Tuyên truyền chủ động
Những năm qua, kinh doanh thương mại điện tử đã phát triển mạnh mẽ, tuy nhiên, nhiều cá nhân và tổ chức hoạt động trong lĩnh vực này vẫn chưa nắm rõ về nghĩa vụ thuế của mình, dẫn đến tình trạng không tuân thủ pháp luật thuế. Điều này đã đặt ra thách thức lớn cho cơ quan thuế trong việc quản lý và giám sát hoạt động kinh doanh này.
Để giải quyết vấn đề này, Cục Thuế Hà Nội đã áp dụng chiến thuật "đứng trên vai người khổng lồ" - một cách tiếp cận sáng tạo nhằm tăng cường hiệu quả tuyên truyền và nâng cao ý thức về nghĩa vụ thuế của người nộp thuế (NNT). Cục đã tận dụng sự phối hợp với các sàn thương mại lớn như Shopee, Lazada và Tiki để truyền tải thông tin về nghĩa vụ thuế.
Cụ thể, Cục đã thiết lập các kênh hỗ trợ điện tử, bao gồm cả phòng hỗ trợ ảo trên các sàn thương mại điện tử, nhằm nâng cao tính tuân thủ thuế của NNT khi phát sinh nghĩa vụ thuế.
Để NNT có cái nhìn bao quát nhất về nghĩa vụ thuế, Cục Thuế Hà Nội đã biên soạn các tài liệu hướng dẫn chi tiết về các thủ tục như đăng ký kinh doanh, đăng ký mã số thuế điện tử, nộp tờ khai thuế và kê khai thuế điện tử...
Ngoài ra, Cục còn gửi thư ngỏ đến tổ chức và cá nhân kinh doanh thương mại điện tử qua các kênh thông tin chính thức và báo chí, nhằm tạo ra cái nhìn toàn diện về nghĩa vụ thuế. Những tài liệu này không chỉ giúp NNT hiểu rõ hơn về quyền lợi và nghĩa vụ của mình mà còn khuyến khích họ thực hiện các bước cần thiết để tuân thủ pháp luật.
Bên cạnh đó, Cục Thuế Hà Nội đã phối hợp với một số cơ quan báo chí tạo ra "cú hích" truyền thông mạnh mẽ, giúp người dân và doanh nghiệp nhận thức rõ hơn về trách nhiệm thuế của mình. Thông qua các bài báo, chương trình truyền hình với thông điệp "kinh doanh thương mại điện tử không còn cửa trốn thuế" đã được lan tỏa rộng rãi, nhấn mạnh rằng các hoạt động thương mại điện tử cũng phải tuân thủ đầy đủ các quy định về thuế.
Theo Cục Thuế Hà Nội, với sức lan tỏa từ truyền thông, số lượng lớn tổ chức và cá nhân đã tự giác đăng ký thuế, kê khai và nộp thuế. Cụ thể, số lượng NNT chủ động đăng ký, kê khai, nộp thuế ngày càng tăng, góp phần vào thành công chung trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.
"Việc NNT chủ động thực hiện nghĩa vụ thuế không chỉ giúp tăng nguồn thu ngân sách mà còn thể hiện sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp về trách nhiệm thuế", đại diện Lãnh đạo Cục Thuế Hà Nội cho biết.
Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng AI
Để nâng cao hiệu quả quản lý thuế, Cục Thuế Hà Nội cho biết: Đã đẩy mạnh việc sử dụng nền tảng số trong công tác tuyên truyền và hỗ trợ NNT cài đặt ứng dụng eTax Mobile. Theo kế hoạch phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư và định danh điện tử, Cục đã tích cực hướng dẫn NNT cài đặt và sử dụng ứng dụng này bằng nhiều hình thức đa dạng. Cục Thuế đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan để quảng bá ứng dụng eTax Mobile qua nhiều phương thức: từ đăng tải thư ngỏ về ứng dụng trên trang điện tử của Cục Thuế, đến việc gửi thư ngỏ qua hệ thống gửi thư tự động tới 800.000 NNT...
Cục thuế đã tổ chức các lớp tập huấn tại các chi cục thuế nhằm thông tin, tuyên truyền đến đông đảo NNT để mọi người dân hiểu rõ về các lợi ích và tiện ích của ứng dụng eTax Mobile. Nhờ những nỗ lực này, ứng dụng eTax Mobile đã trở thành công cụ hữu ích, giúp NNT chủ động quản lý thông tin đăng ký thuế, rà soát nghĩa vụ thuế kịp thời và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật thuế. Thông qua ứng dụng, NNT có thể thực hiện các thủ tục thuế một cách nhanh chóng và thuận tiện hơn, từ đó tiết kiệm thời gian và giảm thiểu rủi ro trong quá trình thực hiện nghĩa vụ thuế.
Trong bối cảnh thương mại điện tử ngày càng phát triển và trở thành một phần không thể thiếu của nền kinh tế, Cục Thuế Hà Nội đang tiếp tục triển khai các chiến lược sáng tạo để nâng cao tính tuân thủ thuế trong lĩnh vực này. Sự chủ động và sáng tạo của Cục Thuế không chỉ góp phần bảo vệ quyền lợi của NNT mà còn đảm bảo nguồn thu ngân sách cho Nhà nước, từ đó tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng và bền vững cho tất cả các doanh nghiệp hoạt động trên thị trường.
Trước đó, tại Hội nghị Tổng kết công tác thuế năm 2024 và triển khai nhiệm vụ công tác thuế năm 2025 vừa được Tổng cục Thuế, Cục Thuế Hà Nội đã có tham luận về ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong công tác quản lý thuế, xây dựng và quản trị cơ sở dữ liệu lớn đối với thương mại điện tử, công tác phối hợp với cơ quan công an triển khai Đề án 06, làm sạch cơ sở dữ liệu.
Cục Thuế đang rất khẩn trương để chuyển đổi số toàn diện các chức năng quản lý thuế, các quy trình thực hiện cũng như quản trị công việc nội bộ.
Những kết quả từ thành công của Đề án 06 và Chỉ thị 18 của Chính phủ thực sự đã tạo bước ngoặt lớn trong công tác quản lý nhà nước nói chung và quản lý thuế nói riêng. Người dân, doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước và cơ quan thuế đã được hưởng lợi rất lớn từ những kết quả này.
Tại Cục Thuế TP Hà Nội, với sự chỉ đạo quyết liệt và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị từ chính quyền cấp xã, phường, quận cùng sự hỗ trợ từ cơ quan Công an và Bảo hiểm xã hội với gần 8 triệu dòng dữ liệu, Cục Thuế đã chủ động đề xuất và xây dựng Tools hỗ trợ tự động phân tích dữ liệu; thành lập các Tổ chuyên gia hỗ trợ. Đến nay, Cục Thuế TP Hà Nội đã đồng bộ, khớp nối hơn 7,7 triệu mã số thuế với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư – Đây là kho CSDL "đúng, đủ, sạch, sống" và là tiền đề để Cục Thuế có thể triển khai các giải pháp chuyển đổi số trong công tác quản lý thuế trên địa bàn.
Với dữ liệu NNT đã được cập nhật đầy đủ theo Đề án 06, kết hợp với cơ sở dữ liệu của các ngành bảo hiểm, ngân hàng, giao thông, kế hoạch đầu tư... và đặc biệt là kho cơ sở dữ liệu data warehouse với hơn 80 triệu MST của ngành thuế, Cục Thuế TP Hà Nội đã số hóa, kết nối thông tin, liên thông dữ liệu từ các nguồn, xây dựng được cơ sở dữ liệu lớn, website riêng quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử.
Hiện nay, Cục Thuế TP Hà Nội đã có cơ sở dữ liệu hoàn thiện đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh, quản trị được dữ liệu với trên 117 triệu bản ghi về giao dịch mua bán từ đó, định danh, định vị chính xác 626.768 gian hàng tương ứng với 437.210 mã số thuế là chủ sở hữu, người kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, lập được danh bạ và sổ bộ quản lý thuế hoạt động kinh doanh thương mại điện tử đối với 82.930 tổ chức, cá nhân với các thông tin chi tiết về tên, địa chỉ, căn cước công dân, email, số điện thoại, địa chỉ kho hàng, tài khoản ngân hàng, giá trị bán trên sàn thương mại điện tử. Những dữ liệu này được tự động phân cấp quản lý đến từng Chi cục Thuế, đội thuế, cán bộ thuế tại từng địa bàn quận, huyện, phường xã, trên cơ sở đó thực hiện đấu tranh, xác định đúng nghĩa vụ nộp thuế.
Lũy kế năm 2024, tổng số thu NSNN đối với hoạt động thương mại điện tử là 38.871 tỷ đồng, tăng 2,8 lần so với cùng kỳ 2023 (thời điểm trước khi triển khai).