Vừa hết quý III, loạt ngân hàng lên lịch triệu tập đại hội cổ đông bất thường Ngân hàng hé lộ kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2024 Lợi nhuận ngân hàng 9 tháng đầu năm 2024 phân hoá mạnh |
Hàng loạt ngân hàng tư nhân lợi nhuận bứt phá, vượt kế hoạch kinh doanh
Năm 2024, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank - Mã: TCB) công bố kết quả kinh doanh với lợi nhuận trước thuế đạt 27.538 tỷ đồng, tăng 20% và là mức cao kỷ lục. Lợi nhuận sau thuế ở mức 21.760 tỷ đồng, tăng 19,6% so với năm trước, vượt kế hoạch được đại hội đồng cổ đông thông qua (27.100 tỷ đồng).
Tính đến 31/12/2024, tổng tài sản của Techcombank đạt 978.800 tỷ đồng, tăng 15,2% so với đầu năm. Tín dụng tăng trưởng 20,85% lên mức 640.700 tỷ đồng trong hạn mức được NHNN phê duyệt. Số dư tiền gửi của khách hàng đạt 565.100 tỷ đồng, tăng 24,3% so với đầu năm. Số dư CASA của ngân hàng tiếp tục xác lập kỷ lục mới, ghi nhận gần 231.000 tỷ đồng, đưa tỷ lệ CASA của Techcombank lên ngưỡng 40,9%.
Đặc biệt, trong năm 2024, lần đầu tiên Ngân hàng Lộc Phát Việt Nam (LPBank - mã: LPB) bước chân vào "Câu lạc bộ 10.000 tỷ đồng" với lợi nhuận trước thuế 12.168 tỷ đồng, thực hiện được 116% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 9.700 tỷ đồng, tăng 74,5% so với cùng kỳ năm trước. Động lực tăng trưởng lợi nhuận chủ yếu đến từ thu nhập lãi thuần tăng 37,4% và nguồn thu nhập khác tăng 170%.
Cũng không kém cạnh, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, mã: SSB) công bố lãi vượt kế hoạch năm 2024. Cụ thể, ngân hàng đạt 6.039 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng 31% so với năm 2023 và hoàn thành 103% kế hoạch. Quy mô tổng tài sản tính đến 31/12/2024 đạt 325.699 tỷ đồng, tăng 22% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ tín dụng đạt 209.355 tỷ đồng, tỷ lệ tăng trưởng đạt 20,4%.
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất trong năm 2024 đạt hơn 20.000 tỷ đồng, tăng 85% so với cùng kỳ. Tính riêng quý 4, lợi nhuận hợp nhất của VPBank đạt hơn 6.100 tỷ đồng, tăng gấp 2,4 lần so với cùng kỳ.
Trước đó, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - mã: STB) cũng đã công bố kết quả kinh doanh với lợi nhuận trước thuế quý IV/2024 ước đạt hơn 4.600 tỷ đồng, tăng 68% so với cùng kỳ và cả năm 2024 ước đạt trên 12.700 tỷ đồng, mức cao nhất từ trước đến nay và vượt chỉ tiêu ĐHĐCĐ giao.
Các ngân hàng như TPBank (mã: TPB) báo lãi trước thuế cán mốc gần 7.600 tỷ đồng, tăng 36% so với năm 2023 và vượt kế hoạch đề ra tại đại hội đồng cổ đông. Tương tự, Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank - mã: NAB) báo lãi trước thuế cán mốc gần 7.600 tỷ đồng, tăng 36% so với năm 2023 và vượt kế hoạch đề ra tại đại hội đồng cổ đông.
Ngân hàng TMCP Quân đội (MB – mã: MBB) cũng ghi nhận kết quả tích cực với lợi nhuận trước thuế ngân hàng mẹ đạt 27.600 tỷ đồng, tăng 12% so với năm trước; lợi nhuận hợp nhất đạt 28.800 tỷ, tăng gần 10%. Tín dụng tăng 25% đạt 766.000 tỷ, huy động tăng 19% đạt 800.000 tỷ.
Kết thúc năm 2024, ngân hàng MSB ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt trên 6.903 tỷ đồng, tăng 18,42% so với năm 2023, hoàn thành kế hoạch cam kết với cổ đông. Ngân hàng SHB cũng ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 11.543 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2023 và vượt kế hoạch ĐHĐCĐ thông qua. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 21,4%, duy trì hiệu quả sinh lời nhóm đầu ngành.
Ngân hàng quy mô nhỏ ghi nhận kết quả ấn tượng
Một ngân hàng quy mô nhỏ như TMCP Bản Việt (BVBank – Mã: BVB) cũng báo lãi trước thuế năm 2024 đạt gần 391 tỷ đồng, gấp 5,4 lần so với năm 2023, vượt xa so với con số lãi trước thuế 200 tỷ đồng được ĐHĐCĐ đề ra cho cả năm 2024.
Đặc biệt, Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) hoàn thành vượt mức tất cả mục tiêu 2024, hoạt động kinh doanh tăng trưởng tích cực. Trong đó, mức tăng trưởng lợi nhuận tăng 195%, đạt mức 350 tỷ đồng. Tổng tài sản tính đến 31/12/2024 đạt 118.562 tỷ đồng, tăng 23% so với 2023 và vượt 12% so với kế hoạch. Tổng dư nợ cho vay khách hàng đạt 71.175 tỷ đồng, tổng huy động vốn thị trường 1 đạt 100.491 tỷ đồng, vượt lần lượt 10,6% và 16,8% so với kế hoạch.
Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - Mã: EIB) ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 4.188 tỷ đồng, tăng 54% so với năm 2023. Trong đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 110,1% so với năm 2023, đạt 1.080 tỷ đồng; lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng 38,7%, đạt 674 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank, mã: VAB) báo lãi trước thuế hợp nhất năm 2024 ở mức 1.085 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ. Tại Kienlongbank báo lãi trước thuế hợp nhất năm 2024 đạt 1.112 tỷ đồng, tăng 55% so với năm 2023. Riêng lợi nhuận quý IV/2024 là 351 tỷ đồng, cao gấp 4,4 lần cùng kỳ.
Hay tại Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank) ghi nhận lãi đột biến trong quý IV/2024 với lợi nhuận trước thuế đạt 76,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 4,6 tỷ đồng. Cả năm 2024, PGBank đạt lợi nhuận trước thuế 421 tỷ đồng, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm 2023.
Ngân hàng nào dẫn đầu lợi nhuận năm 2024?
Theo thống kê từ người viết, có khoảng 12 ngân hàng ghi nhận lợi nhuận năm 2024 vượt mốc 10.000 tỷ đồng, với các tên tuổi lớn như Vietcombank, BIDV, Agribank, Techcombank, MB, ACB, VPBank, HDBank, LPBank,...
Trong đó, Vietcombank tiếp tục lập kỷ lục mới về lợi nhuận trong năm 2024, ước vượt mức kế hoạch 42.000 tỷ đồng và giữ vị trí dẫn đầu nhóm big4 và toàn ngành.
Năm 2024, Vietcombank đã kiểm soát chặt được chi phí và tỉ lệ nợ xấu thấp nhất ngành (0,97%), với tỉ lệ bao phủ nợ xấu đạt 223%. Ngoài ra, tăng trưởng tín dụng đạt 13,7%, tổng tài sản vượt mốc 2 triệu tỷ đồng, tăng 12,9%.
(*) Số liệu ước tính. |
Ngân hàng BIDV sẽ đứng vị trí thứ hai với lợi nhuận trước thuế riêng lẻ đạt 30.006 tỷ đồng (tương đương hơn 1,1 tỷ USD), tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước.
Agribank giữ vững phong độ với mức lợi nhuận 27.927 tỷ đồng, tăng 8% so với năm trước. Trong khi đó, VietinBank cho biết lợi nhuận trước thuế đã vượt kế hoạch đề ra, ở mức trên 26.300 tỷ đồng, tăng 8,7% so với năm ngoái.
Ở nhóm ngân hàng tư nhân, ngân hàng MB dẫn đầu khi ghi nhận lợi nhuận hợp nhất đạt hơn 28.800 tỷ, tăng gần 10%. Tiếp đến là Techcombank với 27.538 tỷ đồng lãi trước thuế, ngân hàng ACB đạt 21.006 tỷ đồng và VPBank đạt 20.012 tỷ đồng,...
Mặc dù đạt được kết quả kinh doanh tích cực, ngành ngân hàng vẫn phải đối mặt với không ít thách thức. Các nhóm phân tích từ các công ty chứng khoán cho rằng, việc tuân thủ các quy định của Basel III và yêu cầu tăng vốn tự có đang tạo áp lực lớn lên các ngân hàng. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh trong huy động vốn và kiểm soát rủi ro tín dụng cũng là những vấn đề đáng lo ngại.
Tuy nhiên, với chiến lược đẩy mạnh chuyển đổi số và mở rộng hoạt động tín dụng, các ngân hàng lớn được kỳ vọng sẽ tiếp tục giữ vững vị thế dẫn đầu. Năm 2025 dự báo sẽ là năm của những cuộc cạnh tranh khốc liệt hơn, khi các ngân hàng nhỏ nỗ lực vươn lên, còn các "ông lớn" tập trung củng cố vị trí trên thị trường.