Standard Chartered và ADB mới đây đã đưa ra dự báo tăng trưởng cho các nước, trong đó đáng chú ý các tổ chức đã hạ tăng trưởng của Việt Nam xuống 0,2 đến 0,9 điểm phần trăm so với dự báo trước đó.
Cụ thể, Standard Chartered đánh giá tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021 sẽ đạt 6,5% thay vì 6,7% được đưa ra trước đó. Standard Chartered đánh giá ngành bán lẻ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất nếu làn sóng dịch Covid-19 kéo dài.
“Khả năng kiểm soát dịch sẽ đóng vai trò quan trọng đối với triển vọng kinh tế của Việt Nam trong ngắn hạn”. Tuy nhiên, Standard Chartered cũng đưa ra dự báo lạc quan rằng Việt Nam vẫn có những lợi thế nhất định nhờ vào việc kiểm soát tốt Covid-19 trong năm ngoái cũng như xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng gần đây.
Ngân hàng Phát triển châu Á ADB cho rằng tiến độ tiêm chủng chậm và các biện pháp giãn cách kéo dài ở khu vực tăng trưởng lớn nhất nước (TP.HCM) sẽ kéo GDP Việt Nam từ 6,7% xuống 5,8%.
Bên cạnh Việt Nam, ADB cũng hạ triển vọng kinh tế của các khu vực Nam Á, Đông Nam Á, Thái Bình Dương vì các đợt bùng phát dịch mới.
ADB dự báo tăng trưởng của Nam Á sẽ giảm từ 9,5% xuống 8,9%; Đông Nam Á được điều chỉnh từ 4,4% xuống còn 4%; Thái Bình Dương giảm từ 1,4% xuống còn 0,3%. Riêng Ấn Độ bị hạ 1 điểm phần trăm, xuống còn 10%.
Trong khi đó, khu vực Đông Á, Trung Á đều được ADB dự báo tăng trưởng thêm nhờ vào sự phục hồi mạnh mẽ. Mức tăng từ 0,1-7,5%, dành cho các nền kinh tế Đông Á, gồm: Hong Kong, Hàn Quốc, Đài Loan. Năm 2022, theo ADB tăng trưởng cho tiểu vùng này được giữ nguyên ở mức 5,1%. Trung Quốc đại lục cũng được duy trì ở mức 8,1% cho năm nay và 5,5% cho năm 2022.
Khu vực Trung Á tăng trưởng từ 3,4% lên 3,6% trong năm nay và giữ nguyên dự báo cho năm sau.
Ông Yasuyuki Sawada – chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB cho rằng sự bấp bênh trong công cuộc phục hồi sau Covid-19 của châu Á và Thái Bình Dương là do bối cảnh các đợt bùng phát Covid-19 mới với các biến thể virus mới và việc triển khai vaccine không đồng đều.
Do đó, theo ông Yasuyuki Sawada “Ngoài các biện pháp ngăn chặn và tiêm chủng, cần có chiến lược kinh tế theo từng giai đoạn như thương mại, sản xuất và du lịch”.
Bộ Kế hoạch & Đầu tư từng nhận định, nếu làn sóng Covid-19 được kiểm soát trong tháng 7, tăng trưởng kinh tế mới đạt được 6%. Trong khi đó, giữa tháng 7, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, ở kịch bản tốt nhất, nếu khống chế được dịch bệnh trong tháng 8, kinh tế Việt Nam sẽ đạt 6,2%.
Minh Phúc