Doanh nghiệp Việt Nam làm thế nào để có thể khai thác được yếu tố đổi mới sáng tạo trong nội bộ công ty? Làm thế nào để bắt đầu một dự án đổi mới sáng tạo triển khai tại một doanh nghiệp cụ thể? Làm thế nào để tìm được chuyên gia đổi mới sáng tạo cố vấn cho dự án? Đó là những câu hỏi đặt ra đối với doanh nghiệp tại Tọa đàm “Tham vấn ý kiến chuyên gia về Khung báo cáo hệ sinh thái và Khung huấn luyện khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” do Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo TP. Hồ Chí Minh (Sở Khoa học & Công nghệ TP. Hồ Chí Minh) tổ chức ngày 28/3/2025.
Tại Toạ đàm, các chuyên gia đã chia sẻ về “Khung báo cáo Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và Khung chương trình huấn luyện khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”. Đồng thời, các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách và cộng đồng khởi nghiệp đã cùng nhau đóng góp ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm, gợi ý thêm hướng nghiên cứu mới nhằm định hình tương lai của hệ sinh thái khởi nghiệp TP. Hồ Chí Minh phát triển mạnh mẽ và bền vững.
Bà Phan Thị Quý Trúc - Phó Trưởng phòng Quản lý Sở hữu trí tuệ và Đổi mới sáng tạo (Sở Khoa học & Công nghệ TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Hiện nay, giới trẻ và doanh nghiệp là những đối tượng luôn mang tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST), song để tinh thần này tạo được hiệu ứng tốt, phát triển, lan tỏa thành phong trào sâu rộng mang lại nhiều thành tựu to lớn thì phải được nuôi dưỡng trong một hệ sinh thái mà ở đó không thể thiếu các tổ chức mới như: Trung tâm hỗ trợ KNĐMST, khu làm việc chung, chương trình ươm tạo, chương trình tăng tốc cũng như các công cụ sáng tạo hỗ trợ cho KNĐMST, đặc biệt là sự vận dụng tri thức sáng tạo, thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Với tinh thần xung phong đi đầu vượt khó vươn lên của thế hệ trẻ và doanh nghiệp, phong trào KNĐMST cần được ưu tiên, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của đất nước”.
![]() |
Hàng năm, cần có các chuỗi sự kiện hoạt động KNĐMST, trong đó, ngày hội khởi nghiệp là cơ hội để tạo động lực và lan tỏa tinh thần KNĐMST trong mọi tầng lớp nhân dân; đẩy mạnh liên kết hệ sinh thái KNĐMST; trưng bày các sản phẩm, dịch vụ KH&CN, ĐMST, sản phẩm chủ lực nhằm quảng bá, kết nối sản phẩm đến người tiêu dùng, nhà quản lý, nhà khoa học, cộng đồng khởi nghiệp, góp phần thúc đẩy mở rộng thị trường, định hướng phát triển các sản phẩm, dịch vụ.
Thực tế cho thấy, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST bao gồm: Các cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST và các chủ thể hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển, trong đó, có chính sách và luật pháp của nhà nước (về thành lập doanh nghiệp, thành lập tổ chức đầu tư mạo hiểm, thuế, cơ chế thoái vốn...); cơ sở hạ tầng dành cho khởi nghiệp (các khu không gian làm việc chung, cơ sở vật chất phục vụ thí nghiệm, thử nghiệm để xây dựng sản phẩm mẫu...); vốn và tài chính (các quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư cá nhân, các ngân hàng, tổ chức đầu tư tài chính...); văn hóa khởi nghiệp (văn hóa doanh nhân, văn hóa chấp nhận rủi ro, mạo hiểm, thất bại); các tổ chức cung cấp dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp, các huấn luyện viên khởi nghiệp và nhà tư vấn khởi nghiệp; các trường đại học; các khóa đào tạo, tập huấn cho cá nhân, nhóm cá nhân khởi nghiệp; nhà đầu tư khởi nghiệp; nhân lực cho doanh nghiệp khởi nghiệp; thị trường trong nước và quốc tế.
![]() |
Các diễn giả, chuyên gia chia sẻ, đóng góp ý kiến tại Tọa đàm “Tham vấn ý kiến chuyên gia về Khung báo cáo hệ sinh thái và Khung huấn luyện khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”. |
“Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo đã tạo nên một thế hệ doanh nhân, doanh nghiệp mới của Việt Nam dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và hướng tới tiếp cận thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, hệ sinh thái này còn thiếu cơ sở pháp lý trong việc triển khai hoạt động thúc đẩy trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo một cách tổng thể, đồng bộ, thống nhất. Ngoài ra, còn thiếu những cơ chế, chính sách thu hút nguồn vốn đầu tư mạo hiểm, khơi thông các nguồn lực tài chính sẵn có từ trong nước, nước ngoài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo mở, phát triển hệ sinh thái của các ngành, lĩnh vực và cơ chế tài chính đặc thù cho hoạt động đào tạo, ươm tạo khởi nghiệp”, bà Nguyễn Thị Hà Thanh - Thành viên tham gia thực hiện nhiệm vụ xây dựng khung huấn luyện khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chia sẻ.
“Để hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, góp phần tăng trưởng năng suất của Việt Nam cần phải tạo một môi trường thuận lợi hơn. Trong các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính hiện nay, các thuật ngữ khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới sáng tạo được sử dụng theo các cách hiểu khác nhau, gây ra sự thiếu chuẩn xác, không thống nhất trong thực thi các hoạt động chuyên môn, xây dựng chính sách hỗ trợ và trong công tác quản lý nhà nước”, bà Nguyễn Thị Hà Thanh chia sẻ thêm.
Theo đó, cần đổi mới chương trình hỗ trợ hệ sinh thái quan trọng theo hướng xây dựng các doanh nghiệp sẵn sàng nhận đầu tư. Hoạt động này bao gồm cải thiện các cơ chế hỗ trợ, tạo thuận lợi cho các nhà quản lý quỹ tư nhân để thành lập các quỹ đầu trong nước và nâng cao năng lực của các bên liên quan đến hệ sinh thái như vườn ươm và hỗ trợ phát triển ý tưởng.
Bên cạnh đó, bà Nguyễn Hương Quỳnh - CEO BambuUp chia sẻ: “Bên cạnh đó, đơn giản hóa các quy định, đẩy nhanh cải cách nhằm giải quyết các rào cản pháp lý đối với các quỹ đầu tư trong nước và đơn giản hóa các thủ tục tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư từ bên ngoài vào Việt Nam và ngược lại, đặc biệt là đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Cần tăng cường sự đóng góp của giới học thuật và nghiên cứu công lập; Tạo điều kiện cho các trường đại học và các tổ chức nghiên cứu công để đóng góp cho các công ty khởi nghiệp, thông qua các vườn ươm, hỗ trợ phát triển ý tưởng, trung tâm đào tạo khởi nghiệp được đổi mới (thông qua các mô hình hợp tác công - tư)".
“Khu vực nghiên cứu công có thể đóng vai trò lớn hơn bằng cách hiện đại hóa khuôn khổ sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ, khen thưởng những nỗ lực nghiên cứu có tiềm năng thương mại hóa và xây dựng năng lực của các trường đại học và tổ chức nghiên cứu để chuyển giao công nghệ một cách hiệu quả cho các công ty khởi nghiệp”, bà Đặng Thị Luận - Quyền Giám đốc Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo TP. Hồ Chí Minh chia sẻ.
Những ý kiến chia sẻ, đóng góp của các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách và cộng đồng khởi nghiệp tại Tọa đàm là cơ sở quan trọng để tiếp tục hoàn thiện “Khung báo cáo hệ sinh thái và Khung huấn luyện khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” thực tiễn, phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp khởi nghiệp và thị trường. Từ đó, hệ sinh thái KNĐMST ngày càng phát triển mạnh mẽ, tạo ra nhiều cơ hội và giá trị thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian tới.