỡ. Trong đó, cơ chế chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng thay đổi liên tục gây khó khăn trong tổ chức thực hiện. Quy định về thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng và thu hồi đất thông qua nhiều bước và thời gian kéo dài làm cho công tác giải phóng mặt bằng triển khai thực hiện dự án gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đường dây truyền tải điện”, ông Đạo Văn Rớt cho biết thêm.
Đồng thời, Việt Nam hiện là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu và thuộc nhóm các nền kinh tế phát thải nhiều các bon nhất ở châu Á, Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu giảm phát thải Các bon của toàn bộ nền kinh tế và đạt trạng thái trung hòa các bon vào năm 2050 theo cam kết tại COP26. Để đạt mục tiêu này đòi hỏi những khoản đầu tư khổng lồ trong 30 năm tới trong khi nguồn lực của nhà nước chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu vốn này.
“Quy hoạch điện VIII chậm phê duyệt, cơ chế, chính sách giá điện mới các dự án năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời chậm được ban hành làm ảnh hưởng đến định hướng, kế hoạch phát triển năng lượng cả nước nói chung, tỉnh Ninh Thuận nói riêng. Quy hoạch điện VIII không nêu cụ thể danh mục từng dự án của các địa phương mà phân theo từng vùng miền, dẫn đến địa phương không xác định được quy mô công suất cụ thể để có kế hoạch phát triển phù hợp với quy hoạch. Việc phát triển điện gió ngoài khơi hiện nay đang còn nhiều rào cản như quy hoạch điện VIII, quy hoạch không gian biển, quy định cho thuê mặt biển, cấp phép và một số khó khăn khác như đấu thầu, đấu giá, lựa chọn nhà đầu tư, việc tiếp cận và huy động nguồn vốn từ các ngân hàng gặp nhiều khó khăn”, ông Đạo Văn Rớt nêu rõ.
Với các tham luận, cùng chia sẻ của lãnh đạo các cơ quan và chuyên gia tại hội thảo, những cơ hội và thách thức trong việc chuyển đổi năng lượng hướng đến mục tiêu phát thải bằng ‘0’ trong thời gian tới tại Việt Nam cần phải có chính sách cụ thể hơn nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm chuyển dịch từ năng lượng hóa thạch truyền thống sang các nguồn năng lượng xanh, sạch, giảm phát thải khí nhà kính và chống biến đổi khí hậu.
Đạm Lê Quang