Hiện nay, kinh tế số đang trở thành đặc trưng và là xu thế tất yếu trên thế giới, được nhiều quốc gia nghiên cứu, ứng dụng và phát triển. Đặc biệt, dưới tác động của đại dịch Covid-19, chuyển đổi số đã không còn là lựa chọn mà trở thành yêu cầu bắt buộc đối với mỗi quốc gia và doanh nghiệp.
Từ sự thúc ép phải tồn tại và phát triển trong đại dịch Covid-19 và những chuyển biến mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, hệ thống ngân hàng Việt Nam đang bước vào một giai đoạn then chốt với những cơ hội lớn và thách thức chưa có tiền lệ.
• Mở cửa hành lang pháp lý cho ngành Tài chính ngân hàng trong xu thế chuyển đổi số
• Số hóa – xu hướng mới trong ngành ngân hàng
• Rào cản nào trên con đường Việt Nam tiến tới Ngân hàng số
• Kinh tế số là cơ hội lớn để Việt Nam thu hẹp khoảng cách với các nước phát triển
Nhằm thảo luận, chia sẻ các thách thức cũng như các giải pháp hiệu quả xoay quanh vấn đề chuyển đổi số trong ngành ngân hàng, hội thảo chuyên đề “Chuyển đổi số cho ngành ngân hàng” trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao chuyển đổi số Việt Nam 2021 đã được diễn ra vào ngày 1 tháng 12 trên nền tảng trực tuyến.
Phát biểu tại sự kiện, bà Nguyễn Thị Thu Giang – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VINASA cho rằng: Hiện nay, chuyển đổi số đã trở thành nhu cầu thiết yếu trong mỗi ngân hàng tại Việt Nam. Hệ thống các ngân hàng thương mại Việt Nam đã và đang có những chuyển biến tích cực trong việc ứng dụng công nghệ thông tin một cách năng động, sáng tạo vào hoạt động kinh doanh.
Ảnh hưởng của Cách mạng số giúp các ngân hàng thương mại trong nước định hình lại mô hình kinh doanh, thanh toán điện tử, quản trị,… hướng tới việc xây dựng các ngân hàng kỹ thuật số thông minh trong tương lai. Những tiến bộ từ cuộc Cách mạng số chính là động lực giúp các ngân hàng trong nước phát triển và cạnh tranh với các ngân hàng tiên tiến trong khu vực và trên thế giới trong điều kiện nắm bắt và thay đổi kịp thời để thích nghi với công nghệ mới.
Việc xây dựng những trung tâm dữ liệu lớn giúp cho khoa học phân tích và quản lý dữ liệu trong lĩnh vực ngân hàng ngày càng có nhiều thuận lợi, hỗ trợ việc đưa ra quyết định nhanh chóng và hiệu quả, từ đó góp phần giảm được chi phí và tạo lợi thế cạnh tranh cho các ngân hàng.
Theo Ngân hàng Nhà nước, tới cuối năm 2020, số lượng và giá trị giao dịch thanh toán qua di động tăng tới hơn 1.111,2% và 4.049,1% so với cùng kỳ năm 2016.
“Riêng năm 2020, số lượng giao dịch thanh toán qua Internet đạt gần 374 triệu giao dịch với giá trị đạt hơn 22,4 triệu tỷ đồng (tăng 8,3% về số lượng và 25,5% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2019); số lượng giao dịch thanh toán qua điện thoại di động đạt gần 918,8 triệu giao dịch với giá trị đạt gần 9,6 triệu tỷ đồng.” Bà Giang cho biết.
Theo khảo sát của McKinsey, Ngân hàng Việt Nam được đánh giá có mức độ ứng dụng ngân hàng số với tốc độ nhanh nhất trong khu vực, theo khảo sát của McKinsey.
Với vai trò mạch máu của nền kinh tế, chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng sẽ là một trong những yếu tố then chốt cho chuyển đổi số nói chung và thúc đẩy chuyển đổi số trong các lĩnh vực khác.
Thành tựu từ cuộc Cách mạng 4.0 đang được ứng dụng ngày càng sâu rộng. Nếu như cách đây 2-3 năm, các ngân hàng thương mại tại Việt Nam chỉ mới tiếp cận đến khái niệm các công nghệ này, thì hiện nay, các công nghệ đã mang lại những lợi ích về tự động hóa quy trình, nâng cao năng suất lao động, tăng trải nghiệm khách hàng, giảm thiểu chi phí vận hành. Đặc biệt, ứng dụng ngân hàng di động đã được nâng cấp lên thành ngân hàng số với đầy đủ tính năng từ mở tài khoản, giao dịch, đầu tư đến dịch vụ ngoài tài chính như: mua sắm, giáo dục, y tế, giao thông. Ngày nay, dịch vụ ngân hàng đã len lỏi vào mọi ngóc ngách của đời sống, kết hợp với các lĩnh vực, ngành nghề khác để xây dựng hệ sinh thái thông minh.
Bàn về những cơ hội và thách thức của ngành ngân hàng trong công cuộc chuyển đổi số, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cho biết: Ngày 11 tháng 5 năm 2021, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành quyết định số 810 về kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là cơ hội để các ngân hàng thương mại đẩy nhanh công cuộc chuyển đổi số và thiết lập hệ sinh thái ngân hàng số một cách toàn diện.
Tuy nhiên, xét một cách khách quan, chuyển đổi số ngân hàng Việt Nam còn chưa có tính tổng thể. Việc đầu tư hạ tầng chưa đáp ứng được tốc độ ứng dụng công nghệ số. Một số ngân hàng đã tiếp cận công nghệ điện toán đám mây, song vẫn còn những tranh luận liên quan đến việc sử dụng công nghệ mới này. Hệ sinh thái ngân hàng đã được thiết lập nhưng chưa được tương thích với các công nghệ kết nối, giao diện, lập trình ứng dụng mở, Chuyển đổi số mới chỉ tập trung vào các kênh phân phối. Các sản phẩm truyền thống của ngân hàng vẫn còn phải thực hiện quy trình bán tự động.
Cũng tại buổi hội thảo, các chuyên gia, diễn giả đến từ các công ty, tập đoàn lớn trong nước đã cùng nhau bàn thảo, chia sẻ các thách thức cũng như các giải pháp hiệu quả xoay quanh vấn đề chuyển đổi số trong ngành nhằm hướng đến mục tiêu tạo ra một hệ sinh thái số cho ngành ngân hàng.
Minh Hoàng