Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Hoàng Tùng |
Tham dự hội nghị, về phía Sở Công Thương TP. Hà Nội có ông Nguyễn Đình Thắng - Phó Giám đốc Sở, ông Vương Đình Thanh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển công nghiệp, ông Nguyễn Linh - Phó Trưởng phòng Quản lí công nghiệp. Bên cạnh đó, Hội nghị còn có tham dự của ông Nguyễn Đức Minh - Phó chủ tịch Hội các doanh nghiệp chủ lực TP.Hà Nội (HAMI) cùng đại diện các cơ quan, ban ngành, các hội, hiệp hội ngành nghề, các viện nghiên cứu, trường đại học và hơn 50 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Vương Đình Thanh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển công nghiệp Sở Công Thương Hà Nội nêu rõ, công nghiệp chủ lực đóng vai trò quan trọng trong phát triển công nghiệp thành phố, là động lực tạo ra giá trị, giúp tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp chính và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa quốc gia.
Ông Vương Đình Thanh chủ trì và điều hành Hội nghị. Ảnh: Hoàng Tùng |
Tính đến nay, trên địa bàn thành phố có 289 sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố thuộc các nhóm ngành công nghiệp cơ khí, chế tạo; điện, điện tử; công nghệ thông tin; dệt may, da giày; công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm; công nghiệp hóa chất, cao su, nhựa, dược phẩm; công nghiệp vật liệu xây dựng; thủ công mỹ nghệ.
Theo thống kê gần đây, Hà Nội là một trong 5 thành phố có lượng cung ứng lao động lớn nhất cả nước, được nhận định có tiềm năng lớn để phát triển và thu hút đầu tư, thúc đẩy hợp tác phát triển các lĩnh vực công nghệ cao: như trí tuệ nhân tạo, công nghệ bán dẫn, công nghệ tiết kiệm năng lượng, công nghệ xanh,…
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng được đánh giá là thành phố có nguồn nhân lực chất lượng cao, với gần 37% lao động có trình độ và tay nghề, trong đó, lượng lao động trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp chiếm đa số. Nguồn nhân lực chất lượng cao của Hà Nội chiếm 30% nguồn nhân lực chất lượng cao của cả nước. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn Thành phố có khoảng 300 cơ sở đào tạo nghề. Trung bình hàng năm, Thành phố đào tạo mới hơn 140.000 lao động.
Ngoài ra, Thành phố Hà Nội đã công nhận 105 doanh nghiệp có sản phẩm đạt sản phẩm công nghiệp chủ lực Thành phố, sử dụng khoảng 100.000 lao động. Các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực đang chịu áp lực trong việc thu hút nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhu cầu nhân sự các cấp cho các vị trí công nghệ thông tin, chuyển đổi số vẫn tiếp tục tăng cao, đặc biệt là các vị trí phát triển ứng dụng, phát triển công nghệ, quản trị chuyển đổi, quản trị và phân tích dữ liệu, marketing và kinh doanh trên nền tảng số.
Nguồn nhân lực là một nhân tố quan trọng quyết định đến tăng trưởng kinh tế bên cạnh yếu tố vốn, tài nguyên và công nghệ. Nhân lực ở đây chính là kiến thức và các kỹ năng mà người lao động có được thông qua giáo dục, đào tạo và kinh nghiệm. Với ý nghĩa đó, Thành phố Hà Nội xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm quan trọng, là khâu đột phá chiến lược, để Thủ đô thực hiện thành công công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phát triển toàn diện, nhanh và bền vững, hội nhập kinh tế quốc tế.
Vì vậy, ông Vương Đình Thanh cho biết, với mục đích kết nối các trường Đại học, trường đào tạo nghề trên địa bàn thành phố và doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực, Sở Công Thương Hà Nội tổ chức Hội nghị “kết nối giữa các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực với các cơ sở đào tạo, dạy nghề trong nước nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao”.
Hội nghị là dịp để các nhà lãnh đạo, quản lý các trường đại học, trường đào tạo nghề và các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực gặp gỡ, trao đổi, liên kết hợp tác trong đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển trong tình hình mới. Ảnh: Hoàng Tùng |
“Tôi hy vọng, Thông qua Hội nghị các doanh nghiệp có thể đặt hàng với các trường đại học, trường đào tạo nghề về nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng kịp thời xu hướng chuyển đổi số trong tình hình hiện nay” - Ông Vương Đình Thanh nêu rõ.
Đóng góp ý kiến về phát triển nguồn nhân lực, ông Nguyễn Đức Minh - Phó Chủ tịch Hội HAMI đã đưa ra khuyến nghị về tư duy tổng thể và năng lực chuyên sâu để đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Ông khẳng định các trường đại học, trường dạy nghề cần đào tạo cho sinh viên những kĩ năng mềm như khả năng tự học, thực hành nghề, kỹ năng chuyên sâu, ứng dụng kiến thức trong giải quyết công việc (làm việc nhóm, quản lý thời gian, định hướng phát triển),...
Ông Nguyễn Đức Minh chia sẻ tại hội nghị. Ảnh: Hoàng Tùng |
Còn theo PGS. TS. Nguyễn Tiến Đông, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lý Thái Tổ, nhân lực có tay nghề cao cần đáp ứng toàn diện về năng lực vị trí việc làm mà doanh nghiệp yêu cầu, là sự hòa quyện giữa kiến thức nền tảng và khả năng thực hành chuyên môn, đáp ứng linh hoạt với quá trình thay đổi liên tục trong bối cảnh hiện nay của các doanh nghiệp chủ lực thuộc các lĩnh vực công nghiệp.
Vì vậy, ông Đông đề xuất doanh nghiệp cần tham gia vào quá trình xây dựng chuẩn năng lực, khung chương trình, và đào tạo giảng viên nội bộ, tạo ra một hệ sinh thái đào tạo bền vững và hiệu quả. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần một Ban tư vấn bao gồm các chuyên gia hiểu về giáo dục, giáo dục nghề nghiệp và đào tạo doanh nghiệp để đồng hành cùng với nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực.
“Phải phát huy vai trò của các doanh nghiệp chủ lực dẫn dắt để xây dựng và chuẩn hóa năng lực, tham gia chuỗi giá trị trong đào tạo nhằm tạo ra nhân lực có tay nghề cao” - PGS.TS. Nguyễn Tiến Đông chia sẻ. Ảnh: Hoàng Tùng |
Cũng tại hội nghị, đại diện Công ty Cổ phần Bánh mứt kẹo Bảo Minh cũng đã có những chia sẻ thẳng thắn về nguồn nhân lực thế hệ Gen Z. Theo ông, thế hệ Gen Z ngày nay đang thiếu sự tập trung và hay chểnh mảng trong công việc. Ông cũng nhấn mạnh, trong doanh nghiệp, phải biết kiến tạo con người tốt trước khi muốn kiến tạo sản phẩm tốt. Sản phẩm hư hỏng còn có thể sửa đổi trong chốc lát, nhưng để thay đổi được con người thì phải mất cả một quá trình.
Với các bài tham luận đến từ các trường đại học và các doanh nghiệp đã mang lại cho Hội nghị một cái nhìn tổng quan và những ý kiến đóng góp thiết thực về thực tế nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao trong các ngành công nghiệp chủ lực của hội nghị.
Trong khuôn khổ hội nghị đã diễn ra lễ ký các biên bản thỏa thuận hợp tác giữa các đơn vị.
Hội HAMI ký kết hợp tác với Trường Cao đẳng điện tử - Điện lạnh Hà Nội. Ảnh: Hoàng Tùng |
Trường Đại học Công nghệ Đông Á ký kết hợp tác với Công ty CP Quốc tế Sơn Hà. Ảnh: Hoàng Tùng |
Hoàng Tùng