Hội thảo "Xu hướng mới ngành F&B - AI marketing và hóa đơn tự động" chia sẻ về những thách thức và cơ hội mới của ngành F&B. |
Trong bối cảnh công nghệ bùng nổ và nền kinh tế số ngày càng phát triển mạnh mẽ, ngành F&B (Thực phẩm và Đồ uống) đang phải đối mặt với những thách thức và cơ hội mới. Để thích nghi và dẫn đầu xu hướng, các doanh nghiệp F&B cần nắm bắt và ứng dụng hiệu quả những công cụ và giải pháp công nghệ tiên tiến không chỉ để công khai minh bạch về tài chính mà còn giúp giảm chi phí, gia tăng sức cạnh tranh.
Chia sẻ tại hội thảo, Thạc sĩ Ngô Hữu Thống – Viện trưởng viện nghiên cứu Ứng Dụng và Đổi mới sáng tạo 3AI nhận định rằng ứng dụng AI trong marketing là xu hướng tất yếu và đang phát triển mạnh mẽ trên thị trường F&B tại Việt Nam. AI giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về khách hàng, từ đó đưa ra các chiến lược marketing hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, AI còn hỗ trợ tạo ra nội dung hấp dẫn, tự động hóa các quá trình marketing, giúp tiết kiệm thời gian và nâng cao hiệu quả hoạt động.
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Tịnh, Phó Chủ tịch HTCAA, chia sẻ những vướng mắc về thuế, Hóa đơn điện tử đối với ngành F&B. |
Trong bài chia sẻ của mình, Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Tịnh, Phó Chủ tịch Hội tư vấn và đại lý thuế TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay, ngành thuế TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục hướng đến xây dựng nền tảng thuế điện tử để đáp ứng yêu cầu quản lý thuế trong bối cảnh kinh tế số. Vì vậy, tất cả doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp ngành ẩm thực và đồ uống đều phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong thanh toán, xuất hóa đơn điện tử khi tham gia kinh doanh.
“Nhiều doanh nghiệp khi áp dụng chuyển đổi số vào thanh toán, báo cáo thuế cho biết, công nghệ số đã giúp họ bán hàng qua thương mại điện tử hiệu quả hơn, thanh toán minh bạch hơn, tiết kiệm chi phí, thời gian và nhân công. Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ số trong thanh toán, kê khai thuế hiệu quả còn giúp cho doanh nghiệp tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng chính xác hơn, mở rộng hoạt động kinh doanh đi các thị trường mới tốt hơn...”, ông Nguyễn Ngọc Tịnh cho biết.
Ông Lưu Nhật Tuấn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Ẩm thực TP. Hồ Chí Minh chia sẻ tại sự kiện. |
Ở góc độ của ngành ẩm thực, ông Lưu Nhật Tuấn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Ẩm thực TP. Hồ Chí Minh - chia sẻ rằng, các doanh nghiệp ngành ẩm thực và đồ uống có nhu cầu sử dụng công nghệ trong quản lý, thanh toán khá cao, trong đó nhiều nhất là kê khai và nộp thuế điện tử.
Theo ông Tuấn, nhiều doanh nghiệp sau khi áp dụng công nghệ trong việc xuất hóa đơn điện tử, kê khai nộp thuế đã tiết kiệm được rất nhiều chi phí. Từ đó, giúp cho hoạt động sản xuất kinh doanh thuận lợi hơn, giảm thủ tục hành chính và thời gian thực hiện công tác báo cáo thuế với cơ quan chức năng. Đặc biệt hơn, khi ứng dụng công nghệ trong thanh toán điện tử còn giúp doanh nghiệp công khai minh bạch về tài chính, gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Viết Cương