timtos

Đổi mới tư duy, phương thức lập pháp, xoá bỏ điểm nghẽn thể chế kinh tế, tạo động lực phát triển trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Kỷ nguyên mới
24/11/2024 06:26
Với tinh thần chủ động, sáng tạo, linh hoạt, với tư duy mới, tầm nhìn mới, chúng ta tin tưởng Đảng và Nhà nước sớm tạo dựng nền thể chế bao trùm, xóa bỏ điểm nghẽn của điểm nghẽn về thể chế cho phát triển, thực hiện khát vọng một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
aa
ĐỔI MỚI TƯ DUY, PHƯƠNG THỨC LẬP PHÁP, XÓA BỎ ĐIỂM NGHẼN THỂ CHẾ KINH TẾ, TẠO ĐỘNG LỰC PHÁT TRIỂN TRONG KỶ NGUYÊN VƯƠN MÌNH CỦA DÂN TỘC

TS. Nguyễn Bích Lâm: Đổi mới tư duy, phương thức lập pháp xóa bỏ điểm nghẽn thể chế kinh tế, tạo động lực trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Trong gần bốn thập kỷ đổi mới, đất nước ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt nhiều thành tựu quan trọng, tiềm lực và quy mô nền kinh tế không ngừng gia tăng qua từng giai đoạn. Tuy vậy, kinh tế nước ta phát triển vẫn chưa thực sự bền vững, chất lượng, hiệu quả, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, cơ hội và yêu cầu phát triển của đất nước.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã chỉ ra nguyên nhân chủ quan và khách quan, đặc biệt xác định rõ nguyên nhân cơ bản cản trở quá trình phát triển là do sự thiếu đồng bộ, yếu kém về thể chế kinh tế thị trường, về chất lượng nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng.

Để khắc phục những hạn chế, xóa bỏ các cản trở kìm hãm quá trình phát triển đất nước, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đưa ra ba đột phá chiến lược, đó là: Đột phá về thể chế, nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng. Đây chính là chìa khóa mở cửa và giải pháp quan trọng đẩy mạnh sự nghiệp Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Chủ trương của Đảng thực hiện đột phá về thể chế với nội dung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, cải cách hành chính với cắt giảm các thủ tục rườm rà, làm khó cho người dân và doanh nghiệp.

Mục tiêu đột phá về thể chế nhằm tạo dựng sự phát triển đồng bộ các yếu tố và các loại thị trường, phát huy quyền tự do kinh doanh của mọi công dân theo pháp luật, khuyến khích làm giàu hợp pháp, khai thác mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế, thúc đẩy tính năng động, sáng tạo, khắc phục chủ nghĩa bình quân; coi trọng mọi thành phần kinh tế và các chủ thể tham gia thị trường để cùng hợp tác, phát triển lâu dài, cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh và văn minh.

Với tầm quan trọng và tính hiệu quả của việc thực hiện đột phá về thể chế, Đại hội XIII của Đảng xác định nhiệm vụ trọng tâm phát triển KTXH giai đoạn 2021-2030 đó là tiếp tục thực hiện ba đột phá chiến lược có bổ sung nội dung và giải pháp mới phù hợp với bối cảnh và chuyển biến nhanh của tình hình kinh tế, chính trị thế giới, khu vực và trong nước; gắn với cơ cấu lại tổng thể, đồng bộ nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước.

Chiến lược phát triển KTXH 10 năm, giai đoạn 2021-2030 xác định tiếp tục thực hiện đột phá chiến lược về thể chế, hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập, trọng tâm là thị trường các yếu tố sản xuất.

Nhận diện một số bất cập về thể chế kinh tế

Thể chế kinh tế kiến tạo, công khai, minh bạch là động lực quan trọng nhất, đóng vai trò khơi thông, thúc đẩy và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực của đất nước cho phát triển.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã tập trung vào xây dựng mới, bổ sung, sửa đổi luật và các văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời rà soát, sửa đổi, cắt giảm các thủ tục hành chính gây cản trở, khó khăn trong hoạt động kinh tế, xã hội của đất nước.

Tuy vậy, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chậm được hoàn thiện, hệ thống thị trường hình thành và phát triển chưa đồng bộ; chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế, kết cấu hạ tầng chưa thật sự đồng bộ đang cản trở sự phát triển.

Nguyên nhân gây nên những bất cập này đến từ 3 điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và chất lượng nguồn nhân lực; trong đó bất cập về thể chế là "điểm nghẽn của điểm nghẽn".

Tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn, xung đột giữa các văn bản quy phạm pháp luật dẫn đến nhiều khó khăn cho việc triển khai thực hiện. Đây là nguồn gốc của sự lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc, bỏ lỡ cơ hội đầu tư thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, gia tăng chi phí và rủi ro đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đây cũng là nguyên nhân gây nên nghịch lý ở Việt Nam, đó là nền kinh tế khát vốn, kêu gọi và chờ mong nguồn vốn FDI, trong khi đó rất khó hấp thụ được nguồn vốn trong nước, đặc biệt nguồn vốn đầu tư công.

Riêng trong lĩnh vực đầu tư, bất cập về thể chế đã kìm hãm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế từ 2%-3% mỗi năm. Chẳng hạn với năm 2023, nếu không vướng về thể chế, giải ngân hết tổng kế hoạch vốn đầu tư công 803,37 nghìn tỷ đồng, khi đó tốc độ tăng GDP năm 2023 cao hơn khoảng 2,5-3 điểm phần trăm so với số thực tế đạt được 5,05%.

Đổi mới tư duy và phương thức trong hoạt động lập pháp, xóa điểm nghẽn thế chế kinh tế

Ngày 21/10/2024, phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đưa ra quan điểm của Đảng về đổi mới tư duy, cải cách phương thức lập pháp nhằm xóa điểm nghẽn về thể chế kinh tế, tạo động lực phát triển trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Chỉ đạo của Tổng bí thư có thể tổng hợp theo 6 nhóm nguyên tắc quan trọng sau:

Một là, thể chế kinh tế phải thúc đẩy sáng tạo, khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển. Cần đổi mới tư duy xây dựng pháp luật và quản lý nhà nước theo nguyên tắc vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển; tư duy quản lý không cứng nhắc, dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm.

Các quy định của pháp luật phải mang tính ổn định, có giá trị lâu dài. Những vấn đề thực tiễn biến động thường xuyên thì giao cho Chính phủ, địa phương quy định để đảm bảo linh hoạt trong điều hành. Thực hiện quan điểm này tránh lãng phí về thời gian chờ xử lý từ cơ quan lập pháp, bỏ lỡ cơ hội phát triển của đất nước.

Thường xuyên đánh giá hiệu quả chất lượng chính sách sau khi ban hành để kịp thời điều chỉnh bất cập, mâu thuẫn, giảm nhiều thất thoát, lãng phí nguồn lực, chủ động phát hiện và tháo gỡ nhanh nhất những điểm nghẽn có nguyên nhân từ quy định của pháp luật.

Hai là, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm người đứng đầu trong xây dựng thể chế kinh tế. Tập trung kiểm soát quyền lực trong xây dựng pháp luật, với phương châm siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu, kiên quyết chống tiêu cực, lợi ích nhóm.

Ba là, tính khả thi phải là nguyên tắc tối thượng trong xây dựng và thực thi pháp luật. Đổi mới quy trình xây dựng, tổ chức thực hiện pháp luật theo nguyên tắc bám sát thực tiễn, đứng trên mảnh đất thực tiễn, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể để xây dựng các quy định pháp luật phù hợp. Thực hiện nguyên tắc này là cơ sở đảm bảo tính khả thi của luật và các văn bản quy phạm pháp luật. Tính khả thi phải là nguyên tắc tối thượng trong xây dựng và thực thi pháp luật.

Hiện nay, cơ quan soạn thảo luật và các văn bản quy phạm pháp luật nhìn chung đã đáp ứng được các nguyên tắc cơ bản về tính hợp hiến, công khai, tuân thủ thẩm quyền, không xung đột với các điều ước quốc tế. Tuy vậy, tính khả thi - Nguyên tắc "tối thượng", mục đích "duy nhất" để văn bản quy phạm pháp luật có sức sống và có giá trị lại luôn là vấn đề nóng trong hoạt động lập pháp.

Để luật và các văn bản quy phạm pháp luận có tính khả thi, việc xây dựng luật phải tạo dựng môi trường nhằm gắn kết và phát huy tối đa các cơ hội, khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức trong quá trình phát triển của đất nước, gắn với nhu cầu của các thực thể kinh tế và người dân; nâng cao năng lực chuyên môn, am hiểu thực tiễn luôn biến động của người xây dựng luật; đặc biệt cần khuyến khích và trân trọng ý kiến tham gia của người dân trong quá trình lập pháp.

Friedrich A. Hayek - Nhà kinh tế học đoạt giải Nobel kinh tế năm 1974 đã đúc kết thành hệ thống lý luận và thực tiễn về sự phân chia tri thức nhân loại, với khẳng định chỉ có thị trường mới huy động tốt nhất, sử dụng hiệu quả nhất mọi nguồn lực xã hội cho phát triển.

Tri thức của nhân loại phân tán khắp mọi nơi, không một bộ óc thiên tài nào, không một cơ quan, tổ chức nào có thể thâu tóm và biết hết được. Tri thức không chỉ có trong sách vở, trong các công trình nghiên cứu, trên báo chí, mạng xã hội, mà còn trong các thực thể kinh tế, trong mỗi gia đình và mỗi cá nhân.

Thực tiễn này là nền tảng của nhà nước pháp quyền với quy định người dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm, còn cán bộ, công chức, viên chức chỉ được làm những gì pháp luật cho phép. Thực tiễn này là cơ sở để các nhà lập pháp và hành pháp xóa bỏ tư tưởng: những gì không quản được thì cấm.

Nhìn lại công cuộc đổi mới của đất nước trong gần 4 thập kỷ qua, một trong những đổi mới đầu tiên, mang tính cách mạng, biến Việt Nam từ một nước thiếu lương thực triền miên thành một nền kinh tế xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới là kết quả của bước đột phá.

Đổi mới ở cơ sở là căn cứ từ thực tiễn để ngày 5/4/1988, Bộ Chính trị ra Nghị quyết 10 về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp hay còn gọi là khoán 10 - Đây là nghị quyết có sức đột phá mãnh liệt, tác động lan tỏa tích cực nhiều mặt đến nông nghiệp, nông thôn và nông dân nước ta. Sự ra đời của của Nghị quyết 10 minh chứng thực tiễn quan trọng "để có thể đổi mới rất cần sự cầu thị, lắng nghe của các cấp lãnh đạo trước những tri thức giá trị rộng lớn của người dân".

Bốn là, phân cấp, phân quyền phải đảm bảo quyền hạn phù hợp với khả năng xử lý công việc. Trước thực trạng hiện nay chính quyền địa phương chưa có đủ thẩm quyền và các điều kiện cần thiết để chủ động thực hiện các nhiệm vụ mà địa phương có khả năng giải quyết; trong khi đó các cơ quan trung ương không có khả năng nhưng lại có quyền, dẫn đến tình trạng nhiều công việc ùn tắc, chậm trễ, kém hiệu quả.

Quan điểm của Đảng là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm. Hoàn thiện cơ chế phân cấp, phân quyền nhằm phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, thẩm quyền và trách nhiệm giữa Chính phủ với các bộ, ngành; giữa Chính phủ, các bộ, ngành với chính quyền địa phương gắn với hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, ổn định, công khai, minh bạch, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm.

Năm là, cải cách triệt để thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp. Cải cách thủ tục hành chính là động lực cho phát triển, phải lắng nghe ý kiến của các cơ quan, đơn vị, người dân, cầu thị, tập trung, không dàn trải, làm việc nào dứt điểm việc đó trong đẩy mạnh cải cách hành chính.

Sáu là, hành lang pháp lý phù hợp với xu hướng phát triển mới, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế. Thế giới đang bước vào một kỷ nguyên mới, với sự phát triển nhanh, mạnh mang tính đột phá của công nghệ diễn ra trong nhiều lĩnh vực, đem đến những thay đổi vượt bậc đối với việc làm, sản xuất kinh doanh và chất lượng cuộc sống.

Đặc biệt, trong quá trình thực hiện CMCN 4.0, các mô hình kinh tế như: kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh,… sẽ nổi lên là những mô hình đầy tiềm năng, có vai trò quan trọng, định hình các nền kinh tế, đòi hỏi các quốc gia phải cơ cấu lại nền kinh tế để thích ứng và phát triển.

Để đón bắt xu hướng phát triển theo phương châm chủ động, tích cực, Đảng đưa ra quan điểm chỉ đạo phải khẩn trương xây dựng hành lang pháp lý cho những vấn đề mới, xu hướng mới, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không nóng vội nhưng không cầu toàn để mất thời cơ.

ĐỔI MỚI TƯ DUY, PHƯƠNG THỨC LẬP PHÁP, XÓA BỎ ĐIỂM NGHẼN THỂ CHẾ KINH TẾ, TẠO ĐỘNG LỰC PHÁT TRIỂN TRONG KỶ NGUYÊN VƯƠN MÌNH CỦA DÂN TỘC

Một số giải pháp hoàn thiện đồng bộ thể chế kinh tế

Ba nhà kinh tế người Mỹ nhận giải thưởng Nobel kinh tế năm 2024 với nghiên cứu công phu trong hơn 20 năm về cách thức thể chế được hình thành sẽ quyết định sự thịnh vượng của quốc gia.

Kết quả nghiên cứu khẳng định quốc gia nào xây dựng thể chế khuyến khích sự tham gia rộng rãi của người dân vào nền kinh tế và chính trị, bảo vệ quyền sở hữu tài sản của người dân, khuyến khích sáng tạo, đổi mới (thể chế bao trùm) sẽ tạo động lực và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dài hạn.

Ngược lại, quốc gia có thể chế chỉ phục vụ lợi ích của một nhóm nhỏ cầm quyền, dẫn đến tham nhũng, bóc lột, bất công xã hội (thể chế chiếm đoạt) sẽ kìm hãm sự phát triển, dẫn tới nghèo đói.

Thực hiện quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, thiết nghĩ các cấp có thẩm quyền cần khẩn trương xử lý rốt ráo những bất cập hiện tại về thể chế, nắm bắt các vấn đề mới, xây dựng thể chế kinh tế bao trùm, công khai, minh bạch, bình đẳng, tạo động lực cho phát triển. Đồng thời, cần đổi mới tư duy xây dựng và hoàn thiện thể chế theo quan điểm chuyển từ nhà nước quản lý sang nhà nước kiến tạo, phục vụ và quản trị.

Các cơ quan cấp trên cần sớm ban hành nghị quyết về đổi mới tư duy và phương thức xây dựng, sửa đổi, bổ sung thể chế kinh tế trong tình hình mới, làm căn cứ để Nhà nước khẩn trương tháo gỡ điểm nghẽn của điểm nghẽn về thể chế đối với sự phát triển của đất nước.

Chính phủ và Quốc hội cần tiếp tục chủ động, phối hợp hiệu quả thực hiện một số nhóm giải pháp sau nhằm tháo gỡ nhanh nhất, hiệu quả nhất điểm nghẽn về thể chế kinh tế, phát huy tối đa các động lực phát triển, tận dụng thời cơ, tranh thủ thời gian, đưa kinh tế Việt Nam cất cánh trong kỷ nguyên mới.

Một là, rà soát toàn diện các luật và văn bản quy phạm dưới luật nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt trong kiến tạo nền tảng về chế độ kinh tế; kiến tạo môi trường sản xuất kinh doanh thông thoáng, công khai, minh bạch; tạo môi trường bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực của đất nước.

Đặc biệt, cần khẩn trương sửa đổi, bổ sung các chế tài để các thực thể kinh tế phải tuân thủ pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Hai là, xây dựng kế hoạch và lộ trình triển khai cụ thể nhằm tạo dựng hệ thống thể chế kinh tế đảm bảo tính tổng thể, sự đồng bộ, tính tương thích, tạo tác động cộng hưởng, cùng chiều của hệ thống thể chế đặt trong thực tế vận hành của nền kinh tế.Hoàn thiện đồng bộ các loại thị trường, đặc biệt thị trường các nhân tố sản xuất.

Để hệ thống thể chế có tính khả thi, các quy định của pháp luật phải quan tâm và đảm bảo sự ăn khớp giữa nguồn lực và khả năng sử dụng nguồn lực; giữa năng lực sản xuất với thị trường tiêu thụ; giữa sản xuất và lưu thông.

Ba là, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, quy định chế độ trách nhiệm, chế tài xử lý vi phạm đối với cá nhân, tổ chức trong xây dựng pháp luật.

Quy định chặt chẽ hơn về chế độ trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm người đứng đầu, trách nhiệm giải trình về công tác xây dựng pháp luật.

Quy định các chế tài pháp luật hợp lý, nghiêm khắc đối với các chủ thể ban hành văn bản pháp luật sai trái, gây ảnh hưởng tiêu cực đến quyền, lợi ích của các cá nhân, tổ chức.

Tăng cường công tác kiểm tra trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nâng cao trách nhiệm, chất lượng văn bản, phân công hợp lý hơn, phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa Chính phủ và Quốc hội trong quá trình soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật; xử lý kịp thời các sai phạm.

Bốn là, hoàn thiện đồng bộ thể chế hội nhập kinh tế quốc tế. Quốc hội và Chính phủ cần xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật tạo sự kết hợp giữa đẩy mạnh hội nhập với xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong thực tiễn nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, kinh tế thế giới có nhiều biến động, để khai thác tối đa các cơ hội từ những hiệp định, thỏa thuận, thể chế quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, công nhận.

Chính phủ cần xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý, bổ sung các quy định về những tiêu chuẩn, tiêu chí mới, hướng dẫn các doanh nghiệp xuất khẩu thực hiện nghiêm túc tất cả những yêu cầu mới của các nước nhập khẩu trong khu vực FTA, đồng thời thực thi đầy đủ các nghĩa vụ trong các FTA thế hệ mới về lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ.

Năm là, để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với địa phương theo phương châm địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm, căn cứ vào nhiệm vụ phát triển của cấp được phân quyền, Quốc hội và Chính phủ xây dựng thể chế quy định rõ phạm vi, trách nhiệm, quyền hạn, nghĩa vụ, cách thức phân cấp, phân quyền bảo đảm thực chất, có tính khả thi, phù hợp với quy luật và tiến trình phát triển.

Cùng với quy định về phân cấp, phân quyền, Chính phủ xây dựng thể chế quy định rõ cơ chế phối hợp trong thực hiện quyền được phân cấp và quy định trách nhiệm của quyền được phân cấp, đảm bảo quản trị quốc gia hiệu lực, hiệu quả, thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Sáu là, khẩn trương cải cách thủ tục hành chính đồng bộ, hiệu quả các quy định về thủ tục hành chính (TTHC) liên quan đến người dân, doanh nghiệp; rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh; bãi bỏ mọi rào cản hạn chế quyền tự do kinh doanh, cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh.

Tối ưu hóa quy trình giải quyết TTHC trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin; đổi mới và nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC. Đẩy mạnh thực hiện TTHC trên môi trường điện tử.

Cùng với đó, thực hiện cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, đổi mới, cải tiến phương thức làm việc, tinh giảm biên chế; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có năng lực, phẩm chất, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và sự phát triển đất nước. Thực hiện cải cách TTHC nội bộ giữa các cơ quan hành chính nhà nước.

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cùng với quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đang chi phối sâu sắc tiến trình phát triển kinh tế, xã hội của các quốc gia, thế giới bước vào một kỷ nguyên mới, với những thay đổi lớn và những đột phá chưa từng có.

Kinh tế nước ta có độ mở lớn, chịu tác động mạnh từ những gì đang diễn ra của kinh tế, chính trị thế giới. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần có những đột phá về cơ chế, chính sách, trong đó đột phá về thể chế phải bắt đầu từ đột phá trong tư duy điều hành kinh tế, chấp nhận sự thay đổi, khác biệt, táo bạo. Cần xây dựng một xã hội cởi mở, chào đón sự thay đổi, đồng thời chuẩn bị kỹ cho những gì sẽ diễn ra trong thời gian tới.

Nhìn lại những năm tám mươi của thế kỷ trước, kinh tế nước ta rơi vào khó khăn, bế tắc. Đảng đã khởi xướng và thực hiện đổi mới thành công, đưa kinh tế Việt Nam có tên trên bản đồ kinh tế thế giới. Với tinh thần chủ động, sáng tạo, linh hoạt, với tư duy mới, tầm nhìn mới, chúng ta tin tưởng Đảng và Nhà nước sớm tạo dựng nền thể chế bao trùm, xóa bỏ điểm nghẽn của điểm nghẽn về thể chế cho phát triển, thực hiện khát vọng một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, người dân ấm no, hạnh phúc trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc./.

Nguyễn Bích Lâm

Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê

Theo chinhphu.vn
Tin bài khác
Việt Nam đã giương lên “chiếc nỏ thần công nghệ”

Việt Nam đã giương lên “chiếc nỏ thần công nghệ”

Trải qua nhiều thời kỳ đổi mới, chúng ta đã xác định công nghệ là mấu chốt của mọi lĩnh vực, là “chiếc nỏ thần” có sức công phá, sáng tạo không giới hạn.
Người Hà Nội và bia

Người Hà Nội và bia

Văn hóa giải trí là “món ăn” tinh thần không thể thiếu, mang đến sự thư giãn và cảm hứng cho mọi người. Đặc biệt, trong lĩnh vực khoa học, công nghệ - Nơi thường gắn với sự khô khan của máy móc và thiết bị, văn hóa giải trí chính là luồng gió mát, làm mềm mại những điều tưởng chừng khô cứng. Với bài viết "Người Hà Nội và bia", Tạp chí Tự động hóa Ngày nay hy vọng sẽ mang đến câu chuyện thú vị tới bạn đọc.
Tử vi vòng quay công nghệ ngày 19/1/2025: Tuổi Thân tràn đầy hứng khởi, tuổi Mùi chú ý sức khỏe

Tử vi vòng quay công nghệ ngày 19/1/2025: Tuổi Thân tràn đầy hứng khởi, tuổi Mùi chú ý sức khỏe

Những bí ẩn của khoa học đời sống là "món ăn" tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống của con người. Tử vi vòng quay công nghệ xem tử vi 12 con giáp ngày 19/1/2025 cho tất cả các tuổi nhằm dự đoán vận hạn về công danh, tiền bạc, tình duyên, sức khỏe...
Những điện thoại độc, lạ được ra mắt tại CES 2025

Những điện thoại độc, lạ được ra mắt tại CES 2025

Triển lãm CES năm nay tiếp tục chứng kiến sự xuất hiện của nhiều mẫu điện thoại độc và lạ, cả về kiểu dáng lẫn tính năng. Dưới đây là một vài sản phẩm như vậy.
Bộ Công Thương ban hành kế hoạch phát triển công nghiệp bán dẫn

Bộ Công Thương ban hành kế hoạch phát triển công nghiệp bán dẫn

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ký Quyết định số 152/QĐ-BCT để thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn năm 2050.
Chiếc cốc vại của người Hà Nội

Chiếc cốc vại của người Hà Nội

Văn hóa giải trí là “món ăn” tinh thần không thể thiếu, mang đến sự thư giãn và cảm hứng cho mọi người. Đặc biệt, trong lĩnh vực khoa học, công nghệ - Nơi thường gắn với sự khô khan của máy móc và thiết bị, văn hóa giải trí chính là luồng gió mát, làm mềm mại những điều tưởng chừng khô cứng. Với bài viết "Chiếc cốc vại của người Hà Nội", Tạp chí Tự động hóa Ngày nay hy vọng sẽ mang đến câu chuyện thú vị tới bạn đọc.
Thị trường chứng khoán ngày 17/1: Nhóm dầu khí và ngân hàng bứt phá

Thị trường chứng khoán ngày 17/1: Nhóm dầu khí và ngân hàng bứt phá

VN Index tiếp tục kéo dài chuỗi phục hồi ấn tượng khi chỉ số áp sát mốc 1.250 điểm, kết thúc ngày ở mức cao nhất. Mặc dù dòng tiền vẫn thận trọng và khối ngoại tiếp tục bán ròng, nhưng sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu ngân hàng và dầu khí vẫn giúp thị trường ghi nhận sắc xanh tích cực.
Tử vi vòng quay công nghệ ngày 18/1/2025: Tuổi Tỵ may mắn, tuổi Ngọ vướng vào mâu thuẫn

Tử vi vòng quay công nghệ ngày 18/1/2025: Tuổi Tỵ may mắn, tuổi Ngọ vướng vào mâu thuẫn

Những bí ẩn của khoa học đời sống là "món ăn" tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống của con người. Tử vi vòng quay công nghệ xem tử vi 12 con giáp ngày 18/2025 cho tất cả các tuổi nhằm dự đoán vận hạn về công danh, tiền bạc, tình duyên, sức khỏe...
Chuyên gia công nghệ nêu giải pháp tránh rủi ro trong thanh toán không dùng tiền mặt

Chuyên gia công nghệ nêu giải pháp tránh rủi ro trong thanh toán không dùng tiền mặt

Theo chuyên gia công nghệ Đinh Hồng Sơn - Tổng giám đốc Tinhvan Consulting, để giảm thiểu những rủi ro liên quan đến thanh toán tiền mặt, các tổ chức tài chính và nhà cung cấp dịch vụ thanh toán cần đầu tư vào công nghệ bảo mật, như mã hóa dữ liệu, xác thực đa yếu tố và xây dựng hệ thống phòng chống tấn công mạng. Người dùng cũng nên thường xuyên thay đổi mật khẩu và cảnh giác trước các đường dẫn hoặc Email có dấu hiệu lừa đảo.
Đơn giản hóa ngành công nghiệp quy trình bằng các luồng kỹ thuật số

Đơn giản hóa ngành công nghiệp quy trình bằng các luồng kỹ thuật số

Các luồng kỹ thuật số cung cấp cách tiếp cận toàn diện để theo dõi mọi yếu tố trong sản xuất quy trình.