Phiên Cà phê công nghệ số 2 với chủ đề “Chuỗi cung ứng thông minh” đã diễn ra sáng ngày 21/1 tại không gian Sàn giao dịch Công nghệ Tự động hóa, đồng thời với hình thức trực tuyến. Đây là chương trình Cà phê công nghệ đầu tiên của năm 2022 do Hội Tự động hóa Việt Nam (VAA), Tạp chí Tự động hóa ngày, Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số phối hợp cùng các hiệp hội doanh nghiệp, Văn phòng các Chương trình Khoa học và Công nghệ, Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KHCN,… tổ chức.
Chuỗi cung ứng thông minh là chủ đề tiếp theo trong chuỗi chuyên đề “Chuyển đổi số trong sản xuất công nghiệp” được tổ chức vào ngày 25/12/2021. Lãnh đạo VAA; đại diện Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia; đại diện các tổ chức phối hợp; đông đảo doanh nghiệp cùng các đầu cầu Sở KH và CN thành phố HCM, Bắc Giang, Nghệ An; các Hội Tự động hóa Hải Phòng, TP.HCM, Đà Nẵng đã tham gia sự kiện.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Cẩm Tú, Phó Chủ tịch VAA cho rằng: “Doanh nghiệp sản xuất đã hoặc chưa sở hữu mạng lưới phân phối, bán lẻ đều quan tâm đến một lộ trình bắt buộc trong tương lai gần về chuyển đổi số toàn phần cho chuỗi cung ứng của mình. Các chuyên gia của chúng tôi sẽ cùng nhau chia sẻ kiến thức thực tế, bóc tách và hỗ trợ phần nào những vấn đề của quý doanh nghiệp”. Ông cũng kỳ vọng các doanh nghiệp, qua chủ đề Chuỗi cung ứng thông minh sẽ gặt hái được nhiều kiến thức hữu ích góp phần trong công cuộc chuyển đổi số toàn diện nói riêng và chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nói chung.
Kiến thức và kinh nghiệm vận hành chuỗi cung ứng thông minh
Dữ liệu đóng một vai trò rất quan trong trong việc quản trị chuỗi cung ứng. Trong thời gian vừa qua, khi thời điểm đại dịch Covid-19 bùng nổ, đã có rất nhiều doanh nghiệp nằm trong chuỗi cung ứng đã không thể trụ qua gây ra việc đứt gãy chuỗi cung ứng. Để các doanh nghiệp khắc phục điều này và chuẩn bị kịch bản cho những khó khăn trước mắt, với bài trình bày Quản trị chuỗi cung ứng, hoạch định mô hình vận hành trong tương lai, ông Nguyễn Trung Kiên – Giám đốc dự án Tổng công ty Bưu điện Việt Nam khẳng định việc nâng cao tính minh bạch qua tất cả các cấp của chuỗi cung ứng chính là điều kiện để đảm bảo sản xuất hàng hóa hoặc cung ứng hàng hóa liên tục.
Ông Nguyễn Trung Kiên đã nhấn mạnh 7 bước để truy xuất nguồn gốc nhằm xác định được các vấn đề về liên quan đến sản phẩm tại từng công đoạn chế biến, bao gồm: xác định chuỗi cung ứng; phạm vi truy xuất nội bộ, xác định vật phẩm xuất nhập; thiết lập hệ thống thông tin; ghi và quản lý nhãn; xác định phân công đơn vị quản lý; thông báo với các bên.
Qua các kiến thức, kinh nghiệm đã được ông Kiên chia sẻ qua những lợi thế và thành công mà Bưu điện Việt Nam đã đạt được trong quá trình triển khai chuỗi cung ứng. Trong thời gian qua, chuỗi cung ứng nông sản và hệ sinh thái sàn Postmart.vn ngày càng được đầu tư hoàn thiện. Hệ thống của Vietnam Post được mở rộng khắp đến tận xã và có thể thực hiện việc xác thực, thu thập và xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ hệ thống truy xuất nguồn gốc. Từ đó, để tiếp tục thúc đẩy tiêu thụ, xuất nhập khẩu thông qua chuỗi cung ứng và Logistics, đại diện Bưu điện Việt Nam đề xuất mong muốn hợp tác với Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Công Thương trong việc đẩy mạnh quá trình tiêu thụ hàng hóa trên sàn thương mại điện tử và hợp tác xuất khẩu ra thị trường quốc tế.
Trong bài Chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn từ khi áp dụng giải pháp chuỗi cung ứng thông minh để phát triển doanh nghiệp, ông Nguyễn Anh Đức, Trưởng phòng Thương mại điện tử, Ban chuyển đổi số công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông cho rằng việc chuyển đổi số khâu đầu ra, chuyển đổi mô hình kinh doanh chính là một trong ba vấn đề trọng tâm trong quá trình chuyển đổi số của mỗi doanh nghiệp. Công ty Rạng Đông xác định phát triển mô hình lai với việc làm mới mô hình kinh doanh truyền thống bằng công nghệ số; ứng dụng nền tảng số để phát triển mô hình kinh doanh mới; tham gia vào các hệ sinh thái kinh doanh mở; thúc đẩy thương mại điện tử và truyền thông kỹ thuật số.
Nhằm trang bị cho các doanh nghiệp những giải pháp cho chuỗi cung ứng thông minh, bà Bùi Ngọc Tú Thanh – CEO IPI TECHNOLOGY SOLUTIONS JSC đã đưa ra một số phần mềm, ứng dụng tương ứng với 3 giai đoạn. Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ chỉ vận hành giấy tờ, phần mềm cơ bản, đại diện IPI gợi ý những phương pháp ứng dụng đơn giản như Exel, Google Drive, Trello, Ecom, POS, OMS,… Ở cấp độ cao hơn, các phần mềm có thể quản trị toàn bộ chuỗi cung ứng với mô hình mới có thể kể đến như: nRMS, WMS, HRMS, TMS. Giai đoạn 3 là phần dữ liệu tích hơp với các hệ thống quản trị sản xuất lớn (ERP, MES, nMRS) có thể tối ưu chi phí vận hành sản xuất.
Để xem lại nội dung Hội thảo chuyên đề “Chuỗi cung ứng thông minh”, quí vị truy cập Fanpage của Tạp chí Tự động hóa ngày nay.
Nhóm PV