Ngày 18/4 Nghị viện châu Âu và các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được thỏa thuận về kế hoạch tăng cường cung cấp chất bán dẫn ở châu Âu.
•Nhật Bản đã có động thái về lệnh cấm xuất khẩu chip bán dẫn sang Trung Quốc
• Cuộc đặt cược dài hạn của châu Âu trong cơn khát chip
• Nhiều nước phát triển thông qua chính sách thúc đẩy ngành công nghiệp chip
•ASML Holdings xem xét xây dựng nhà máy sản xuất chip ở Đông Nam Á và Việt Nam
Theo thỏa thuận, EU đặt mục tiêu tăng gấp đôi thị phần chip toàn cầu hiện tại, lên 20% vào năm 2030 và huy động hơn 43 tỷ euro đầu tư công và tư nhân nhằm đáp ứng nhu cầu chip ngày càng tăng của châu Âu. EU sẽ cần tăng gấp 4 lần sản lượng để đáp ứng mục tiêu này. Kinh phí cho chiến lược này sẽ trích từ ngân sách hiện tại của EU.
Dự kiến, khối này sẽ huy động 3,3 tỷ euro cho nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực chip. Ngoài ra, thỏa thuận cũng bao gồm hệ thống giám sát tình trạng thiếu nguồn cung trong thời kỳ khủng hoảng.
EU không phải khu vực duy nhất nhận ra vai trò của ngành công nghiệp chip với tăng trưởng kinh tế trong tương lai. Trước đó, Hạ viện Mỹ cũng thông qua Đạo luật cạnh tranh, trong đó tài trợ 52 tỷ USD cho ngành công nghiệp bán dẫn.
So với Mỹ, nguồn tài trợ của châu Âu vẫn ít hơn. Ngoài ra, EU cũng gặp khó trong việc thu hút các nhà sản xuất chip lớn trên thế giới. Hiện công ty Đài Loan TSMC thống trị ngành bán dẫn, tạo ra hơn một nửa doanh thu toàn cầu. Dù đã có thông tin về việc TSMC xem xét thành lập một chi nhánh tại Đức, chưa có khoản đầu tư cụ thể nào được công bố. Trong khi đó, công ty này đã xác nhận đang xây dựng nhà máy mới ở Nhật Bản và Mỹ.
Theo các chuyên gia, bất kỳ kế hoạch nào nhằm thúc đẩy sản lượng chip cũng sẽ không làm giảm bớt sự gián đoạn nguồn cung hiện tại, và không một lục địa nào có thể hoàn toàn tự cung tự cấp. Châu Âu sẽ luôn nỗ lực giữ cho các thị trường toàn cầu luôn mở và kết nối với nhau để thúc đẩy thị trường chip toàn cầu được ổn định và phát triển.
Đỗ Phương