Hội thảo “Phổ biến kiến thức về Sở hữu về trí tuệ cho các hội thành viên trong hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam” được Liên hiệp các Hội khoa học Kỹ thuật Việt Nam tổ chức sáng 6/10, tại Hà Nội.
•Các tổ chức KH và CN của Liên hiệp hội tích cực chuyển đổi mô hình hoạt động phát huy hiệu quả
•Liên hiệp các Hội KH và KT Việt Nam tôn vinh các nhà khoa học tiêu biểu năm 2022
PGS.TS Phạm Ngọc Linh – Phó chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam đã khái quát quá trình hình thành luật Sở hữu trí tuệ ở Việt Nam. Trước đây đã có 2 pháp lệnh về Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp năm 1989 và pháp lệnh Quyền bảo vệ tác giả năm 1994. Đây là hai pháp lệnh rất quan trọng, liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, trong khoa học công nghệ, trong sáng tác văn học nghệ thuật,…
Từ sau Đại hội VI của Đảng, năm 1986 chúng ta thực hiện công cuộc đổi mới và dần chuyển nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, đòi hỏi phải có thích ứng với những phát minh, sáng chế, các công trình nghiên cứu cũng như sự thừa nhận chung của xã hội.
Trước đây, sau khi đất nước giải phóng bước vào công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội, có những phong trào thi đua liên quan đến phát huy các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật chính là những vấn đề về trí tuệ, sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên đó mới chỉ là động viên, khích lệ trong các phong trào thi đua yêu nước.
Sau này đất nước bước vào nền kinh tế thị trường bắt buộc phải chuyển hóa thành tài sản và đây là một trong những loại tài sản hết sức đặc biệt. Từ đó, dần định hình các khái niệm và chuyển hóa từ những pháp lệnh. Năm 2005, lần đầu tiên Quốc hội thông qua luật liên quan đến bảo vệ và về sở hữu trí tuệ, từ đó đến nay liên tục có những sửa đổi, bổ sung năm 2009, năm 2019 và gần đây năm 2022, chúng ta có luật gọi là Sở hữu trí tuệ, và được gọi là Luật tích hợp bắt đầu thực hiện có giá trị từ ngày 1/1/2023. Quá trình thay đổi này giúp các quy định được thống nhất, đồng bộ và minh bạch nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến một tài sản hết sức đặc biệt là tài sản trí tuệ.
Tiếp nối về những nội dung liên quan đến Sáng chế và Kiểu dáng công nghiệp, ông Đào Anh Dũng – Phó giám đốc Trung tâm thẩm định kiểu dáng công nghiệp, Cục Sở hữu trí tuệ cho ví dụ: một đề tài, đề án tạo ra chiếc đồng hồ vậy đề án đó được bảo hộ về sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, quyền tác giả và nhãn hiệu.
Chúng ta bàn đến đăng ký Sáng chế và Kiểu dáng công nghiệp, vậy điểm khác nhau giữa 2 đối tượng đó là: Sáng chế bảo hộ các dấu hiệu kỹ thuật hoặc cách thức làm việc hay cái lõi còn bảo hộ Kiểu dáng công nghiệp chính là hình dáng bên ngoài.
Ông Đào Anh Dũng cũng nêu lên khái niệm, Sáng chế phải là giải pháp kỹ thuật thể hiện dưới 2 dạng sản phẩm và quy trình. Sáng chế phải giải quyết vấn đề cụ thể bằng ứng dụng quy luật tự nhiên.
Từ đó trả lời câu hỏi tại sao phải đăng ký sáng chế: về mặt xã hội giúp cuộc sống tiện nghi thuận lợi. Về mặt tài sản đối với tác giả sáng chế hoặc đồng tác giả sẽ được trả thù lao và sáng chế đó tồn tại trong suốt thời gian bảo hộ. Đối với chủ sở hữu, được cung cấp ngăn chặn người khác khai thác công nghệ sản phẩm mới đã được cấp bằng sáng chế, là cơ sở để chứng minh quyền sở hữu đối với sáng chế giúp đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu sáng tạo, tăng lợi thế cạnh tranh do vậy khi chủ sở hữu đăng ký sáng chế là vừa tự bảo vệ, vừa tạo ra rào cản cạnh tranh. Tuy nhiên khi lạm dụng sáng chế sẽ gây bất lợi cho xã hội như độc quyền, tăng giá nên cần có điểm để cân bằng lợi ích trong bảo hộ sáng chế.
Còn theo Ths. Nguyễn Hữu Giới – Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam, với bất cứ sản phẩm mới nào thu hút khách hàng sẽ bị đối thủ cạnh tranh sản xuất các sản phẩm giống hoặc tương tự. Trong nhiều trường hợp, đối thủ cạnh tranh có tiềm lực tài chính mạnh, có mối quan hệ tốt hơn với các nhà phân phối, hoặc có nguồn nguyên liệu giá rẻ,… họ có thể sản xuất một sản phẩm tương tự hoặc giống hệt với giá rẻ hơn, tạo áp lực cạnh tranh nặng nề lên nhà sáng tạo ra sản phẩm hoặc dịch vụ nguyên gốc.
Điều này sẽ đẩy nhà sáng tạo gốc ra khỏi thị trường và bất lợi cho nhà sáng tạo gốc. Đây là lý do để các doanh nghiệp phải sử dụng hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ để bảo vệ sản phẩm trí tuệ của mình. Khi đó, tác giả sẽ được độc quyền sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, các tác phẩm văn học nghệ thuật và các tài sản vô hình khác,… mà họ sáng tạo ra. Pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ sẽ hạn chế phạm vi sao chép và bắt chước của đối thủ cạnh tranh một cách đáng kể.
Liên quan đến Bảo vệ quyền tác giả, ông Bùi Nguyên Hùng – nguyên Cục trưởng Cục bản quyền tác giả, Bộ VHTTDL, Chủ tịch Hiệp hội sáng tạo và Bản quyền tác giả Việt Nam chia sẻ một số điều khoản luật Sở hữu trí tuệ bao gồm: quyền tác giả, quyền liên quan; quyền tác giả, đồng tác giả; chủ sở hữu, đồng sở hữu; thời điểm phát sinh quyền; giới hạn và ngoại lệ; hành vi xâm phạm; biện pháp bảo vệ; đăng ký quyền tác giải, quyền liên quan; tổ chức đại diện tập thể, tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan.
Ở một khía cạnh khác, PGS.TS Bùi Thị An – Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng chia sẻ các tổ chức xã hội, nghề nghiệp thường có những sản phẩm gì để xác lập quyền sở hữu trí tuệ. Chúng ta có rất nhiều loại như: sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh, tên thương mại,… ngoài ra các tổ chức này còn có các ấn phẩm, các buổi ghi âm, ghi hình,… khi đi vào thị trường nếu không biết bảo vệ thì dễ bị mất, cho nên việc hướng dẫn để xác lập quyền sở hữu trí tuệ và quyền liên quan đến tác giả là vô cùng quan trọng.
PGS.TS Bùi Thị An cũng trăn trở khi các tổ chức xã hội nghề nghiệp làm sở hữu trí tuệ như nào? có được xác định bản quyền không? quyền lợi của đội ngũ trí thức trong sáng chế và bảo vệ bản quyền. Cục Sở hữu trí tuệ có định hướng sáng chế như thế nào để những sáng chế đó thực sự có ích cho sự phát triển của đất nước.
Nêu lên một số kiến nghị để phổ biến kiến thức về Sở hữu trí tuệ trong hệ thống Liên hiệp Hội, Ths Nguyễn Hữu Giới đề xuất. Một là, đề nghị các hội ngành toàn quốc và Liên hiệp Hội Việt Nam cần nâng cao nhận thức về quyền sở hữu trí tuệ trong hệ thống Hội và các hội viên. Hai là, Liên hiệp Hội Việt Nam và các hội thành viên cần đẩy mạnh hoạt động truyền thông và phổ biến ý thức về quyền sở hữu trí tuệ. Ba là, đề nghị các hội nghị toàn quốc (trong công tác nghiên cứu khoa học và thực hiện các đề án, đề tài, công trình khoa học… hoặc viết sách, viết các bài báo khoa học v.v….), cần cẩn trọng tuân thủ quyền sở hữu trí tuệ và bản quyền tác giả, để tránh vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ. Bốn là, đề nghị Liên hiệp Hội Việt Nam đăng một số bài viết nghiên cứu kinh nghiệm thực thi Luật Sở hữu trí tuệ và bản quyền tác giả để phổ biến kinh nghiệm hoạt động về phổ biến kiến thức, đây cũng là một cách để hội ngành toàn quốc và Liên hiệp Hội Việt Nam, cũng như các Hội các địa phương có thể trao đổi kinh nghiệm về vấn đề ở hữu trí tuệ và bảo vệ quyền tác giả.
Đỗ Phương