Thế giới đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng trên quy mô toàn cầu, điều này ảnh hưởng trực tiếp tới Việt Nam, dù quá trình chuyển dịch năng lượng của nước ta đã và đang đạt được những thành tựu nhất định.
Việt Nam có nguồn năng lượng tương đối đa dạng, tuy nhiên mức sản xuất và tiêu thụ năng lượng tính theo đầu người thấp. Bên cạnh đó, đứng trước yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhu cầu sử dụng năng lượng của Việt Nam không ngừng gia tăng, trong khi nguồn cung năng lượng ngày càng cạn kiệt.
Chiều 20/9 tại Hà Nội, “Diễn đàn đảm bảo an ninh năng lượng để phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam” được tổ chức nhằm mang đến cái nhìn tổng quan và dự báo các kịch bản biến động năng lượng trên thế giới, phân tích, làm rõ tác động của khủng hoảng năng lượng đến tăng trưởng toàn cầu và có thể dẫn đến suy thoái kinh tế tại Việt Nam.
Xem xét nghiêm túc tính giá điện theo cơ chế thị trường
Phát biểu khai mạc, PGS.TS Lưu Đức Hải – Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho biết, từ khi loài người phát minh ra lửa, việc sử dụng năng lượng được coi là thước đo của sự tiến bộ nhân loại, thể hiện năng lực phát triển của mỗi quốc gia.
Việt Nam là một quốc gia đang phát triển và phấn đấu vươn lên trở thành một nước công nghiệp hiện đại. Để thực hiện mục tiêu đó, vấn đề an ninh năng lượng cần phải được đảm bảo, cung cấp đầy đủ và an toàn cho sản xuất và tiêu dùng. Tuy nhiên, để đảm bảo an ninh năng lượng trong bối cảnh hiện tại có thể nói là rất khó khăn, đặc biệt là sau cam kết của Việt Nam tại COP26. Việt Nam cần có lộ trình, chính sách cụ thể đạt được mục tiêu kép là trở thành một nước công nghiệp hiện đại vào năm 2045 và đạt NetZero vào năm 2050.
Xem xét nghiêm túc tính giá điện theo cơ chế thị trường
Trao đổi tại diễn đàn, PGS.TS Trần Đình Thiên – chuyên gia Kinh tế minh chứng: trước đây, chúng ta đã có một quyết định quan trọng đó là chuyển giá gạo sang cơ chế thị trường, quyết định này đã có những hiệu quả rất cao. Từ câu chuyện giá gạo, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng phải chăng đã đến lúc cần nhìn nhận một cách nghiêm túc việc tính giá điện theo cơ chế thị trường. Tôi cho rằng, đây chính là giải pháp mang tính đột phá để đảm bảo an ninh năng lượng trong tương lai. Tất nhiên, đây không phải là câu chuyện một sớm một chiều mà cần có sự chuẩn bị kỹ càng, cần hoàn thiện nhiều khung phổ pháp lý, chuẩn bị các kịch bản có thể xảy ra.
Cùng quan điểm trên, PGS.TS Bùi Thị An – Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường trăn trở, trước vấn đề của ngành điện: khi nào thì bỏ độc quyền và liệu rằng có thể cho xã hội hóa trong truyền tải điện được hay không?
Bên cạnh đó, bà An kiến nghị Chính phủ báo cáo chi tiết, lộ trình kế hoạch cụ thể, trách nhiệm cụ thể của từng cán nhân, tổ chức trong quá trình thực hiện quy hoạch điện VIII. Bên cạnh đó, cần có những buổi họp kiểm điểm tại nhằm đánh giá từng bước trong quá trình thực hiện Quy hoạch điện VIII, khó khăn và thuận lợi đến đâu.
Hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới đang tập trung phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, đó là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, phát triển kinh tế phải gắn liền với vấn đề đảm bảo an ninh năng lượng. Do đó, cần phải hiểu rõ, thời đại sẽ tác động như thế nào đến vấn đề an ninh năng lượng, làm sao để Việt Nam vừa đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng, vừa có vị trí quan trọng trong bản đồ năng lượng toàn cầu.
Đánh giá về chuyển đổi năng lượng xanh tại Việt Nam, GS.TS Hoàng Xuân Cơ – Tổng Thư ký Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho biết: Việt Nam có tiềm năng năng lượng tái tạo lớn, đặc biệt là năng lượng gió và năng lượng mặt trời nên có đủ khả năng sử dụng trong quá trình chuyển đổi để phát điện, từng bước giảm điện năng sản xuất bằng nhiên liệu hóa thạch.
Tuy nhiên, khi chuyển đổi sang sử dụng năng lượng xanh, Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn như thiếu điều tra nghiên cứu cơ bản, chưa sản xuất được thiết bị phát điện gió, điện mặt trời, thiết bị chuyển đổi và nối lưới làm tăng giá thành sản xuất điện. Trong quá trình chuyển đổi phải luôn có kế hoạch giám sát, theo dõi để sớm nhận biết những tác động để giải quyết. Mặc dù đã có Quy hoạch điện VIII, có lộ trình thực hiện nhưng vẫn phải sẵn sàng giải quyết các vấn đề phát sinh, đặc biệt là thiếu điện do nhiều nguyên nhân, cả nguyên nhân khách quan, chủ quan.
Khi chuyển sang điện xanh, việc tăng giá điện sẽ không tránh khỏi nhưng cũng phải xem xét lộ trình để tránh gây xáo trộn lớn trong hoạt động kinh tế và đời sống nhân dân. Hy vọng, quá trình chuyển đổi sang điện xanh sẽ diễn ra thuận lợi suôn sẻ, những tác động bất lợi nếu nảy sinh sẽ được giải quyết hiệu quả
Tại diễn đàn, các chuyên gia đã đưa ra các ý kiến, cùng thảo luận và tìm giải pháp trong tình huống giá năng lượng thế giới tăng cao khi mà nguồn cung trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo an ninh, đánh giá thực trạng và đề xuất tháo gỡ khó khăn cho ngành năng lượng tái tạo tại Việt Nam
Đỗ Phương