TP. Hồ Chí Minh: Phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn tại Khu Công nghệ cao Thành lập Khu Công nghệ cao sinh học Hà Nội quy mô gần 200 ha Thành lập Khu Công nghệ cao Hà Nam |
Trong năm 2024, việc xây dựng và phát triển các khu công nghệ cao tại Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, với các chính sách hỗ trợ và dự án mới được triển khai, góp phần thúc đẩy sự phát triển của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên cả nước.
Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, trong năm 2024, việc xây dựng chính sách hỗ trợ, xây dựng, phát triển các khu công nghệ cao (trong đó có khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung) tiếp tục được đẩy mạnh. Đồng thời, tăng cường sự chủ động của địa phương khi xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch; bảo đảm định hướng phát triển các khu công nghệ cao trong thời gian tới.
Bộ Khoa học và Công nghệ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 10/2024/NĐ-CP quy định về khu công nghệ cao; ban hành theo thẩm quyền thông tư quy định một số tiêu chí xác định dự án đầu tư cơ sở nghiên cứu và phát triển công nghệ cao, dự án đầu tư ứng dụng công nghệ cao để sản xuất sản phẩm công nghệ cao đầu tư vào khu công nghệ cao.
Mặt khác, Bộ đã phối hợp với UBND TP. Hà Nội và các bộ, ngành liên quan rà soát, đánh giá, tổng kết tình hình thực hiện và nghiên cứu đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung tổng thể (hoặc thay thế) Nghị định số 74/2017/NĐ-CP, xác định các cơ chế, chính sách còn vướng mắc và chưa đầy đủ để đề xuất Chính phủ tháo gỡ và quy định bổ sung cho Khu công nghệ cao Hòa Lạc; bảo đảm đồng bộ, phù hợp trong bối cảnh triển khai thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi).
Bên cạnh đó, phối hợp với Ban quản lý các khu công nghệ cao nghiên cứu, cho ý kiến đối với các nội dung về quản lý đất đai, ưu đãi về tiền thuê đất của các khu công nghệ cao tại các văn bản hướng dẫn Luật Đất đai.
Năm 2024, Bộ Khoa học và Công nghệ đã trình Thủ tướng Chính phủ thành lập và ban hành quy chế hoạt động của Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội; đang tiến hành các thủ tục để thành lập và ban hành quy chế hoạt động của Khu công nghệ cao Hà Nam, thẩm định hồ sơ đề án thành lập Khu công nghệ cao Cần Thơ.
Đến nay, căn cứ Quy hoạch tổng thể phát triển khu công nghệ cao đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, đã có 5 khu công nghệ cao được thành lập gồm: Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh, Khu công nghệ cao Đà Nẵng, Khu công nghệ cao sinh học Đồng Nai, Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội.
Trong đó, 3 khu công nghệ cao quốc gia (Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh, Khu công nghệ cao Đà Nẵng) đã thu hút nhiều dự án đầu tư từ các tập đoàn/công ty có uy tín trên thế giới về công nghệ cao, các dự án nghiên cứu và phát triển lớn, đồng thời hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. .
Các khu công nghệ cao này đã sản xuất được các sản phẩm công nghệ cao, góp phần đáp ứng thị trường trong nước và khu vực, đặc biệt, bắt đầu hình thành chuỗi liên kết giữa đào tạo - nghiên cứu - sản xuất, thiết lập môi trường sáng tạo công nghệ với các trung tâm đào tạo, nghiên cứu triển khai, đổi mới sáng tạo.
Hà Anh (tổng hợp)