Vi phạm hành chính trong hoạt động kinh doanh, sử dụng mật mã dân sự có thể bị phạt tới 200 triệu đồng |
Bộ Quốc phòng cho biết, Luật An toàn thông tin mạng được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 10 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016.
Để triển khai thực hiện Luật, Chính phủ ban hành Nghị định số 58/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 quy định chi tiết về kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự và xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự, Nghị định số 53/2018/NĐ-CP ngày 16/4/2018 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 58/2016/NĐ-CP và Nghị định số 32/2023/NĐ-CP ngày 09/6/2023 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 53/2018/NĐ-CP.
Qua 08 năm thực hiện, Nghị định số 58/2016/NĐ-CP đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp tổ chức hoạt động kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự, xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự; tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực mật mã dân sự.
Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng cho rằng cần phải ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 58/2016/NĐ-CP để đáp ứng yêu cầu triển khai nhiệm vụ được giao tại Luật An toàn thông tin mạng; đồng bộ, phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020; thực hiện có hiệu quả việc cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; đẩy mạnh hơn nữa công tác quản lý chất lượng, đánh giá sự phù hợp sản phẩm mật mã dân sự; tổ chức thực thi phương án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính.
Đồng thời, cần ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 58/2016/NĐ-CP nhằm phù hợp với thực tiễn hoạt động kinh doanh sản phẩm mật mã dân sự hiện nay, đảm bảo quản lý chặt chẽ và thống nhất về chất lượng sản phẩm mật mã dân sự đang được kinh doanh và sử dụng tại Việt Nam.
Do vậy, Bộ Quốc phòng đã xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật An toàn thông tin mạng về mật mã dân sự, thay thế Nghị định số 58/2016/NĐ-CP.
Sửa quy định xử phạt VPHC về mật mã dân sự đảm bảo đồng bộ với Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020
Một trong những nội dung quan trọng của dự thảo là quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động kinh doanh, sử dụng mật mã dân sự.
Dự thảo đề xuất quy định cụ thể về hành vi vi phạm hành chính, đối tượng bị xử phạt, thời hiệu xử phạt, mức phạt tiền tối đa và thẩm quyền xử phạt đối với tổ chức, cá nhân, các hình thức xử phạt, các biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực mật mã dân sự.
Theo đó, hình thức xử phạt chính gồm phạt cảnh cáo và phạt tiền. Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực mật mã dân sự là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức.
Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung và áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả.
Dự thảo quy định cụ thể thẩm quyền xử phạt của Thanh tra viên Cơ yếu, Chánh Thanh tra Cơ yếu thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành, Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Công an nhân dân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, Quản lý thị trường.
Ngoài ra, dự thảo cũng quy định về thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực mật mã dân sự.
Bộ Quốc phòng cho biết, so với các quy định của Nghị định số 58/2016/NĐ-CP hiện hành, dự thảo này đã bổ sung một điều quy định chung về xử phạt vi phạm hành chính nhằm làm rõ phạm vi, đối tượng xử phạt; quy định mức xử phạt, thẩm quyền xử phạt đồng bộ và phù hợp với quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020.
Bộ Quốc phòng đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Quốc phòng.