Nỗ lực lớn duy trì đà phục hồi kinh tế
Theo Cục Thống kê (Bộ Tài chính), tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Việt Nam trong quý 1/2025 ước tính tăng trưởng mạnh mẽ 6,93% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu mức tăng trưởng cao nhất so với quý 1 của các năm trong giai đoạn 2020-2025…
Mức tăng trưởng 6,93% này đã vượt qua mục tiêu tăng trưởng 6,2%-6,6% cho quý 1/2025 được đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Hương, Cục trưởng Cục Thống kê, con số này vẫn chưa đạt được mục tiêu phấn đấu cao hơn là 7,7% theo Nghị quyết số 25/NQ-CP ban hành ngày 05/02/2025, do những bất ổn kinh tế - xã hội toàn cầu.
Sự tăng trưởng GDP trong quý 1/2025 được thúc đẩy bởi sự phát triển đồng đều của cả ba khu vực kinh tế chính.
![]() |
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ghi nhận mức tăng trưởng ổn định 3,74%, đóng góp 6,09% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Đặc biệt, sản lượng thu hoạch cây lâu năm, gỗ khai thác và nuôi trồng thủy sản đều có sự tăng trưởng khá, nhờ vào việc ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ cao, đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.
Giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp quý 1/2025 tăng 3,53% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,32 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 6,67% nhưng do chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,03 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 3,98%, đóng góp 0,09 điểm phần trăm.
Khu vực công nghiệp và xây dựng có mức tăng trưởng ấn tượng 7,42%, đóng góp tới 40,17% vào tổng mức tăng trưởng. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực chính với mức tăng trưởng 9,28%. Ngành xây dựng cũng có sự tăng trưởng đáng khích lệ với 7,99%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2024. Tuy nhiên, ngành khai khoáng lại ghi nhận sự sụt giảm 5,76%.
![]() |
Khu vực dịch vụ có mức tăng trưởng cao nhất là 7,70%, đóng góp 53,74% vào mức tăng trưởng GDP. Nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán cùng với sự phục hồi mạnh mẽ của lượng khách quốc tế đã góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng này. Các ngành dịch vụ có đóng góp nổi bật bao gồm vận tải kho bãi (tăng 9,90%), dịch vụ lưu trú và ăn uống (tăng 9,31%), bán buôn và bán lẻ (tăng 7,47%), tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (tăng 6,83%), và thông tin truyền thông (tăng 6,66%).
Về cơ cấu kinh tế và sử dụng GDP, trong quý 1/2025, cơ cấu nền kinh tế có sự chuyển dịch nhẹ so với cùng kỳ năm 2024, với khu vực dịch vụ tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất (43,44%), tiếp theo là khu vực công nghiệp và xây dựng (36,31%), nông, lâm nghiệp và thủy sản (11,56%), và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm (8,69%).
Về sử dụng GDP, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,45%, tích lũy tài sản tăng 7,24%, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 9,71%, trong khi nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 12,45%.
Theo Cục Thống kê, mặc dù chưa đạt được mục tiêu tăng trưởng cao nhất đã đề ra, kết quả tăng trưởng GDP quý 1/2025 vẫn cho thấy những tín hiệu tích cực và sự nỗ lực lớn của Việt Nam trong việc duy trì đà phục hồi kinh tế.
Sự tăng trưởng đồng đều ở các khu vực kinh tế và sự đóng góp quan trọng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và khu vực dịch vụ là những điểm sáng trong bức tranh kinh tế quý đầu năm.
Tuy nhiên, Chính phủ và các bộ ngành sẽ cần tiếp tục theo dõi sát sao tình hình kinh tế thế giới và có những biện pháp điều hành linh hoạt để đạt được mục tiêu tăng trưởng cho cả năm 2025.
![]() |
Tập trung vào các ngành công nghiệp có giá trị cao và bền vững
Trả lời báo chí trước thông tin Tổng thống Trump đã áp mức thuế 46% lên hàng hóa từ Việt Nam sẽ ảnh hưởng thế nào tới xuất nhập khẩu của Việt Nam trong thời gian tới khi xuất khẩu được xem là một trong những động lực đóng góp chính vào tăng trưởng của Việt Nam thời gian qua, bà Nguyễn Thị Hương, Cục trưởng Cục Thống kê (Bộ Tài chính) nêu rõ: Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2024. Việc Mỹ áp mức thuế 46% lên hàng hóa từ Việt Nam chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu và nền kinh tế trong ngắn hạn.
Các mặt hàng gia công, lắp ráp như máy vi tính điện tử và linh kiện, máy móc thiết bị, điện thoại và linh kiện, dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ sẽ chịu tác động nặng nề nhất. Tuy nhiên, mức độ tác động có thể khác nhau giữa các nhóm hàng.
Đối với nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện, điện thoại và linh kiện, máy móc thiết bị, do phần lớn kim ngạch xuất khẩu thuộc về các doanh nghiệp FDI, họ có thể có khả năng phản ứng tốt hơn bằng cách chuyển dịch sản xuất sang các quốc gia khác.
Trong khi đó, các nhà sản xuất trong nước ở các nhóm hàng như dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ có thể gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tìm kiếm thị trường thay thế, dẫn đến nguy cơ suy giảm kim ngạch xuất khẩu.
Bên cạnh đó, xuất khẩu một số mặt hàng nông sản như thủy sản và rau quả cũng sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp.
Trong bối cảnh như vậy, dự báo về sự dịch chuyển thương mại và đầu tư vào Việt Nam, Cục trưởng Cục Thống kê (Bộ Tài chính) cho rằng, việc Mỹ áp thuế cao có thể gây khó khăn cho sự dịch chuyển thương mại của Việt Nam sang các nước khác trong ngắn hạn, vì cần thời gian để tìm kiếm và mở rộng thị trường mới.
Về đầu tư, mức thuế này có thể chưa gây ra sự suy giảm ngay lập tức dòng vốn FDI vào Việt Nam, vì mỗi quốc gia có những lợi thế riêng. Tuy nhiên, trong dài hạn, nó có thể ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài.
"Trước tình hình này, Việt Nam cần tập trung vào việc ổn định chính sách, cải cách thủ tục hành chính và hải quan để tạo môi trường kinh doanh thông thoáng và ổn định cho các nhà đầu tư. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu của các ngành công nghệ cao là yếu tố then chốt.
Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ và tăng cường các chính sách ưu đãi có chọn lọc, tập trung vào các ngành công nghiệp có giá trị cao và bền vững" - bà Hương khuyến nghị.
Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất nhưng không phải là duy nhất
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2025 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, thảo luận về nhiều nội dung quan trọng, Thủ tướng nêu rõ, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, nhưng không phải là duy nhất; đồng thời đây cũng là cơ hội để cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nhanh, bền vững, xanh hóa, số hóa, dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; cơ cấu lại thị trường xuất khẩu, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng các mặt hàng để xâm nhập vào các thị trường khác còn nhiều tiềm năng, như Trung Đông, Đông Âu, Trung Á, Mỹ La tinh, Ấn Độ, ASEAN… Ngay sau khi Hoa Kỳ công bố chính sách thuế đối ứng, trong sáng 3/4, Chính phủ đã họp và báo cáo Bộ Chính trị tổng thể tình hình và các giải pháp ứng phó, trong đó chú trọng giao thiệp với phía Mỹ, đề nghị tạm thời chưa áp thuế đối ứng để đàm phán cụ thể. Ngày 5/4, Thường trực Chính phủ tiếp tục họp với các cơ quan liên quan để thực hiện kết luận của Bộ Chính trị và cuộc điện đàm của Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Donald Trump. |