Theo thông tin từ Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), ngày 30/12/2024 vừa qua, Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank, mã: PGB) chào bán thành công lô trái phiếu mã PGB12401 với mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, kỳ hạn 2 năm, lãi suất cố định 5,8%/năm có giá trị 1.000 tỷ đồng.
Đây là lô trái phiếu đầu tiên được PGBank phát hành trong năm 2024.
PGBank huy động 1.000 tỷ đồng trái phiếu (Nguồn: HNX). |
Trước đó, vào ngày 25/9/2024, PGBank đã hoàn tất việc mua lại toàn bộ 500 tỷ đồng trái phiếu mã PGBL2325001, lô trái phiếu duy nhất đang lưu hành của ngân hàng này.
Trái phiếu PGBL2325001 được phát hành vào ngày 25/9/2023 với mục đích cung cấp nguồn vốn cho vay cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Lô trái phiếu có kỳ hạn 2 năm, lãi suất phát hành thực tế là 7,5%/năm, với kỳ hạn trả lãi 12 tháng một lần.
Đặc biệt, đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản bảo đảm và không phải nợ thứ cấp của tổ chức phát hành.
Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) là nhà đầu tư tổ chức mua trọn lô trái phiếu này, dưới sự thu xếp của CTCP Chứng khoán DSC (HOSE: DSC).
Kết quả mua lại trái phiếu trước hạn của PGBank (nguồn: HNX). |
Trong diễn biến khác, đầu tháng 12/2024, HĐQT PGBank đã thông qua Nghị quyết số 273/2024/NQ-HĐQT bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Hương giữ chức vụ Tổng Giám đốc nhiệm kỳ 2024-2027 kể từ ngày 7/12/2024.
Ông Hương đã đảm nhiệm vai trò quyền Tổng Giám đốc ngân hàng từ tháng 9/2024. Trước đó, vị trí Tổng Giám đốc của PGBank "để trống" từ tháng 4/2024, sau khi bà Đinh Thị Huyền Thanh nộp đơn từ nhiệm.
Về tình hình kinh doanh, 9 tháng năm 2024, PGBank ghi nhận thu nhập lãi thuần gần 1.231 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên lợi nhuận sau thuế lại giảm nhẹ 4,4% về mức 275,5 tỷ đồng. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong 9 tháng đầu năm 2024 là 292,2 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt, tính đến 30/9/2024, các khoản lãi, phí phải thu (lãi dự thu) tại PGBank tăng 10% so với đầu năm, đạt hơn 625 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm 30/9/2024, tổng tài sản của PGBank là 61.804 tỷ đồng, tăng 11,38% so với đầu năm. Tiền gửi của khách hàng là 38.098 tỷ đồng, tăng 6,63%. Trong khi, cho vay khách hàng đạt 36.894 tỷ đồng, tăng 10,68% so với đầu năm.
Đáng chú ý, nợ xấu nội bảng của nhà băng này “phình to” đáng kể so với thời điểm đầu năm. Cụ thể, tính đến cuối tháng 9, tổng nợ xấu nội bảng của PGBank là 1.175 tỷ đồng, tăng gần 17% so với đầu năm. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) là 226,2 tỷ đồng, tăng 2,26%; nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) là 352,5 tỷ đồng, tăng 20,07% và nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) là 596,5 tỷ đồng, tăng 20,88%.
Như vậy, nợ có khả năng mất vốn đang chiếm hơn một nửa tổng nợ xấu của nhà băng này. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của PGBank cũng tăng vọt lên 3,19% vào thời điểm cuối tháng 9/2024.