Trong khuôn khổ Triển lãm kết nối giao thương, giới thiệu sản phẩm công nghệ số Hà Nội 2024 sáng ngày 6/11 đã diễn ra Hội nghị Hanoi DigiTech 2024 – Công nghệ số thúc đẩy tăng trưởng kép, phát triển bền vững.
Phát biểu khai mạc, ông Lê Tự Lực, Phó Giám đốc HPA cho biết, thành phố Hà Nội với vị trí chiến lược là Thủ đô của cả nước, với nhiều lợi thế đặc thù, Hà Nội có nhiều tiềm năng, cơ hội để phát triển, thu hút đầu tư vào ngành công nghệ số, công nghệ cao.
Hội nghị hôm nay chính là cơ hội để các đại biểu cùng chia sẻ trao đổi, thảo luận, tiếp cận các định hướng, giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng phát triển bền vững đối với các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội nói riêng và các doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh thuộc Vùng đồng bằng sông Hồng nói chung |
Thời gian qua, dù có nhiều khó khăn, nhưng sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế-xã hội của thành phố Hà Nội vẫn đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Trong 10 tháng năm 2024, thành phố Hà Nội đã thu hút 1,6 tỷ USD vốn FDI. Trong đó, 233 dự án đăng ký cấp mới, với số vốn hơn 1,1 tỷ USD. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn Hà Nội đạt 699,2 nghìn tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng qua, khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 5.110 nghìn lượt người, tăng 28,5% so với cùng kỳ năm trước,…
Theo ông Lê Tự Lực, TP. Hà Nội đã và đang triển khai nhiều giải pháp trọng tâm để phát triển kinh tế. Một trong những giải pháp đó là thúc đẩy kinh tế số, kinh tế xanh…; đồng thời, Thành phố cũng quan tâm đến các cơ chế, chính sách tạo động lực phát triển hơn nguồn nhân lực chất lượng cao.
Trong những tháng cuối năm, TP. Hà Nội tiếp tục chỉ đạo cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thông qua các chính sách về tín dụng, thuế, đất đai cũng như các chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại,…
Tại Hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ, trao đổi các nội dung về: Cơ hội và thách thức đối với các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam khi tham gia thị trường quốc tế; Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số; Phát triển nguồn nhân lực trong quá trình chuyển đổi số; Vai trò của các doanh nghiệp công nghệ số trong việc hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội chuyển đổi số,…
PGS.TS Nguyễn Hoài Sơn, Trưởng phòng Khoa học công nghệ và Hợp tác phát triển, Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia chia sẻ, chuyển đổi số là quá trình sử dụng công nghệ số để thay đổi các hoạt động của tổ chức, nâng cao hiệu quả và tối ưu hóa quy trình làm việc.
Trong giáo dục đại học, chuyển đổi số liên quan đến việc sử dụng công nghệ trong giảng dạy, học tập và quản lý.
Chuyển đổi số trong đào tạo góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy bằng việc tăng cường tương tác, hỗ trợ học tập mọi lúc, mọi nơi, kết hợp đào tạo trực tuyến và trực tiếp, đồng thời cá nhân hóa quá trình học tập cho sinh viên,…
Các yếu tố chính của chuyển đổi số là công nghệ thông tin (hạ tầng mạng, phần mềm quản lý, hệ thống bảo mật), con người (đào tạo và phát triển kỹ năng số cho giảng viên, sinh viên và quy trình (tối ưu hóa các quy trình hành chính và quản lý bằng công nghệ).
Chuyển đổi số giúp tối ưu hóa quy trình quản lý, nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập, và tăng cường khả năng cạnh tranh của trường đại học trong thời đại số. Tuy nhiên, để thành công, PGS.TS Nguyễn Hoài Sơn cho rằng, trường đại học cần cam kết đầu tư vào hạ tầng công nghệ, thúc đẩy đào tạo kỹ năng số cho giảng viên và sinh viên và thiết lập lộ trình rõ ràng cho chuyển đổi số,…
Quang cảnh Hội nghị |
Chia sẻ về những giải pháp để thúc đẩy chuyển đổi số phát triển doanh nghiệp số, bà Cao Cẩm Linh, Giám đốc Chiến lược Viettel Logistic cho hay, hiện nay rào cản của doanh nghiệp gặp phải khi chuyển đổi số là bởi doanh nghiệp sợ rò rỉ dữ liệu; thiếu cam kết, hiểu biết của người lao động, của doanh nghiệp; khó khăn trong tích hợp các giải pháp công nghệ số, thiếu thông tin và cơ sơ hạ tầng công nghệ số; cùng với đó là các rào cản về chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ.
Bà Cao Cẩm Linh cũng cho rằng, chuyển đổi số hiện nay đang gặp nhiều rào cản và thách thức như: phức tạp trong triển khai và đo lường; hạn chế nguồn lực và công nghệ; văn hóa doanh nghiệp chưa sẵn sàng,..
“Do đó, để chuyển đổi số thành công, các doanh nghiệp cần tăng cường đầu tư vào công nghệ và hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực công nghệ số, xây dựng văn hóa số trong doanh nghiệp, đo lường và đánh giá hiệu quả chuyển đổi số” – bà Cao Cẩm Linh nhấn mạnh.