Khai mạc Triển lãm quốc tế về Tự động hóa và Công nghệ - AT Expo 2025 |
Sáng ngày 15/5/2025, trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế AT Expo 2025, Diễn đàn chuyển đổi số và Công nghiệp thông minh đã diễn ra tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô (Hà Nội).
Tham dự diễn đàn có các Lãnh đạo Hội Tự động hóa Việt Nam, đại biểu đến từ các doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu và khách mời.
Diễn đàn tập trung vào các chủ đề cấp thiết cho quá trình hiện đại hóa doanh nghiệp, bao gồm: cập nhật xu hướng chuyển đổi số trong nước và quốc tế; giới thiệu các công nghệ nổi bật như AI, IoT, tự động hóa, dữ liệu lớn; chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn từ các doanh nghiệp và tập đoàn công nghệ; thảo luận chính sách, cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Việt trong hành trình chuyển đổi số.
Theo đó, các bài tham luận chia thành 3 nhóm chính: nhóm ứng dụng và giải pháp công nghệ trong chuyển đổi số và sản xuất thông minh, nhóm kinh nghiệm thực tiễn từ doanh nghiệp và cuối cùng là ứng dụng công nghệ thông minh trong các lĩnh vực chuyên biệt.
![]() |
Toàn cảnh Diễn đàn chuyển đổi số và Công nghiệp thông minh |
Phát biểu khai mạc Diễn đàn Chuyển đổi số và Công nghiệp thông minh, TS. Dương Nguyên Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hội Tự động hóa Việt Nam, cho biết mỗi tham luận trình bày sẽ mở ra những góc nhìn mới, ý tưởng thực tiễn và phương pháp tiếp cận hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển công nghệ thông minh trong sản xuất và chuyển đổi số trong nhiều ngành nghề.
"Tôi hy vọng với chất lượng của các báo cáo, các tham luận được Ban tổ chức xem xét kỹ lưỡng sẽ mang lại nhiều giá trị thiết thực cho mỗi người chúng ta hôm nay. Tôi cũng rất mong muốn được nghe ý kiến và phản hồi từ phía đại biểu, qua đó góp phần hình thành giải pháp, công nghệ và sản phẩm có tính ứng dụng cao, tiếp tục lan tỏa và phát triển trong thực tiễn", TS. Dương Nguyên Bình cho biết thêm.
![]() |
TS. Dương Nguyên Bình phát biểu khai mạc diễn đàn |
Ứng dụng và giải pháp công nghệ trong chuyển đổi số và sản xuất thông minh
Tại diễn đàn, PGS.TS. Hoàng Hữu Hạnh khẳng định dữ liệu 4.0 chính là nền tảng cốt lõi thúc đẩy chuyển đổi số, với ba trụ cột không thể tách rời: con người, quy trình và công nghệ. Ông cũng lưu ý, trước khi ứng dụng AI, doanh nghiệp cần hiểu rõ về BI - công cụ quan trọng giúp thu thập, quản lý và trực quan hóa dữ liệu. Theo ông, để chuyển đổi số thành công, các tổ chức cần có chiến lược phát triển hệ sinh thái dữ liệu bài bản, đồng thời nhanh chóng xây dựng văn hoá số và năng lực lãnh đạo số trong nội bộ.
![]() |
PGS. TS Hoàng Hữu Hạnh nhấn mạnh trước khi áp dụng AI, doanh nghiệp nên tìm hiểu về BI (Trí tuệ nghiệp vụ) trước |
Ở một góc nhìn khác, PGS. TS. Nguyễn Quốc Chí - Trường Đại học Bách Khoa - ĐHQG TP.HCM cho biết, nhìn vào các số liệu nghiên cứu hiện nay, có thể thấy năng suất lao động trong các lĩnh vực tự động hoá Việt Nam đang thấp so với một số quốc gia trong khu vực.
Theo ông, trước khi AI phát triển, các quá trình kỹ thuật vẫn vận hành tốt nhờ các quy luật vật lý vốn có. Do đó, cần khai thác mô phỏng vật lý để tái hiện quy trình vận hành, giúp giảm chi phí, thời gian và lượng dữ liệu cần xử lý, đồng thời tăng tính linh hoạt trong sản xuất.
![]() |
PGS. TS Nguyễn Quốc Chí trình bày tham luận Các công nghệ lõi 4.0 trong sản xuất thông minh trong ngành công nghiệp chế tạo |
Kinh nghiệm thực tiễn từ doanh nghiệp
Là người có nhiều năm làm trong lĩnh vực phát triển mảng hạ tầng, năng lượng sạch, nhà máy số ứng dụng AIoT, ông Lê Quang Vịnh - Giám đốc Kinh doanh, Quản lý mảng Năng lượng & Môi trường khu vực ASEAN của Công ty Advantech cho biết, trong làn sóng chuyển đổi số và xanh, doanh nghiệp sẽ vừa gặp thách thức, vừa mở ra cơ hội nếu biết thích nghi. Advantech đã ứng dụng IoT để thu thập dữ liệu từ thiết bị và hệ thống, đưa lên nền tảng số nhằm trực quan hóa thông tin và ra quyết định. Sau đó, tích hợp AI để phân tích, tối ưu quy trình, giảm tổn thất và phát hiện cơ hội cải tiến - đây chính là sức mạnh thực sự của dữ liệu khi kết hợp cùng công nghệ trí tuệ nhân tạo.
![]() |
Từ kinh nghiệm thực tiễn của doanh nghiệp, ông Lê Quang Vịnh khẳng định chuyển đổi số và chuyển đổi xanh vừa là cơ hội vừa là thách thức của các doanh nghiệp |
Ở góc độ khác, bà Trần Thanh Việt - CEO Công ty Cổ phần tập đoàn VGreen lại nhấn mạnh vai trò của công nghệ trong bảo quản và nâng cao giá trị nông sản. Là đơn vị tiên phong phát triển hệ sinh thái kombucha tại Việt Nam, VGreen đang hướng đến xây dựng nhà máy công nghiệp tự động hóa cao, đảm bảo chất lượng và phát triển bền vững.
"Thời gian tới chúng tôi rất cần nguồn nhân lực trình độ cao cũng như sự hợp tác của các chuyên gia, nhà khoa học hỗ trợ chúng tôi trong việc thiết kế về công nghệ, dây chuyền sản xuất, công nghệ tự động hóa. Chúng tôi mong muốn được hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học và các doanh nghiệp là thành viên của Hội Tự động hóa Việt Nam để thực hiện dự án trên" - bà Việt chia sẻ.
![]() |
Bà Trần Thanh Việt mong muốn được hợp tác với các chuyên gia và các đơn vị thuộc Hội Tự động hóa Việt Nam để xây dựng nhà máy với dây chuyền sản xuất có mức độ tự động hóa cao |
Ứng dụng công nghệ thông minh trong các lĩnh vực chuyên biệt
Giao thông đô thị là lĩnh vực công ích đang nhận được nhiều sự quan tâm trong quá trình chuyển đổi số. Tại diễn đàn, ông Đào Xuân Trường - Phó Giám đốc Trung tâm Giải pháp Chính phủ (Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel - Viettel Solutions) chia sẻ loạt giải pháp giao thông thông minh cho đô thị như điều khiển đèn giao thông thích ứng, giám sát vi phạm, quản lý đỗ xe và giao thông công cộng.
Dù còn nhiều thách thức, ông Trường khẳng định: “Chúng tôi kỳ vọng sẽ từng bước hiện thực hóa hệ thống giao thông thông minh toàn diện, linh hoạt và tương thích cao với hạ tầng hiện có”. Được biết, Viettel Solutions hiện sở hữu nhiều công nghệ lõi như phân tích tắc đường từ dữ liệu định vị, AI trong xử lý hình ảnh từ camera xe buýt, cùng đội ngũ kỹ thuật giàu kinh nghiệm và đối tác quốc tế.
![]() |
Ông Đào Xuân Trường tin tưởng Viettel Solutions sẽ từng bước triển khai thành công hệ thống Giao thông Thông minh cho đô thị trong tương lai |
Trong tham luận về ứng dụng công nghệ kiểm tra thông minh, TS. Đoàn Nam Thái - Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ và Tự động hóa AVATECH đã nhấn mạnh vai trò thiết yếu của camera AI trong ngành sản xuất thực phẩm và đồ uống. Ông chỉ ra rằng những lỗi trong quá trình đóng chai, dán nhãn hay đóng gói có thể gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp, trong khi mắt người không thể kiểm tra hiệu quả hàng chục nghìn sản phẩm mỗi giờ.
![]() |
TS. Đoàn Nam Thái chỉ ra giải pháp của AVATECH là hệ thống camera AI có khả năng tự học hình ảnh, tự phát hiện và khoanh vùng lỗi, tích hợp các công nghệ như camera phổ, nhiệt và hồng ngoại để phát hiện các chi tiết mà mắt thường không nhìn thấy, qua đó góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả trong kiểm soát sản xuất. |
![]() |
Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm tại sự kiện |
Diễn đàn không chỉ là dịp để cập nhật những công nghệ tiên tiến, lắng nghe các tham luận chuyên sâu mà còn là không gian kết nối giữa các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp và giới nghiên cứu nhằm gỡ nút thắt, thúc đẩy hệ sinh thái số, hướng đến mục tiêu phát triển doanh nghiệp thông minh, bền vững và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu.
Bích Ngọc - Hương Ly
Ảnh: Phong Nguyễn