• Đánh thức sức mạnh của ngành Công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam
• Phát triển công nghiệp bán dẫn theo phương châm “Làm đúng ngay từ đầu”
TS. Nguyễn Quân – Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam phát biểu tại chương trình Gặp gỡ đầu xuân Giáp Thìn 2024. Ảnh: Vũ Huệ |
Phát biểu tại chương trình, TS. Nguyễn Quân – Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam cho biết, các tổ chức xã hội nghề nghiệp chuyên ngành chính là lực lượng nòng cốt trong công cuộc chuyển đổi số của đất nước và góp phần chủ động tham gia vào Cách mạng Công nghiệp 4.0. Những gì đã đạt được vẫn chưa thể như kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân, song những kết quả đó cũng đóng vai trò hết sức quan trọng và đã tạo được nền tảng cho những bước đi tiếp theo về Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số.
“Một vấn đề hết sức quan trọng là phải tạo dựng một nền tảng pháp lý một cách đầy đủ để phát triển CNTT. Dữ liệu không chỉ là tài nguyên mà còn là tài sản số. Đặc biệt là dữ liệu càng dùng nhiều thì giá trị lại càng tăng lên, khác với các loại tài nguyên, tài sản hữu hình khác. Chính vì thế, dữ liệu đóng vai trò rất quan trọng trong chuyển đổi số” – TS. Nguyễn Quân nhấn mạnh.
Đồng quan điểm với TS. Nguyễn Quân, TS.Trương Gia Bình – Chủ tịch Tập đoàn FPT cho rằng ngoài những vấn đề về dữ liệu số thì hiện nay nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới đang chọn Việt Nam để đầu tư vào lĩnh vực phát triển công nghiệp bán dẫn.
Nhưng ông Trương Gia Bình cho rằng, cái khó nhất hiện nay là làm thế nào để sản xuất được chip khi đã thiết kế vì Việt Nam chưa có cơ hội để sản xuất chip thuận lợi. Nên đây vẫn là một bài toán khó.
Các thành viên Hội Tự động hóa Việt Nam chụp ảnh cùng đại diện lãnh đạo các Hội, hiệp hội trong buổi Gặp gỡ ICT xuân Giáp Thìn 2024. |
Tới tham dự buổi gặp gỡ đầu xuân, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã có lời chúc mừng năm mới tới đông đảo các đại biểu tham dự.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, công nghệ thông tin và truyền thông có sứ mạng cao cả để Việt Nam cất cánh và phát triển. Cơ hội lớn nhất với Việt Nam khi thế giới có những thay đổi lớn chính là CMCN 4.0 đang diễn ra. Một trong những cơ hội mà Việt Nam phải tranh thủ chính là ngành công nghiệp bán dẫn. Đây chính là cơ hội để tạo dựng lại ngành công nghiệp điện tử nước nhà, đưa doanh nghiệp Việt Nam hội nhập sâu vào công nghệ toàn cầu.
Kiên Trịnh