Phát triển bền vững trở thành xu thế bao trùm trên thế giới với kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh đang là mô hình được nhiều quốc gia lựa chọn. Kinh tế tuần hoàn được xem là xu thế tất yếu của thời đại, có sự đồng thuận toàn cầu và được các nước trên thế giới coi là cuộc cách mạng công nghiệp xanh của thế kỷ XXI, là cơ hội để cộng đồng toàn cầu chung tay thực hiện cam kết quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, nhằm mục tiêu phát triển bền vững.
Ngày 24/5/2024, Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn (ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) đã tổ chức Hội thảo “Tiềm năng phát triển kinh tế tuần hoàn tại Thành phố Hồ Chí Minh – Lựa chọn lĩnh vực ưu tiên và giải pháp trọng tâm”.
Vấn đề ô nhiễm môi trường, cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên luôn là mối quan tâm, lo ngại của nhiều quốc gia. Môi trường bị tổn thương làm cho cuộc sống của con người bị ảnh hưởng nặng nề, hoạt động sản xuất trở nên kém hiệu quả. Chính vì thế, mỗi quốc gia cần phải đề ra biện pháp để giải quyết những khó khăn, thách thức, thể hiện trách nhiệm của quốc gia đối với sự sống của môi trường. Áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thay cho mô hình kinh tế tuyến tính là giải pháp hữu hiệu nhất hiện nay và được rất nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng.
Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Bình An – Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: ‘Thành phố Hồ Chí Minh là một trong 10 thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu. Hiện bay, trên địa bàn Thành phố có nhiều nguồn tài nguyên có thể khai thác thành nguồn năng lượng nhưng chúng ta chưa khai thác có hiệu quả. Cụ thể, thành phố có khoảng 14.210 hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất 358,38MWp. Tiềm năng lắp đặt các hệ thống điện mặt trời mái nhà đạt khoảng 5.081MWp nhưng hiện chỉ chiếm 7% công suất trung bình toàn hệ thống điện. Điều này cho thấy Thành phố chưa khai thác đúng tiềm năng”.
“Bên cạnh đó là lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trung bình 9.700-10.000 tấn/ngày. Thành phố có nhiều lợi thế, tiềm năng trong phát triển nguồn năng lượng điện từ rác thải sinh hoạt nếu năm dự án chuyển đổi công nghệ xử lý rác bằng công nghệ chôn lấp sang đốt phát điện vận hành. Thế nhưng, hiện các dự án đều chậm so với kế hoạch. Ngoài ra, Thành phố Hồ Chí Minh có bờ biển dài 23km, tốc độ gió tại huyện Cần Giờ khoảng 6-7m/s, tiềm năng phát triển năng lượng gió ngoài khơi rất lớn, nhưng hiện Thành phố chỉ có hai đề xuất dự án điện gió tại vùng biển ngoài khơi huyện Cần Giờ với công suất 1.000MW và 6.000MWW”, ông Phạm Bình An cho biết thêm.
Kinh tế tuần hoàn là xu thế tất yếu của thế giới. Khi môi trường sống toàn cầu đang bị đe dọa, cả thế giới phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn. Mỗi quốc gia phải có trách nhiệm đề ra các giải pháp để giải quyết vấn đề vừa tiết kiệm được nguồn nhiên liệu, đảm bảo các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo ra giá trị kinh tế cao, vừa bảo vệ môi trường.
Ông Nguyễn Hồng Quân – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn chia sẻ: “Kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế hướng tới sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, tái chế chất thải, góp phần bảo vệ môi trường, đem lại hiệu quả kinh tế. Kinh tế tuần hoàn được xem là xu thế tất yếu của thời đại, có sự đồng thuận toàn cầu và được các nước trên thế giới coi là cuộc cách mạng công nghiệp xanh của thế kỷ XXI, là cơ hội để cộng đồng toàn cầu chung tay thực hiện cam kết quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, nhằm mục tiêu phát triển bền vững”.
“Đối với xã hội, kinh tế tuần hoàn giúp giảm chi phí quản lí xã hội cũng như tạo ra thị trường mới, việc làm mới cho người dân. Vì quy trình xử lí chất thải để tái chế cần nhân lực giỏi và công nghệ cao nên nó có tiềm năng biến thành một ngành mới, tạo ra việc làm mới và nâng cao mức sống cho con người, góp phần tăng trưởng kinh tế”, ông Nguyễn Hồng Quân chia sẻ thêm.
Có thể thấy rằng, mô hình kinh tế tuần hoàn là một trong những giải pháp đột phá để giải quyết mối quan hệ giữa kinh tế và môi trường trong bối cảnh nguồn nguyên, nhiên liệu đang khan hiếm, đứt gãy, cạn kiệt hiện nay. Đồng thời, kinh tế tuần hoàn là một trong những giải pháp đột phá để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.
Phát triển kinh tế tuần hoàn không phải trong một thời gian ngắn là có thể làm được, đây là một quá trình lâu dài, cần sự cố gắng, nỗ lực, sự đồng lòng của toàn dân trong các lĩnh vực khác nhau, không chỉ riêng lĩnh vực môi trường. Mỗi người dân, mỗi cơ sở sản xuất, tổ chức và doanh nghiệp cần phải ý thức được tầm quan trọng của môi trường đối với cuộc sống của mình, thực hiện tốt việc phát triển kinh tế tuần hoàn. Đồng thời, để mô hình kinh tế này diễn ra phổ biến, rộng rãi, đạt hiệu quả cao, Việt Nam cần hoàn hiện hành lang pháp lí vững chắc, toàn diện.
Đạm Lê Quang