Ngày 28/12, Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã tổ chức Hội thảo "Giải pháp tăng cường hoạt động xuất bản của Liên hiệp hội Việt Nam và các hội thành viên".
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Hoàng Tùng |
Phát biểu khai mạc tại hội thảo, PGS.TS. Phạm Ngọc Linh - Phó Chủ tịch Liên hiệp hội Việt Nam mong rằng, các chuyên gia, nhà khoa học sẽ coi hội thảo như một buổi thảo luận, tọa đàm để trao đổi và tư duy sâu về chủ đề mà Liên hiệp hội (LHH) đang đặt ra trong kế hoạch chiến lược. Đó là công cuộc phát triển hoạt động xuất bản của Liên hiệp hội Việt Nam, trước hết là trong giai đoạn 2025 - 2030, còn xa hơn nữa là trong giai đoạn 2035 - 2040.
Ông Phạm Ngọc Linh phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Hoàng Tùng |
Hiện nay, xu hướng quản lý báo chí đang có cách nhìn mới hơn trong lĩnh vực này. Trước đây, Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam chỉ quan tâm tới báo chí mà ít để ý tới xuất bản, từ công tác quản lý, quy định tới cơ chế để thúc đẩy cũng chỉ tập trung vào báo chí mà đôi khi lãng quên lĩnh vực xuất bản.
Sau khi có hội nghị văn hóa toàn quốc, hoạt động xuất bản đã tập trung tốt hơn, mà tiêu biểu là NXB Tri thức, Đảng đoàn Liên hiệp hội đã có những biện pháp cụ thể để kiện toàn bộ máy, hỗ trợ để nhà xuất bản (NXB) hoạt động.
Trải qua giai đoạn khó khăn, NXB đã có những bước chuyển mình, bước đi vững chắc và đường hướng trong sự phát triển. Hội thảo hôm nay được nhìn nhận ở góc rộng hơn, là hoạt động xuất bản của LHH, trong đó có những thành tố liên quan đến hoạt động xuất bản trong Liên hiệp hội.
Báo cáo đề dẫn tại hội thảo, ThS. Lê Thanh Tùng - Trưởng Ban Truyền thông và Phổ biến Kiến thức Liên hiệp hội Việt Nam cho hay, hoạt động báo chí, xuất bản luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, VUSTA cũng tập hợp được rất nhiều chuyên gia giỏi - là tác giả của nhiều cuốn sách.
Theo ông Tùng, công tác báo chí và xuất bản sẽ góp phần thực hiện hoạt động phổ biến kiến thức – nhiệm vụ quan trọng nhất của Liên hiệp hội Việt Nam. Hội thảo được tổ chức nhằm trao đổi và đưa ra những giải pháp để thúc đẩy hoạt động xuất bản. Ảnh: Hoàng Tùng |
Nhà xuất bản Tri thức là một trong 57 NXB trên cả nước hiện đang hoạt động hiệu quả, trong 3 năm liên tiếp được trao giải Sách quốc gia. Riêng năm 2024, Nhà xuất bản Tri thức có 3 sách được trao giải.
Điều đó cho thấy, công tác xuất bản nói chung và NXB Tri thức đã có những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những hạn chế. Đầu sách ít, số lượng hội viên xuất bản sách không nhiều, các hội chưa thúc đẩy hội viên xuất bản sách, NXB chưa có sự phối hợp với các hội thành viên. Nếu khắc phục thì quy mô sẽ xứng đáng với tiềm năng, lợi thế của VUSTA.
Tiềm năng lớn trong việc xuất bản sách khoa học
TS. Lê Công Lương, Phó Tổng Thư ký Liên hiệp hội Việt Nam cho biết, tính đến năm 2023, Việt Nam có khoảng 60 nhà xuất bản được cấp phép hoạt động bởi Bộ Thông tin và Truyền thông. Các nhà xuất bản này được phân bổ trên cả nước và hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ văn hóa, giáo dục, khoa học, chính trị đến giải trí. Mỗi nhà xuất bản hoạt động theo giấy phép và quy định cụ thể, đồng thời phải chịu sự quản lý chặt chẽ về nội dung nhằm đảm bảo phù hợp với pháp luật và văn hóa Việt Nam.
Ông Lê Công Lương phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Hoàng Tùng |
Trong số khoảng 60 nhà xuất bản tại Việt Nam, có từ 8 - 10 NXB chuyên về hoặc có mảng tập trung vào sách khoa học và kỹ thuật. Ngoài các đơn vị chuyên trách, một số nhà xuất bản khác như NXB Tổng hợp hoặc NXB Thế giới cũng xuất bản các đầu sách liên quan đến khoa học và kỹ thuật, nhưng không phải trọng tâm chính. Tuy không có nhiều nhà xuất bản chuyên biệt cho sách khoa học và kỹ thuật, nhưng vẫn có một số nhà xuất bản lớn có mảng xuất bản tập trung vào sách khoa học và kỹ thuật.
Ông Lương nhận định, sách khoa học kỹ thuật đóng vai rất trò quan trọng trong việc nâng cao trình độ và kiến thức cho các nhà khoa học, kỹ sư và những người hoạt động trong các lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật và khoa học ứng dụng. Đây không chỉ là nguồn tài liệu giúp nâng cao chuyên môn mà còn là công cụ thúc đẩy sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, góp phần cải tiến năng lực cá nhân và quốc gia.
Để tăng cường chất lượng nội dung và biên tập trong xuất bản sách khoa học cũng như thúc đẩy hợp tác với các nhà nghiên cứu và chuyên gia đầu ngành, xây dựng đội ngũ biên tập chất lượng, TS. Lê Công Lương cho rằng, cần tuyển chọn biên tập viên có kiến thức, chuyên môn sâu rộng và kinh nghiệm trong lĩnh vực khoa học liên quan. Cùng với đó là tổ chức đào tạo chuyên sâu về biên tập, cập nhật xu hướng trong xuất bản khoa học và tạo hệ thống đánh giá nội bộ để đảm bảo chất lượng biên tập qua từng giai đoạn.
Đưa ra những giải pháp phát triển sách khoa học của VUSTA, ông Lương đề xuất, cần xuất bản đa phương tiện và các nền tảng trực tuyến để tiếp cận độc giả rộng rãi hơn. Số hóa sách khoa học, tạp chí khoa học, chuyển đổi các ấn phẩm sang định dạng kỹ thuật số (ebook, audiobook) giúp tăng khả năng tiếp cận và giảm chi phí in ấn. Đồng thời, ứng dụng công nghệ hỗ trợ biên tập bằng cách sử dụng các phần mềm quản lý nội dung hoặc các công cụ hỗ trợ biên tập để tăng hiệu quả biên tập.
Có thể nói, xuất bản sách khoa học là một lĩnh vực quan trọng trong việc truyền bá kiến thức và thúc đẩy sự phát triển của các ngành khoa học. Việc chia sẻ và mở rộng nội dung khoa học trong xuất bản sách đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ giữa tính học thuật, khả năng tiếp cận công chúng, và sự đổi mới trong cách truyền tải.
Vậy nên, cần tập trung xây dựng thương hiệu và nâng cao danh tiếng NXB Tri thức, Báo Tri thức và Cuộc sống, các tạp chí khoa học bằng cách tập trung vào chất lượng, không chạy theo số lượng. Không chỉ quảng bá các tác phẩm khoa học thông qua các kênh chuyên biệt, trưng bày và giới thiệu bán sách, tạp chí khoa học tại hội nghị và hội thảo khoa học, nhất là do Liên hiệp hội Việt Nam tổ chức mà còn tạo danh mục sách có giá trị lâu dài, không ngừng cập nhật và tái bản khi cần như cách làm của NXB Tri thức trong thời gian vừa qua.
Công tác xuất bản là vũ khí tư tưởng và văn hóa
Công tác xuất bản sách, báo, tạp chí nói chung và xuất bản sách nói riêng trong toàn bộ hệ thống Liên hiệp hội Việt Nam là một công việc rất quan trọng và có ý nghĩa trong toàn bộ hoạt động của VUSTA. Bởi lẽ, công tác xuất bản có một “mục tiêu kép” cả về chính trị và kinh tế, đó là:
Nhận dạng về công tác xuất bản trong hệ thống Liên hiệp hội Việt Nam thời gian qua, ThS. Nguyễn Hữu Giới - Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam khẳng định, khoa học và công nghệ trên thế giới đang phát triển hết sức mạnh mẽ, công tác xuất bản trên thế giới cũng như ở Việt Nam đang có sự thay đổi để phù hợp với cuộc sống đương đại.
Trong nhiều thập kỷ qua, ngành thư viện Việt Nam vinh dự là nơi lưu giữ, quảng bá tri thức - “túi khôn của nhân loại” với hàng chục ngàn, hàng triệu cuốn sách, tờ báo và tạp chí về đủ mọi lĩnh vực tri thức của nhân loại. Nhưng trong vài chục năm trở lại đây, bên cạnh các ấn phẩm xuất bản truyền thống bằng giấy, chúng ta đã thấy có thêm các ấn phẩm sách điện tử (sách đọc trên mạng Internet) và các ấn phẩm sách nói,… Người đọc trên thế giới và tại Việt Nam đã và đang có thói quen tiếp cận cả 3 loại ấn phẩm xuất bản phong phú này.
Điều đó đồng nghĩa với việc, các đơn vị trong hệ thống của Liên hiệp hội Việt Nam cũng phải định hình lại công việc để phù hợp với cuộc sống hiện đại, để các đơn vị cần phải suy nghĩ và tìm cách tiếp cận mới về công tác xuất bản hiện nay (tức là sản xuất sách in - sách điện tử và sách nói cũng như tiêu thụ cả 3 loại ấn phẩm này) nhằm phục vụ cho công việc và cuộc sống.
"Xét một cách khách quan và toàn diện, có lẽ công tác xuất bản của Liên hiệp hội Việt Nam và các đơn vị thành viên trong thời gian qua vẫn chưa đạt được như mong muốn và chưa thực sự đáp ứng tốt nhu cầu của công việc" - Ông Nguyễn Hữu Giới chia sẻ. Ảnh: Hoàng Tùng |
Đề xuất các giải pháp khả thi nhằm tăng cường và đẩy mạnh công tác xuất bản trong hệ thống Liên hiệp hội Việt Nam thời gian tới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc ta, Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam yêu cầu Nhà xuất bản Tri thức và các thành viên trong VUSTA phải ưu tiên việc xuất bản sách và cung cấp kiến thức, tri thức cho nhân dân, các nhà khoa học và hội viên LHH.
Các ấn phẩm ở dạng sách truyền thống, sách điện tử, sách nói,... phải đáp ứng tốt nhất, đầy đủ nhất cho nhu cầu tìm hiểu thông tin, kiến thức, tri thức tổng hợp cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp, cho các nhà khoa học và hội viên của Liên hiệp hội Việt Nam… Đồng thời, các hội thành viên trong Liên hiệp hội cần liên kết chặt chẽ với NXB Tri thức để tiện cho việc xuất bản và in ấn các loại sách và tài liệu cho đơn vị.
Ông Giới cũng nhận định, sách điện tử hiện đang là xu thế chính của công tác xuất bản ở nước ta. Song, khó khăn lớn nhất của việc xuất bản sách điện tử là công tác bản quyền tác giả (nếu không ngăn chặn điều này thì dễ bị phát hành hàng lậu với số lượng lớn), ảnh hưởng lớn về kinh tế đến tác giả viết sách và các đơn vị liên kết xuất bản các tác phẩm điện tử. Vì vậy, chúng ta cần đặc biệt lưu ý vấn đề này trong xuất bản điện tử.
Phát huy hết tiềm năng và thế mạnh của Liên hiệp hội trong công tác xuất bản
Năm 2005, Liên hiệp hội Việt Nam thành lập Nhà xuất bản Tri thức với mục tiêu xây dựng một cơ sở xuất bản trực thuộc hoạt động chuyên nghiệp, xuất bản các cuốn sách lý luận, khoa học trong nhiều lĩnh vực (triết học, kinh tế, giáo dục, xã hội,…) có giá trị hướng đến đối tượng là các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, giảng viên đại học, sinh viên và bạn đọc quan tâm. Nhà xuất bản Tri thức có nhiệm vụ:
Đề xuất giải pháp tăng cường hoạt động xuất bản của Liên hiệp hội và các hội thành viên, Th.S Bùi Thu Hằng - Phó Giám đốc Nhà xuất bản Tri thức cho rằng, giải pháp trước mắt là xuất bản đa dạng, phổ biến tri thức, hỗ trợ và tham gia thúc đẩy nghiên cứu các vấn đề khoa học được xã hội quan tâm, nhà nước định hướng phát triển cũng như xây dựng cộng đồng tri thức khoa học công nghệ và hệ sinh thái nghiên cứu khoa học bền vững.
Bà Bùi Thu Hằng phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Hoàng Tùng |
Về giải pháp lâu dài, bà Hằng nêu rõ, cần tăng cường và phát huy mạnh mẽ vai trò NXB của LHH, kết nối với các đơn vị thành viên của LHH để đảm bảo phục vụ nhu cầu xuất bản trong nội bộ. Đồng thời, xây dựng "Tủ sách Khoa học & Công nghệ" của Liên hiệp hội, giới thiệu kết quả của các công trình nghiên cứu, các thành tựu khoa học, tài liệu tham khảo về lĩnh vực khoa học và công nghệ của Việt Nam.
Không chỉ phát huy hết tiềm năng và thế mạnh của LHH trong công tác xuất bản, song song với việc phát triển tủ sách tinh hoa tri thức thế giới, cần phát triển mạnh tủ sách tinh hoa tri thức trong nước, trong đó có sách về khoa học công nghệ của VUSTA.
Bên cạnh việc chú trọng đến hoạt động xuất bản của Liên hiệp hội Việt Nam và các hội thành viên cũng như khẳng định giá trị, thương hiệu của Nhà xuất bản Tri thức thuộc LHH, công tác truyền thông và phổ biến kiến thức cũng cần được chú trọng quan tâm và thúc đẩy mạnh mẽ cả về chiều rộng và chiều sâu. Như vậy sẽ càng thúc đẩy, lan tỏa các giá trị, thành của đạt được về mặt nghiên cứu khoa học của LHH, các hội thành viên và Nhà xuất bản Tri thức.
Tự động hóa quy trình và sử dụng AI biên tập nội dung trong hoạt động xuất bản
TS. Nguyễn Thị Bích Lan - Viện trưởng Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số nhấn mạnh, các giải pháp ứng dụng công nghệ trong hoạt động xuất bản có thể giúp tối ưu hóa quy trình, tăng hiệu quả sản xuất, phân phối và cải thiện trải nghiệm của người đọc.
Bà Nguyễn Thị Bích Lan khẳng định: "Ứng dụng công nghệ không chỉ giúp ngành xuất bản vận hành hiệu quả hơn, mà còn tạo ra các giá trị mới thúc đẩy phát triển bền vững và đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của độc giả". Ảnh: Hoàng Tùng |
Với một nhà xuất bản có thâm niên lâu dài và uy tín cao như Nhà Xuất Bản Tri thức, bà đề xuất các giải pháp công nghệ có thể áp dụng để nâng cao chất lượng và tối ưu hóa hoạt động:
Tự động hóa quy trình xuất bản và sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) biên tập nội dung: AI có thể hỗ trợ kiểm tra lỗi chính tả, ngữ pháp và gợi ý chỉnh sửa nội dung.
Phân tích dữ liệu độc giả, ứng dụng Big Data để phân tích hành vi và sở thích của độc giả, từ đó định hướng phát triển nội dung phù hợp.
Quảng bá và phân phối trực tuyến: xây dựng nền tảng cửa hàng trực tuyến để bán sách giấy và điện tử kết hợp sử dụng AI trong tiếp thị, quảng cáo dựa trên thói quen và sở thích cá nhân của độc giả.
Blockchain trong quản lý bản quyền: ứng dụng công nghệ Blockchain để đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ bản quyền và theo dõi nguồn thu từ sách điện tử.
Hoàng Tùng