Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển, TP Hà Nội đang nỗ lực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư;… đồng thời, kiến nghị với Chính phủ cho phép ban hành những chính sách đặc thù phù hợp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn.
Doanh nghiệp thay đổi tư duy về quản trị sản xuất
Ngoài những nguyên nhân chủ quan từ phía doanh nghiệp thì yếu tố khách quan khiến ngành Công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển là do cơ chế, chính sách, mục tiêu phát triển chưa rõ ràng, chưa có trọng tâm, trọng điểm,… Điều này đã kìm hãm sự tăng trưởng của ngành này ở Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung. Để ngành Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội đủ sức tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, thời gian qua, Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp theo hướng sát thực tế hơn, đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư,…
Một nỗ lực lớn của Hà Nội trong năm nay là mặc dù chịu ảnh hưởng nhiều bởi đại dịch Covid 19, nhưng Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức thành công Hội chợ Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội năm. Gần 190 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, 20 nhà mua lớn với 230 gian hàng tham gia theo cả hai hình thức: offline tại hội trường và online – giao thương trực tuyến.
Hội chợ được tổ chức nhằm giúp các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Hà Nội nói riêng và các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam nói chung nâng cao năng lực, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu trong sản xuất linh kiện, phụ tùng, bao gồm ba ngành: linh kiện điện – điện tử, linh kiện lắp ráp ô-tô, xe máy, xe cơ giới và linh kiện cơ khí chế tạo; công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho ngành dệt may, da giày và công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho các ngành công nghiệp công nghệ cao,…
Gần đây, Sở Công Thương Hà Nội cũng phối hợp với Công ty NC-Network Việt Nam tổ chức các chương trình đào tạo, kết nối giao thương cho các doanh nghiệp CNHT. Theo đánh giá của các doanh nghiệp tham gia chương trình, ngoài việc ký kết được thêm các hợp đồng xuất khẩu, tìm kiếm được khách hàng mới, các chương trình hỗ trợ đã giúp doanh nghiệp thay đổi tư duy về quản trị sản xuất, học hỏi công nghiệp tiên tiến và biết được sản phẩm mới trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, tạo dựng được thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam tại đất nước bạn, lập cơ sở và nền móng ổn định cho việc phát triển sản xuất, xuất khẩu.
… đồng thời cũng cần chính sách kịp thời, đồng bộ
Thực tế, đã có hàng trăm doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội được thụ hưởng các dịch vụ trợ giúp khi tham gia Chương trình về phát triển công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, số doanh nghiệp chưa nhận được các trợ giúp trực tiếp từ thành phố còn rất lớn.
Có thể thấy, chính sách hiện hành cho phát triển công nghiệp hỗ trợ mới chỉ tập trung hỗ trợ tiền thuê đất, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, hướng dẫn doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn,… Những quy định tạo sự gắn kết giữa doanh nghiệp và cơ quan nhà nước còn thiếu. Ngoài ra, dù chính sách về đất đai đã cởi mở, thông thoáng hơn nhưng thủ tục hành chính còn phức tạp, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Ông Bùi Văn Chí – Giám đốc đại diện Công ty Cổ phần Kỹ thuật Temas cho hay: “Khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam trong việc phát triển ngành Công nghiệp hỗ trợ thì rất nhiều. Trong đó, phải kể đến việc thiếu chủ trương, chính sách cụ thể cho việc phát triển ngành Công nghiệp hỗ trợ của nhà nước đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trách nhiệm hữu hạn. Mặt khác, doanh nghiệp Việt cũng thiếu nhiều thông tin về thị trường, đối tác, đặc biệt là thiếu vốn để đầu tư trang thiết bị phục vụ cho phát triển từ ý tưởng đến sản xuất”.
Cũng tâm huyết với việc hỗ trợ cho doanh nghiệp CNHT, ông Đàm Tiến Thắng – Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội nhận định: Nghị định 111/2015/NĐ-CP ngày 3-11-2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ và Thông tư số 55/2015/TT-BCT ngày 30-12-2015 của Bộ Công Thương, trong đó nêu rõ những điểm mới, những lĩnh vực được ưu tiên, hỗ trợ đối với các dự án đầu tư mới, mở rộng sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, đã tạo ra nhiều thuận lợi mới cho phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Hà Nội. Tuy nhiên, do các văn bản chỉ đạo tiếp theo của Chính phủ sau Nghị định 111 về quy chế quản lý và thực hiện chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ chậm được ban hành; hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định 111 chưa đồng bộ, hoàn chỉnh đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai chung cho các chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ tại địa phương.
Ông Đàm Tiến Thắng cho biết thêm, vấn đề doanh nghiệp CNHT cần nhất hiện nay chính là sự minh bạch trong chính sách.
Một chính sách đủ minh bạch, thông suốt và không còn cơ chế “xin – cho” mới là đòn bẩy giúp cho sự phát triển của doanh nghiệp CNHT. Bên cạnh đó, các DN cũng cần chủ động đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh, tìm hướng tiếp cận các doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia để tìm hiểu yêu cầu của đối tác và “đầu ra” cho sản phẩm. UBND thành phố sẽ tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp trong đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất; kết nối doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp nước ngoài; thu hút, kêu gọi doanh nghiệp quốc tế đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong việc quản lý, quản trị, phát triển nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ. Đồng thời, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư để tạo điều kiện phát triển cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.
Hữu Cao