![]() |
ĐH Quốc gia TPHCM, Quốc gia Hà Nội và Bách khoa Hà Nội ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược đột phá về khoa học, công nghệ, chuyển đổi số. |
Theo ký kết, thứ nhất, ba đại học hàng đầu sẽ hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao; phối hợp xây dựng các chương trình đào tạo tài năng, chất lượng cao, đặc biệt là đào tạo sau đại học các ngành trọng điểm, mũi nhọn theo hướng cùng tổ chức đào tạo.
Trong thời gian đào tạo của khóa học, các học viên bắt buộc phải học tập, tham gia nghiên cứu tại cả ba đại học và thực tập/thực tế tại doanh nghiệp đối tác.
Ba đại học cũng sẽ nghiên cứu đề xuất cơ chế để học viên tốt nghiệp chương trình này có thể nhận văn bằng của cả ba đại học.
Ngoài ra, ba đại học sẽ hợp tác triển khai việc đánh giá, công nhận tín chỉ trong các chương trình đào tạo để tăng cường việc trao đổi sinh viên theo hình thức "du học tại chỗ".
Theo đó, sinh viên của một trong ba đại học có thể theo học, tích lũy tín chỉ, thực tập/thực tế, tham gia nhóm nghiên cứu, thực hiện nghiên cứu tại các cơ sở của ba đại học và các doanh nghiệp đối tác.
![]() |
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn. |
Thứ hai, ba đại học sẽ hợp tác nghiên cứu công nghệ lõi, phát triển sản phẩm công nghệ chiến lược gắn với thu hút nhân tài, thu hút đầu tư và hợp tác của doanh nghiệp.
Trong đó, ưu tiên tập trung nghiên cứu công nghệ lõi, phát triển sản phẩm công nghệ chiến lược có tên sau đây nhưng không hạn chế đối với các lĩnh vực khác: trí tuệ nhân tạo, chip bán dẫn, an ninh mạng, chuỗi khối, IoT, 5G/6G, năng lượng, robot và tự động hóa, công nghệ số, vật liệu mới, công nghệ sinh học, công nghệ lượng tử...
Ngoài ra, ba đại học sẽ hợp tác xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và tài nguyên dùng chung; tổ chức hội nghị, hội thảo, phát triển hợp tác và thu hút học giả quốc tế; hợp tác truyền thông...
![]() |
Ông Phạm Bảo Sơn - phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội - phát biểu tại lễ ký kết hợp tác - Ảnh: MOET/Tuổi trẻ. |
Phát biểu tại lễ ký kết, ông Phạm Bảo Sơn, Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia không chỉ mang đến cơ hội lớn mà còn đặt ra những yêu cầu, thách thức đối với các trường đại học.
Theo ông, để đáp ứng được những yêu cầu này, việc hợp tác, liên kết giữa các trường đại học với đội ngũ nhà khoa học, nhân lực, tiềm lực khoa học công nghệ lớn sẽ cùng nhau hợp tác, thí điểm các chính sách mới.
Ông Sơn cho rằng với sự đồng lòng, quyết tâm của cả ba đại học, sự ủng hộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo và sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp sẽ tạo ra những đột phá mới trong lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, góp phần quan trọng vào sự phát triển của đất nước.
![]() |
3 đại học lớn và cú bắt tay hợp tác sâu rộng, mạnh mẽ tại Hà Nội (Ảnh: HUST) |
Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn ghi nhận sự nỗ lực, sự chủ động của các cơ sở giáo dục đại học nói chung và của ba đại học nói riêng.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn tin tưởng rằng đây là mô hình ban đầu, là hạt nhân để kết nạp thêm các cơ sở giáo dục đại học khác để liên kết hợp tác và phát triển, triển khai thành công các nhiệm vụ đã đề ra trong nghị quyết 57.
Tại buổi lễ, chia sẻ với lãnh đạo Bộ GD&ĐT, lãnh đạo các đại học và đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp, PGS. Huỳnh Đăng Chính - Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội - nhấn mạnh 3 nội dung:
1. Kết nối chặt chẽ của mô hình 3 Nhà: Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp Đây là yếu tố quan trọng và cộng hưởng để tạo ra sự thành công. Sự phối hợp chặt chẽ của 3 bên không chỉ giúp tối ưu hóa nguồn lực mà còn đảm bảo rằng những thành tựu khoa học và công nghệ không nằm trên giấy mà thực sự đi vào đời sống, đóng góp thiết thực cho sự phát triển của đất nước. 2. Thế mạnh của Đại học Bách khoa Hà Nội trong khoa học, công nghệ và ĐMST Trong Quyết định 663/QĐ-TTg ngày 25/3/2025, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ “Phát triển Đại học Bách khoa Hà Nội thành cơ sở giáo dục đại học hiện đại, thuộc nhóm hàng đầu châu Á trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ; là trung tâm xuất sắc về đào tạo, phát triển tài năng, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo giữ vai trò dẫn dắt trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam ở các ngành phục vụ phát triển công nghệ và công nghiệp chiến lược”. Chính vì vậy, Đại học Bách khoa Hà Nội định hướng phát triển theo mô hình Tổ hợp trung tâm xuất sắc về công nghệ chiến lược gắn với thu hút, phát triển nhân tài và đào tạo sau đại học, nằm trong hệ sinh thái NCKH, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đào tạo tài năng của Nhà trường. Từ đây sẽ tạo ra những công nghệ lõi, các giải pháp công nghệ có giá trị vượt trội trong các mảng công nghệ chiến lược bao gồm dữ liệu và trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng, chuỗi khối, điện tử, bán dẫn, chip, công nghệ số, robot và tự động hoá, IoT, 5G/6G, năng lượng mới và tái tạo, môi trường, công nghệ sinh học, vật liệu tiên tiến, vũ trụ,… 3. Đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp - Chìa khóa của ĐMST Bên cạnh sự hợp tác giữa 3 Đại học, vai trò của doanh nghiệp trong việc cải tiến chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, thúc đẩy nghiên cứu, ĐMST và chuyển giao công nghệ là vô cùng quan trọng. Bách khoa hà Nội cam kết sẽ: * Phối hợp với doanh nghiệp để xây dựng các chương trình đào tạo theo nhu cầu thị trường, đảm bảo sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc ngay. * Kết nối các nhóm nghiên cứu mạnh với doanh nghiệp để phát triển sản phẩm có tính ứng dụng cao. * Thúc đẩy mô hình đại học - doanh nghiệp, tạo môi trường hợp tác chặt chẽ trong nghiên cứu, phát triển công nghệ và thương mại hóa sản phẩm. |
Hồng Minh (tổng hợp)