Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy lĩnh vực sản xuất của Việt Nam năm 2020 có mức tăng 5,82%, và chiếm 16,69% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở Việt Nam. Như vậy có thể nói, trong năm 2020, lĩnh vực sản xuất đóng vai trò chủ chốt dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam.
Còn theo Nikkei và IHS Market, Chỉ số quản lý thu mua (PMI) của ngành sản xuất Việt Nam đạt 51,7 điểm vào tháng 12, tăng so với 49,9 điểm vào tháng 11. Theo đó, điều kiện kinh doanh trong ngành sản xuất của Việt Nam đã chứng kiến sự cải thiện dần dần.
Có được điều này là nhờ sự dịch chuyển trong hoạt động sản xuất công nghiệp Việt Nam trong những năm gần đây. Ngày càng có nhiều nhà máy sản xuất đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất, chưng dụng nhiều hơn robot, tiệm cận nhiều hơn với việc số hóa nhà máy.
Ngành sản xuất của Việt Nam có cơ hội hưởng lợi từ robot
Ông James McKew, Giám đốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Universal Robots cho rằng, ngành sản xuất của Việt Nam có cơ hội nhận được nhiều lợi ích nhất từ robot do các quy trình trong ngành liên quan tới nhiều tác vụ lặp đi lặp lại trong những không gian hạn chế, có cấu trúc.
Những robot cộng tác – Cobot với tính năng hoạt động ổn định, nhất quán suốt 24/7 trong điều kiện vận hành khắc nghiệt mà không cần nghỉ ngơi thực sự là cánh tay phải cho doanh nghiệp.
Đặc biệt trong điều kiện ngành công nghiệp sản xuất tại đây vẫn đang thiếu hụt nguồn lao động có tay nghề kỹ thuật cao.
Cobot của UR được minh chứng là cho phép nhân viên chuyển từ các tác vụ lặp đi lặp lại, có giá trị thấp sang hoạt động có giá trị cao hơn, qua đó giúp tăng năng suất và chất lượng công việc.
Tăng sản lượng 20% mà không cần bổ sung nhân lực
Công ty Yokota Corporation có trụ sở tại Nhật Bản là một ví dụ điển hình. Yokota Corporation chuyên về thiết kế và sản xuất vòng ổ bi, thiết bị Tự động hóa Nhà máy (FA), máy lắp ráp, đóng gói và kiểm tra, đã chọn mẫu cobot UR5 để giải quyết tình trạng thiếu lao động. Công ty đã cố gắng thu hút nhân viên bán thời gian và thuê lại công nhân từ các bộ phận khác. Tuy nhiên, những biện pháp này tỏ ra không hiệu quả. Robot công nghiệp truyền thống cũng được coi là một giải pháp, nhưng sau đó lại không khả thi do yêu cầu phải mở rộng không gian và nhu cầu bảo vệ an toàn.
Với những lợi ích chủ yếu là tính an toàn và linh hoạt, việc triển khai mẫu cobot UR5 đã đưa đến thiết lập một hệ thống sản xuất ổn định, làm tăng sản lượng thêm 20% mà không cần nhân lực bổ sung.
Ông James McKew cho rằng: “Bằng cách hạ thấp rào cản tự động hóa xuống vừa tầm với của những nhà sản xuất vốn chưa từng nghĩ đến việc triển khai robot do yếu tố chi phí và độ phức tạp, chúng tôi hy vọng sẽ giúp các ngành công nghiệp của Việt Nam đạt năng suất cao hơn và duy trì mức sử dụng hiệu quả các nhà máy của họ”.
Theo báo cáo “Thị trường robot hợp tác theo trọng tải, thành phần, ứng dụng, ngành và khu vực địa lý – Dự báo toàn cầu đến năm 2026” của Markets and Markets, cobot ngày càng được nhiều ngành công nghiệp khác nhau sử dụng nhờ sở hữu nhiều ưu điểm như tăng năng suất và mức sử dụng nhân công hiệu quả. Dự đoán đến năm 2026, thị trường này sẽ đạt giá trị 7.972 tỷ đô la Mỹ với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) bằng 41,8%. Thị trường cobot ở khu vực APAC cũng được kỳ vọng sẽ vượt châu Âu vào năm 2021 nhờ các ngành sản xuất quy mô lớn, nhất là lĩnh vực xe hơi, đồ điện tử và kim khí, là những lĩnh vực đang tăng cường triển khai cobot.
Bảo Hà