Dự án này do SunCable, công ty của tỷ phú công nghệ Mike Cannon-Brookes, dẫn đầu. Họ dự định xây dựng các trang trại điện mặt trời khổng lồ tại vùng đất sâu trong nội địa Úc, để cung cấp đến 6 gigawatt (GW) điện suốt 24/7 cho Darwin và Singapore thông qua cáp ngầm dài 4.300 km. Cáp này sẽ đi qua quần đảo Indonesia để đến Singapore.
Điện mặt trời sẽ được thu từ các trang trại mặt trời rộng lớn ở Tennant Creek, một khu vực sa mạc tại Lãnh thổ phía Bắc của Úc. Đây có thể là trang trại năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới.
SunCable từng cho biết dự án này có thể đáp ứng khoảng 20% nhu cầu điện của Singapore nếu hoàn tất. Điện dự kiến sẽ được cung cấp vào đầu những năm 2030, tuy nhiên SunCable vẫn phải vượt qua các rào cản pháp lý. Quyết định đầu tư cuối cùng dự kiến sẽ được đưa ra vào năm 2027.
Ngoài ra, dự án sẽ đi qua biên giới hàng hải của Indonesia, nên SunCable cần xin phê duyệt từ chính phủ Indonesia.
Tuyến cáp truyền tải điện mặt trời. |
Ảnh vệ tinh của tuyến cáp truyền tải điện mặt trời. (Nguồn: SunCable) |
Dù chính phủ Úc đã phê duyệt phần dự án ở Úc, SunCable vẫn tiếp tục đàm phán với Cơ quan Thị trường Năng lượng Singapore (EMA) để xin phê duyệt điều kiện cho phần cáp ngầm của dự án. EMA giải thích rằng phê duyệt điều kiện được cấp khi EMA đánh giá sơ bộ rằng dự án nhập khẩu điện có tính khả thi về mặt kỹ thuật và thương mại.
“Các đơn vị nhập khẩu điện tiềm năng sẽ cần phát triển thêm đề xuất của họ và nhận các phê duyệt cần thiết,” EMA bổ sung.
Tính đến nay, EMA đã cấp phê duyệt điều kiện cho các dự án từ nhiều nguồn, bao gồm 2 GW từ Indonesia, 1 GW từ Campuchia và 1,2 GW từ Việt Nam. EMA cho biết Singapore đang trên đà nhập khẩu đến 6 GW điện thấp carbon vào năm 2035, chiếm khoảng 30% nguồn cung điện của Singapore.
Năng lượng mặt trời
EMA gọi năng lượng mặt trời là "nguồn năng lượng tái tạo hứa hẹn nhất" của Singapore. EMA đặt mục tiêu đạt công suất lắp đặt năng lượng mặt trời ít nhất là 2 gigawatt-peak (GWp) vào năm 2030, đáp ứng nhu cầu điện hàng năm của khoảng 350.000 hộ gia đình.
Ngày càng nhiều tấm pin mặt trời được lắp đặt không chỉ trên mái nhà, như trong chương trình SolarNova ra mắt từ năm 2014, mà còn trên mặt nước, ví dụ trên các hồ chứa nước và eo biển Johor. Đất trống tạm thời cũng được tận dụng để lắp đặt các tấm pin mặt trời, thông qua chương trình SolarLand do JTC quản lý.
Minh Thành (Theo mothership)