Tập đoàn Hà Đô lãi sau thuế hơn 375 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2024 tại CTCP Tập đoàn Hà Đô (HOSE: HDG), dù lợi nhuận quý 2 gấp đôi cùng kỳ nhưng kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2024 lại giảm 10% về doanh thu thuần và 13% về lãi ròng.
Theo đó, doanh thu thuần 6 tháng đầu năm 2024 của Hà Đô hơn 1.407 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ, trong đó, đóng góp chính cho kết quả này vẫn là mảng năng lượng (thủy điện, điện mặt trời, điện gió) với gần 762 tỷ đồng nhưng giảm 19% so với cùng kỳ. Trong khi đó, mảng kinh doanh bất động sản đem về gần 399 tỷ đồng, tăng gấp 2,1 lần so với cùng kỳ.
Ngoài ra, doanh thu từ cung cấp dịch vụ và cho thuê BĐS đầu tư khác đạt hơn 175 tỷ đồng, tăng 9%. Doanh thu dịch vụ khách sạn đạt hơn 63 tỷ đồng. Đặc biệt, doanh thu mảng xây lắp "bốc hơi" đến 96% xuống còn vỏn vẹn 8 tỷ đồng.
Nguồn: BCTC hợp nhất quý II/2024 tại Tập đoàn Hà Đô. |
Trong bối cảnh doanh thu thuần giảm, giá vốn của Hà Đô lại tăng nhẹ 2% lên hơn 687 tỷ đồng khiến lãi gộp giảm 19% về mức hơn 720 tỷ đồng. Doanh thu tài chính 6 tháng đầu năm tuy tăng 24% đạt hơn 20 tỷ đồng nhưng giá trị không đủ bù phần lãi gộp suy giảm.
Các khoản chi phí trong 6 tháng đầu năm được doanh nghiệp tiết giảm như chi phí tài chính giảm 30% còn hơn 202 tỷ đồng trong đó chí phí lãi vay giảm còn hơn 180 tỷ đồng; chi phí bán hàng giảm 43% còn hơn 2,4 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 20% còn hơn 82 tỷ đồng.
Sau khi khấu trừ các khoản chi phí, Hà Đô lãi sau thuế hơn 375 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ.
Riêng quý II/2024, Tập đoàn Hà Đô cũng giảm mạnh các chi phí như chi phí tài chính giảm 25% về mức hơn 105 tỷ đồng; chi phí bán hàng giảm 61% về mức hơn 1 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 25% còn hơn 50 tỷ đồng.
Kết quả, doanh nghiệp lãi sau thuế gấp 2,1 lần cùng kỳ với hơn 74 tỷ đồng. Dù vậy, với sự suy giảm của quý I/2024, Hà Đô không thể tránh khỏi kết quả đi lùi sau 6 tháng đầu năm 2024.
Nợ vay tại Hà Đô giảm nhẹ, "của để dành" chưa đến 10 tỷ đồng
Tính đến thời điểm 30/6/2024, quy mô tài sản của Tập đoàn Hà Đô giảm 386 tỷ đồng so với đầu năm, ghi nhận gần 14.052 tỷ đồng. Trong đó, khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng giảm từ hơn 1.318 tỷ đồng về hơn 968 tỷ đồng. Hàng tồn kho (chủ yếu là bất động sản đang xây dựng) giảm từ hơn 1.084 tỷ về hơn 889 tỷ đồng.
Trái lại, khoản đầu tư tài chính ngắn hạn (trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi và tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn) tăng mạnh từ 393 tỷ lên 682 tỷ đồng.
Chi phí xây dựng cơ bản dở dang của doanh nghiệp tại thời điểm 30/6/2024 ghi nhận hơn 806 tỷ đồng, tập trung chủ yếu tại hai dự án là Khu đô thị Linh Trung hơn 490 tỷ đồng và Khu nghỉ dưỡng Bảo Đại hơn 204 tỷ đồng. Ngoài ra, dự án Khu đô thị mới An Khánh - An Thượng gần 50 tỷ đồng.
Bên phía nguồn vốn, nợ phải trả của Hà Đô còn hơn 6.600 tỷ đồng, giảm 609 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, chiếm tới 78% là nợ vay tài chính, hơn 5.151 tỷ đồng, giảm nhẹ 5%. Trong kỳ, Hà Đô đi vay hơn 14 tỷ đồng đồng thời trả nợ gốc vay 341 tỷ đồng.
Đáng chú ý, tính đến thời điểm 30/6/2024, lượng “của để dành” gồm người mua trả tiền trước và doanh thu chưa thực hiện giảm mạnh so với đầu năm.
Trong đó, người mua trả tiền trước ngắn hạn "bốc hơi" đến 97%, giảm từ 303,8 tỷ đồng hồi đầu năm xuống còn vỏn vẹn gần 9 tỷ đồng; doanh thu chưa thực hiện ngắn hạn cũng quay đầu giảm mạnh 89% so với đầu năm, từ 7 tỷ đồng xuống còn hơn 779 triệu đồng.
Như vậy, tính đến thời điểm 30/6/2024, "của để dành" tại Hà Đô chỉ còn vỏn vẹn gần 10 tỷ đồng trong khi hồi đầu năm ở mức gần 311 tỷ đồng.
Có thể thấy, trong bối cảnh giá trị hàng tồn kho giảm nhẹ sau 6 tháng đầu năm thì "của để dành" của Tập đoàn Hà Đô không những không tăng mà còn giảm mạnh.
Đối với doanh nghiệp bất động sản, ngoài báo cáo doanh thu và lợi nhuận hàng quý thì “của để dành” là một khoản mục đáng được nhà đầu tư quan tâm. Điểm giống nhau giữa hai khoản mục là đều biểu hiện cho số tiền mà doanh nghiệp bất động sản nhận trước từ khách hàng và sẽ được ghi nhận thành doanh thu khi doanh nghiệp hoàn tất nghĩa vụ về bất động sản theo hợp đồng với khách hàng.