Hà Nội liên tiếp là địa phương dẫn đầu về Chỉ số đổi mới sáng tạo
Từ năm 2023, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố kết quả xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII ) vào ngày cuối cùng của năm. Theo đó, PII cung cấp bức tranh thực tế, tổng thể về hiện trạng mô hình phát triển kinh tế, xã hội dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của từng địa phương.
Năm nay, 10 địa phương có số điểm cao nhất là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Cần Thơ, Bình Dương, Thái Nguyên, Bắc Giang. Trong đó, Hà Nội là địa phương có điểm số cao nhất, đạt 60,76 điểm, xếp hạng 1. Tiếp sau đó là TP HCM (hạng 2), Hải Phòng (hạng 3), Thái Nguyên và Bắc Giang xếp cuối top 10.
Hà Nội tiếp tục là địa phương có Chỉ số đổi mới sáng tạo xếp hạng nhất (Ảnh: Bộ KHCN) |
Trong 63 tỉnh thành, Cao Bằng lần thứ 2 liên tiếp là địa phương có điểm số thấp nhất, 23,95 điểm, xếp hạng 63. Bắc Ninh bị tụt hạng 10 năm 2023, xuống hạng 11 năm 2024, nhường vị trí cho Bắc Giang.
Theo Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh, kết quả đánh giá, xếp hạng các địa phương năm 2024 có biến động so với năm 2023. Đây là điều bình thường của chỉ số tổng hợp, phản ánh việc đánh giá, xếp hạng là công cụ tốt, nắm sát hiện trạng, để lãnh đạo các địa phương tự soi chiếu, điều chỉnh. Các chỉ số quốc tế và các chỉ số khác ở Việt Nam cũng theo quy luật biến động này.
Kết quả đánh giá PII năm nay cho thấy sự phù hợp, tương đồng giữa kết quả với thực trạng phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Thứ trưởng cho biết, các địa phương thuộc nhóm dẫn đầu có điều kiện tự nhiên và địa lý thuận lợi (tập trung ở các vùng Đông Nam bộ, Đồng bằng Sông Hồng). Các vùng này có ngành công nghiệp - xây dựng, dịch vụ chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế; tập trung nhiều khu công nghiệp; có cơ sở hạ tầng phát triển; có hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo mạnh mẽ.
Các địa phương thuộc nhóm cuối (tập trung ở các vùng Tây Nguyên và Trung du, và miền núi phía Bắc) thường là các địa phương hạn chế trong phát triển kinh tế, xã hội. Các địa phương này có vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên chưa thuận lợi cho phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Được biết, việc xây dựng chỉ số PII của Việt Nam được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đánh giá rất cao. WIPO coi Việt Nam là hình mẫu cho các quốc gia khác trên thế giới học tập trong việc xây dựng chỉ số đánh giá đổi mới sáng tạo cấp địa phương dựa trên Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII). WIPO cũng ghi nhận "có rất nhiều điều học hỏi được từ kinh nghiệm xây dựng chỉ số PII của Việt Nam".
Khung chỉ số PII năm 2024 có 52 thành phần, chia làm 7 trụ cột:
- 5 trụ cột đầu vào phản ánh những yếu tố tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển KT-XH dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, bao gồm: Thể chế; vốn con người, nghiên cứu và phát triển; cơ sở hạ tầng; trình độ phát triển của thị trường; trình độ phát triển của doanh nghiệp.
- 2 trụ cột đầu ra phản ánh kết quả tác động của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vào phát triển KT-XH, bao gồm: Sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ; tác động.
Năm nay, Bắc Ninh tụt hạng, nhường vị trí lọt Top 10 Chỉ số đổi mới sáng tạo địa phương cho BẮc Giang (Ảnh: Bộ KHCN) |
Việt Nam được ghi nhận là quốc gia có Chỉ số đổi mới sáng tạo ấn tượng
Thông tin từ Học viện Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo - đơn vị được giao xây dựng PII 2024, cho biết, dữ liệu phục vụ xây dựng PII tiếp tục được thu thập ở cả hai nguồn trung ương và địa phương với cấu trúc 52 chỉ số thành phần. Trong đó dữ liệu từ các báo cáo, thống kê của các cơ quan trung ương: 20 chỉ số (38.5%); dữ liệu từ các bộ chỉ số khác: 11 chỉ số (21%); dữ liệu quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ: 8 chỉ số (15.5%); dữ liệu do địa phương cung cấp: 13 chỉ số (25%).
Các bước xây dựng PII 2024 được thực hiện theo đúng chuẩn mực quốc tế và theo quy trình đã triển khai thành công trong năm 2023. Trong đó, khung chỉ số PII 2024 được rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện trên cơ sở khuyến nghị của chuyên gia quốc tế độc lập do WIPO giới thiệu đánh giá kết quả PII 2023 và căn cứ trên hiện trạng dữ liệu, bối cảnh thực tiễn, đặc điểm của các địa phương ở Việt Nam. Một số điều chỉnh nhỏ về nguồn dữ liệu, cách tính toán chỉ số thành phần đã được thực hiện phù hợp thông lệ quốc tế và theo khuyến nghị của chuyên gia quốc tế độc lập mà không làm ảnh hưởng đến cấu trúc chung của khung chỉ số và phương pháp tính toán chung.
Qua đánh giá của WIPO, Việt Nam đứng thứ 133 trên thế giới về thu nhập bình quân đầu người, nhưng xếp thứ 44 về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII), với thành tích xuất nhập khẩu công nghệ cao và tăng trưởng năng suất lao động.
WIPO xếp hạng các quốc gia đổi mới sáng tạo thông qua nhiều thước đo, trong đó có các ấn phẩm khoa học, xuất khẩu công nghệ cao và chi nghiên cứu và phát triển (R&D) theo phần trăm GDP. Bởi vậy, vị trí đổi mới sáng tạo nhất thế giới không phải là Mỹ mà là Thụy Sĩ. Họ được xếp hạng đứng đầu vì có số lượng đơn đăng ký sáng chế cao so với GDP.
Theo xếp hạng này, CNN phân tích, Ấn Độ và Việt Nam là hai quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp nhưng có kết quả đổi mới sáng tạo ấn tượng và đầy khích lệ. Việt Nam xếp hạng 44 với các thế mạnh như đã chỉ ra ở trên, còn Ấn Độ xếp hạng 39 nhờ thành tích xuất khẩu hàng đầu về dịch vụ công nghệ thông tin. Ấn Độ có nhiều trung tâm công nghệ, thu hút một lượng lớn vốn đầu tư mạo hiểm.
WIPO cũng đánh giá Việt Nam là một trong bốn quốc gia đã áp dụng GII trong xây dựng chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) với những thành công khi đưa vào một trụ cột về tác động trong đo lường về đổi mới sáng tạo.