Gắp bỏ cho người

Văn hoá giải trí
03/02/2025 04:04
Văn hóa giải trí là “món ăn” tinh thần không thể thiếu, mang đến sự thư giãn và cảm hứng cho mọi người. Đặc biệt, trong lĩnh vực khoa học, công nghệ - Nơi thường gắn với sự khô khan của máy móc và thiết bị.
aa
Phở và tôi Ẩm thực rươi

Văn hóa giải trí chính là luồng gió mát, làm mềm mại những điều tưởng chừng khô cứng. Với bài viết "Gắp bỏ cho người", Tạp chí Tự động hóa Ngày nay hy vọng sẽ mang đến câu chuyện thú vị tới bạn đọc.

Gắp bỏ cho người
Vào bữa cỗ, món gắp mở đầu phải là miếng rau miếng dưa hay gắp mấy sợi nộm...

Thuở nhỏ, tôi thường được ông nội cho đi ăn cỗ. Theo ông đến các bữa cỗ, tôi khép nép ngồi ngoan ngoãn ở một góc cạnh ông. Ông gắp cho miếng nào thì được ăn miếng ấy. Ông dạy: “Ăn uống phải từ tốn. Ăn phải trông nồi, ngồi phải trông hướng.” Ngồi ăn trên phản giữa nhà, không bao giờ được quay lưng vào bàn thờ tổ tiên. Khi ăn phải trông xem trong mâm có những gì, phải biết nhường mọi người. Trong mâm có mỗi khoanh giò chia đều làm sáu khúc. Mỗi người chỉ được ăn một khúc. Nếu vô tình ăn hai khúc tức là đã ăn lạm vào phần của người khác. Như thế là kẻ phàm ăn. Vào bữa cỗ, món gắp mở đầu phải là miếng rau miếng dưa hay gắp mấy sợi nộm. Không ai vào mâm mà lại chọc đũa ngay vào miếng giò lụa hay miếng gà. Định ăn miếng nào thì gắp miếng ấy. Không gắp lên rồi lại để xuống, cấm kỵ dùng đũa lật đi lật lại bới đĩa thịt gà đã xếp gọn gàng phần da được lợp lên trên để tìm miếng ngon cho mình. Khi ăn phải nhìn trước nhìn sau, biết nhường các cụ cao tuổi. Ăn canh thì không được húp xì xụp, ăn nóng không được thổi phù phù... Điều đặc biệt hơn cả là trong mâm, chủ nhà hay người ít tuổi, kẻ bề dưới luôn gắp thức ăn cho khách hoặc bề trên để kính cẩn mời xơi miếng ngon, dầu rằng không biết thực khách có thích hay không nhưng làm thế để thể hiện cái bụng của chủ nhà ân cần với khách khi đãi đằng...

Các nghi lễ ấy cứ từ từ được ông tôi chỉ bảo. Sau mỗi bữa cỗ, có điều gì tôi xử sự không phải, về nhà ông lại nghiêm khắc nhắc nhở.

Những bài học ăn, học uống cứ thế được ông bà tôi, bố mẹ tôi truyền dạy từ năm này qua năm khác và cái phép lịch sự trong ăn uống nó nhập vào mình từ lúc nào không biết.

Cuộc sống ngày càng trở nên xô bồ. Các dịp hội ngộ ăn uống trong gia đình ngày càng giảm dần. Người ta quen lối hội hè, ăn nhậu ở nhà hàng, ngồi vào mâm là cao giọng với nhân viên phục vụ. Khi ăn thì thả sức hò hét, thách nhau uống hết két bia này đến két bia khác và luôn miệng đồng thanh gào rõ to “Dzô! Dzô!” như thể phu kéo gỗ dựng cột giữa cánh đồng. Ngồi vào mâm cỗ, bàn tiệc có khi quên mời mọc, cứ tự động bật bia chạm cốc và ăn uống rào rào. Lắm khi tới lúc MC đám cưới giới thiệu cô dâu chú rể, họ nhà trai, nhà gái ra mắt thì đã khối anh no bụng, ngồi xỉa răng. Thật chẳng còn đâu cái phép lịch sự như ông tôi đã dạy thuở nào.

Tôi có mấy dịp được mời đi nói chuyện với các bạn nước ngoài mới đến Việt Nam về một vài phong tục tập quán ứng xử trong ăn uống. Tôi cứ theo nếp của ông bà, bố mẹ dạy cho mà truyền lại. Nào là khi ăn chuối phải bẻ đôi và bóc vỏ từng nửa quả nom tựa đóa hoa, không bóc tuột cả vỏ nhai nhồm nhoàm như lũ khỉ trong rừng. Nào là muốn bóc chiếc bánh nếp phải bóc ra sao cho khỏi dính và vỡ nát cái bánh. Khi ăn phải cầm đũa thế nào. Riêng có cái phong cách gắp thức ăn bỏ vào bát để mời người khác thì các bạn nước ngoài thực không thể hiểu nổi. Sao lại gắp vào bát người ta cái món ăn mà không biết người ta có thích hay không? Đặc biệt, người châu Âu vốn có thói quen rất coi trọng sở thích cá nhân trong ăn uống thì không tài nào hiểu được cái lệ gắp bỏ cho người kỳ khôi ấy. Tôi phải gắng giải thích để các bạn thấu hiểu được cái tập tục này của người Việt chúng ta. Tôi cũng phải giới thiệu một phong cách “gắp bỏ cho người” đã cải tiến, tức là khi gắp thức ăn tiếp cho người khác thì phải trở đầu đũa chứ không dùng đầu đũa mình đang ăn. Làm vậy cho có lệ thôi chứ cả mâm chỉ có một chén nước mắm thì ai mà chẳng phải chấm chung vào đấy. Chẳng lẽ mỗi lần chấm rau hay thịt lại phải trở đầu đũa ư? Âu cũng là một thói quen sinh hoạt cộng đồng, chia sẻ cùng nhau của người Việt chúng ta.

Tôi nói vậy thì họ biết vậy. Người châu Âu không thể nào hiểu nổi sao vào bữa cỗ lại được chủ nhà gắp cho cái... đầu lâu gà, cái... còng bới - là những thứ mà bên nước họ thường không ăn, trong khi các cụ nhà ta thì luôn tấm tắc: “Nhất thủ nhì vĩ! Ăn chân bổ chân! Ăn thủ bổ thủ! Ăn cổ ăn cánh để cùng nhau tiến cao bay xa có anh có em cùng cổ cùng cánh!” Nhưng “nhập gia tùy tục”, có ông khách Tây sợ mất hồn khi thấy miếng phao câu béo vàng được bỏ vào bát mình vì lắm “cô lét xì tê rôn”, mà nể chủ nhà, vẫn nhắm mắt cho vào miệng và cảm ơn rối rít.

Gắp bỏ cho người

Tôi có một anh bạn người Nga đã ở Việt Nam trên chục năm nay, tên Victor. Anh là nhà nghiên cứu động vật học và chuyên gia về chuột. Ăn mòn bát trên đất Việt từ Nam chí Bắc, uống rượu cần Tây Nguyên, rượu “quốc lủi” như cơm bữa, anh tự cho mình là một người rất am hiểu phong tục Việt. Chỉ có mỗi điều anh không có khả năng nói tiếng Việt mà thôi. Hơn chục năm sống ở xứ sở này mà chỉ bập bõm được vài câu. Hễ thấy mấy người ngồi tụ lại với nhau trong phòng, to tiếng một chút là anh đi qua nháy mắt nói bập bẹ: “Họp! Họp! Phê bình! Phê bình! Khơ ra xô! Khơ ra xô!”

Bẵng đi nhiều năm, Liên bang Nga sụp đổ, tôi không có dịp gặp lại anh. Tình cờ năm ngoái, tôi gặp lại Victor trong một chuyến thực địa, khảo sát ở Đồng Tháp. Lần này, anh chủ động mời chúng tôi vào một nhà hàng bên bờ sông ở Cao Lãnh. Theo đúng tục Việt, chủ tiệc gọi món mời khách và như một người Việt Nam sành sỏi, Victor xem thực đơn rồi kêu ra đủ món. Cũng như một người Việt thực sự hiếu khách và lịch thiệp, anh cầm đũa gắp vào bát tôi một miếng thịt đùi béo vàng. Trời ơi! Đấy là món “Chuột cống nhum rô ti” - món mà ông tôi chưa hề cho ăn. Xưa, cụ chỉ khoái trá kể với thằng cháu nội về cái tục của một làng bên sông - hễ đám cưới mà không có thịt chuột thì không ra đám cưới - rằng: “Người ta luộc thịt chuột, để ráo nước, rắc lá chanh, lấy hai cái thớt úp vào nhau để ép cho thịt chuột chắc lại rồi mới chặt ra, xếp lên đĩa.” Tôi nghe mà sởn tóc gáy vì từ thuở cha sinh mẹ đẻ, tôi hãi nhất là con vật này.

Hôm nay, anh bạn Tây chân tình của tôi đã gắp vào bát tôi cái đùi chuột. Theo phép lịch sự mà ông tôi đã dạy, tôi đành nhắm mắt ăn nhưng lòng chỉ mong câu ca dao xưa thành hiện thực: Muốn ăn gắp bỏ cho người/ Gắp đi gắp lại, lại rơi vào mình.

Ước gì miếng thịt chuột “cống nhum” này lại rơi trở lại cái bát của Victor!

Hà Nội, 29/10/2007

Tác giả Vũ Thế Long

tudonghoangaynay.vn

trien-lam-quoc-te
Tin bài khác
Thuế đối ứng của Mỹ: Thách thức mới cho xuất khẩu Việt Nam và thị trường chứng khoán

Thuế đối ứng của Mỹ: Thách thức mới cho xuất khẩu Việt Nam và thị trường chứng khoán

Chính sách thuế nhập khẩu đối ứng (reciprocal tariffs) của Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa có hiệu lực vào ngày 9/4 đang tạo ra những chấn động đối với thương mại toàn cầu. Theo báo cáo mới nhất từ Trung tâm Phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán Dầu khí (PSI), Việt Nam với mức thặng dư thương mại song phương với Mỹ đạt kỷ lục 123,5 tỷ USD trong năm 2024 - là một trong những mục tiêu được Mỹ xác định có mức thâm hụt thương mại lớn và chính sách thuế không công bằng đối với hàng hóa của nước này.
Xu hướng nổi bật của công nghệ thực tế tăng cường trong sản xuất

Xu hướng nổi bật của công nghệ thực tế tăng cường trong sản xuất

Công nghệ thực tế tăng cường (AR) không chỉ là một công nghệ tương lai để giám sát sản xuất mà nó đã trở thành một công cụ mạnh mẽ định hình lại ngành sản xuất. Từ nâng cao năng suất của người lao động đến tăng cường hiệu quả hoạt động, các giải pháp AR đang chứng minh giá trị của chúng trong môi trường sản xuất. Nhưng tương lai của AR trong sản xuất năm 2025 sẽ ra sao?
Hoa Kỳ tạm dừng áp thuế đối ứng với hơn 75 quốc gia trong 90 ngày

Hoa Kỳ tạm dừng áp thuế đối ứng với hơn 75 quốc gia trong 90 ngày

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump thông báo tạm dừng áp thuế đối ứng trong 90 ngày với hơn 75 quốc gia đối tác thương mại không trả đũa; riêng đối với Trung Quốc, thuế sẽ tăng lên tổng cộng 125%.
Innovation Day Hải Phòng 2025: Giới thiệu giải pháp phát triển bền vững trong sản xuất công nghiệp

Innovation Day Hải Phòng 2025: Giới thiệu giải pháp phát triển bền vững trong sản xuất công nghiệp

Schneider Electric - Tập đoàn dẫn đầu về chuyển đổi số quản lý năng lượng và tự động hóa công nghiệp chính thức khởi động chuỗi sự kiện thường niên. Hội nghị "Tăng trưởng quy mô sản xuất bền vững thông qua Số hóa và AI", diễn ra ngày 10/4 tại Hải Phòng là sự kiện mở đầu trong chuỗi.
TSMC công bố sản xuất chip 2 nm trong năm 2025

TSMC công bố sản xuất chip 2 nm trong năm 2025

So với chip 3 nm, công nghệ 2 nm của TSMC được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích đáng kể.
Tử vi vòng quay công nghệ ngày 10/4/2025: Tuổi Mão kém may mắn, tuổi Dần tiền rủng rỉnh

Tử vi vòng quay công nghệ ngày 10/4/2025: Tuổi Mão kém may mắn, tuổi Dần tiền rủng rỉnh

Những bí ẩn của khoa học đời sống là "món ăn" tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống của con người. Tử vi vòng quay công nghệ xem tử vi 12 con giáp ngày 10/4/2025 cho tất cả các tuổi nhằm dự đoán vận hạn về công danh, tiền bạc, tình duyên, sức khỏe...
Robot len lỏi tìm kiếm nạn nhân trong thảm họa

Robot len lỏi tìm kiếm nạn nhân trong thảm họa

Các nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm MIT Lincoln phối hợp với Trường Đại học Notre Dame đã sáng tạo ra một mô hình robot ống dây có thể len lỏi giữa các đống đổ nát để tìm kiếm nạn nhân trong thảm họa.
Nhận định phiên giao dịch ngày 10/4: Kỳ vọng cân bằng sau chuỗi giảm sâu

Nhận định phiên giao dịch ngày 10/4: Kỳ vọng cân bằng sau chuỗi giảm sâu

Sau chuỗi giảm sâu kéo dài, nhiều cổ phiếu trên sàn HoSE đã mất tới 30% giá, mức chiết khấu còn cao hơn tại HNX và UPCoM. Cùng với đó, áp lực bán giải chấp phần lớn đã được xử lý, tạo điều kiện cho thị trường ổn định trở lại. Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn cần thận trọng trong các quyết định giao dịch, đặc biệt tránh FOMO khi thị trường bất ngờ tăng mạnh.
Mô hình S.T.I.D: Con đường để Việt Nam phát triển một xã hội số hiện đại và bền vững

Mô hình S.T.I.D: Con đường để Việt Nam phát triển một xã hội số hiện đại và bền vững

Mô hình S.T.I.D (Science. Technology. Innovation. Digital): Khoa học, Công nghệ, Đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi số đã phản ánh xu hướng toàn cầu và là một chiến lược quan trọng của Việt Nam trong việc phát triển một xã hội số hiện đại và bền vững.
Hàm Cá Mập - Một thời để nhớ của Thủ đô Hà Nội

Hàm Cá Mập - Một thời để nhớ của Thủ đô Hà Nội

Việc dỡ bỏ Hàm Cá Mập là điều không tránh khỏi trong bối cảnh phát triển đô thị. Đó được xem là dấu mốc quan trọng trong việc hiện đại hóa và mở rộng không gian công cộng của thành phố. Tuy nhiên, Hàm Cá Mập vẫn là biểu tượng "một thời để nhớ" của nhiều người dân Thủ đô.
siement
Quảng cáo
moxa