Trụ sở Thiên tai và Hỏa hoạn thủ đô Seoul đã phát triển một hệ thống sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm giảm thiểu số người tự tử tại 28 cây cầu bắc qua sông Hàn, những điểm nóng của nạn tự tử tại đất nước này.
• Công nghệ AI giúp chẩn đoán bệnh tăng nhãn áp chỉ trong 10 giây
• Chống lại vi khuẩn kháng thuốc nhờ trí tuệ nhân tạo
Hàn Quốc là một nước có tỷ lệ tự tử cao nhất trong nhóm các quốc gia phát triển trong những năm gần đây, số người cố gắng tự tử tại những cây cầu này lên đến 500 người mỗi năm.
Công nghệ này được phát triển bởi Viện Công nghệ Seoul (SIT) từ tháng 4/2020. Công nghệ mới này sẽ tiếp thu hành vi của những người đang có ý định tự tử bằng cách nhảy cầu và nó cũng có thể thu thập các dữ liệu khác gồm thông tin về lịch sử điều động của các đội cứu hộ, các đoạn ghi âm camera giám sát và những cuộc gọi thông qua đường dây nóng. Khi camera phát hiện người có hành vi tự tử thì hệ thống lập tức phát tín hiệu đến các đội cứu hộ gần cầu để nhân viên điều phối cử người đến hiện trường cũng như can thiệp hoặc thực hiện các hoạt động cứu hộ.
Phát ngôn viên của Trụ sở Thiên tai và Hỏa hoạn thủ đô Seoul nói: “Điều quan trọng nhất trong việc giải cứu những người đang có ý định tự tử là phải ngăn chặn trước khi họ nhảy xuống nước. Một khi điều đó xảy ra, tỷ lệ sống sót giảm xuống thấp hơn 50%”.
“Chúng tôi phải giám sát cùng lúc 572 camera tại trung tâm điều khiển, do đó sẽ rất khó để nhân viên giám sát nắm bắt được mọi thứ đang diễn ra. Nhưng với AI, hệ thống sẽ nhận diện được hành vi đáng ngờ và phát ra âm thanh báo động, từ đó đội cứu hộ chúng tôi có thể phản ứng nhanh hơn rất nhiều”. Phát ngôn viên của đội cứu hộ chia sẻ với The Korea Times.
Trước đây đã có nhiều biện pháp an toàn được đưa vào hoạt động, như cây cầu Mapo đã được trang bị hệ thống cảm biến áp suất dọc thanh lan can giúp phát hiện người nắm chặt tay hơn bình thường, đi kèm với đó là một hàng rào an toàn để khó nhảy xuống sông.
Với sự kết hợp của nhiều công nghệ khác nhau, 96,63% số người có ý định tự tử quanh các cây cầu đã được ngăn chặn hoặc giải cứu trong 5 năm qua. “Ngoài các hệ thống ngăn chặn hiện có, nếu hệ thống AI được đưa vào sử dụng, tỷ lệ cứu hộ dự kiến sẽ đạt gần 100%”.
Ko In-seok, người đứng đầu SIT, cho biết: “Hệ thống này là một ví dụ về sự hợp tác giữa chính quyền thành phố và viện nghiên cứu nhằm giảm thiểu thương vong về người bởi các vụ nhảy cầu trên sông Hàn. Bằng cách sử dụng công nghệ phân tích khoa học dữ liệu, chúng tôi sẽ tiếp tục tiến hành các hoạt động nghiên cứu thực tế để đảm bảo sự an toàn cho người dân”.
Trang Nguyễn