Năm 2024, loạt chủ đầu tư vốn mạnh về xây dựng khu đô thị, nhà ở đã lấn sân sang bất động sản công nghiệp.
Điển hình tại CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (Mã: PDR). Năm 2021, Phát Đạt từng công bố mở rộng sang phát triển khu công nghiệp nhưng sau đó buộc phải tái cơ cấu mảng này trong giai đoạn khó khăn. Đến tháng 9/2024, ông lớn bất động sản nhà ở này đã tái khởi động mảng bất động sản công nghiệp.
Cụ thể, Phát Đạt và CTCP Thanh Bình Phú Mỹ ký kết hợp tác chiến lược phát triển các dự án bất động sản khu công nghiệp - logistics, nhà ở - thương mại và dịch vụ. Theo đó, hai bên sẽ hợp tác phát triển và xây dựng các khu công nghiệp theo mô hình khu công nghiệp kiểu mẫu, sinh thái và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, vận hành tương tự như mô hình hiện tại của Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3.
Tại Tập đoàn Hà Đô cũng tham vọng lấn sân sang lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp, mở đầu tại Ninh Thuận. Đầu năm 2024, doanh nghiệp đã đề xuất đầu tư hai cụm công nghiệp 100 ha gần khu công nghiệp Cà Ná, tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ chế biến, chế tạo.
Hà Đô kỳ vọng, đây sẽ là lĩnh vực phát triển trọng điểm của Công ty trong giai đoạn 2025 - 2030. Tuy nhiên, do là lĩnh vực mới nên Công ty sẽ có sự nghiên cứu, đánh giá thận trọng trước khi đầu tư.
Bên cạnh mảng chủ lực là bất động sản nhà ở thương mại, thời gian gần đây, Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền cũng tìm cách “xoay trục” sang bất động sản công nghiệp với dự án khu công nghiệp Lê Minh Xuân tại TP HCM.
Nhà Khang Phúc - công ty con do Nhà Khang Điền sở hữu trực tiếp 100% vốn điều lệ cũng là chủ đầu tư của dự án Khu công nghiệp Lê Minh Xuân mở rộng tại huyện Bình Chánh, TP.Hồ Chí Minh. Khu công nghiệp này có quy mô 109,9 ha; trong đó, 67,7 ha dành cho các khách hàng công nghiệp thuê. Nhà Khang Phúc đã hoàn thiện các văn bản pháp lý quan trọng, bao gồm quy hoạch tổng thể và quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư của dự án này vào năm 2016.
Cũng "đua" làm bất động sản công nghiệp là Tổng công ty cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng (DIC Corp). Tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, lãnh đạo DIC Corp cho rằng hiện tại là thời điểm đầu tư khu công nghiệp sinh thái, nếu không "sẽ bị lạc hậu". Doanh nghiệp này đang để ý 4 khu đất phát triển khu công nghiệp với quy mô trên dưới 2.000 ha.
Ngay trong tháng 6/2024, DIC Holdings, thành viên của DIC Corp đã hợp tác với Công ty TNHH Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Vạn Thương để được ưu tiên làm tổng thầu thi công hạ tầng dự án 400 ha tại thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Tập đoàn này có hơn 30 năm kinh nghiệm phát triển đô thị và du lịch, được biết đến là chủ đầu tư nhiều dự án lớn tại các tỉnh thành như DIC Đại Phước Đồng Nai, khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), khu đô thị du lịch Long Tân (Đồng Nai)...
Trường hợp tại CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land, Mã: SCR) đặt 5 mục tiêu chính trong năm nay, trong đó có định hướng chiến lược tầm nhìn đến năm 2030, TTC Land sẽ mở rộng thêm mảng bất động sản công nghiệp và bất động sản kho vận tại khu vực phía Nam.
"Theo định hướng chiến lược, bất động sản công nghiệp và bất động sản kho vận sẽ là sự cộng hưởng để TTC Land tiếp tục mở rộng phát triển theo chu kỳ chiến lược một cách ổn định, bền vững”, tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2024 cho biết.
Một trong những doanh nghiệp quen mặt của ngành xây dựng là Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex - Mã: VCG) cũng có động thái tiến sâu hơn vào mảng bất động sản công nghiệp.
Đầu năm 2024, doanh nghiệp này được chấp thuận đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Đông Anh, TP Hà Nội. Quy mô sử dụng đất của dự án hơn 299 ha, gồm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 triển khai trên diện tích 179,1 ha và giai đoạn 2 có quy mô 120,35 ha. Tổng vốn đầu tư là hơn 6.338 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư gần 1.268 tỷ đồng.