Ngày 10,11/12, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức Hội nghị toàn thể Chương trình hỗ trợ quốc tế (ISG) năm 2020 với chủ đề “Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam trong bối cảnh tác động của Covid 19 – cơ hội và thách thức”.
Hội nghị toàn thể ISG là diễn đàn đối thoại chính sách cấp cao được tổ chức thường niên giữa Bộ NN&PTNT với các cộng đồng, các nhà tài trợ quốc tế, các tập đoàn doanh nghiệp và các đối tác để cùng trao đổi, chia sẻ các định hướng chính sách, ưu tiên của hai bên nhằm đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tăng cường điều phối các nguồn lực thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp Việt Nam ngày càng bền vững.
Theo ông Hardwick Tchale – Cố vấn cấp cao của Ngân hàng thế giới cho biết: Covid 19 đã làm đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng nông sản, giá trọ lương thực tăng cao trong đó có giá gạo. Ở một số nước giá cả lương thực tăng mạnh như Argentina tăng 39%, Myanmar tăng 30%,… đây là thiệt thòi lớn cho các quốc gia này nhưng lại là cơ hội cho các nước xuất khẩu lương thực nông sản như Việt Nam.
Ông Hardwick Tchale cũng nhấn mạnh, ngành nông sản Việt Nam đã tiếp cận nhanh hơn với các thị trường giàu tiềm năng và có yêu cầu cao như Mỹ, EU, Nhật Bản,… đây chính là cơ hội lớn của Việt Nam, đồng thời cũng yêu cầu Việt Nam tiếp tục nâng cao chất lượng nông sản, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc,…
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đánh giá, năm 2020 là một năm khó khăn khi mà toàn thế giới phải căng sức để phòng chống đại dịch Covid 19. Về các thiệt hại về người, covid 19 cũng tác động mạnh mẽ đến toàn bộ các nền kinh tế trên thế giới trong đó có Việt Nam. Dịch Covid 19 có thể sẽ tiếp tục ảnh hưởng trong năm 2020 và nhiều năm tiếp theo, làm đứt gãy một số chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào và tiêu thụ đầu ra sản phẩm nông lâm thủy sản, làm gia tăng yêu cầu và lùi thời hạn đàm phán, ký kết các biện pháp thúc đẩy mở cửa thị trường Việt Nam và các nước.
Trước tình hình này, Bộ NN&PTNT phấn đấu thực hiện mục tiêu kéo dài do Chính phủ đề ra, vừa tập trung nỗ lực triển khai các biện pháp phòng chống đại dịch Covid 19, vừa đạt mục tiêu phát triển kinh tế. Nông nghiệp Việt Nam tiếp tục tái cơ cấu, tận dụng công nghệ trong cách mạng công nghiệp 4.0, đồng thời thu hút đầu tư, doanh nghiệp cả trong và ngoài nước, các hiệp định thương mại tự do để kết nối tốt hơn với các đầu mối xuất khẩu; nâng tầm trong chuỗi cung ứng, tăng hàm lượng giá trị gia tăng và nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Việt.
Theo Thứ trưởng, ngành nông nghiệp trong năm nay gặp rất nhiều khó khăn, bên cạnh sự ảnh hưởng của dịch bệnh thì việc ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai cũng đã gây nên những trở ngại cho ngành nông nghiệp nước ta. Nhưng dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với các bộ ngành, địa phương và sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, thực hiện các giải pháp đồng bộ kịp thời, hiệu quả nên sản xuất nông nghiệp của Việt Nam vẫn phát triển, đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu.
Hà An