Sáng ngày 31/8, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHH) tổ chức Hội thảo “Truyền thông đại chúng với hoạt động của Liên hiệp hội Việt Nam”.
• Báo chí Liên hiệp hội góp sức ngăn chặn suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”
• Làm thế nào xây dựng thương hiệu mạnh cho báo chí Liên hiệp hội Việt Nam
Với sự tham gia của đại diện lãnh đạo Liên hiệp hội, Ban Truyền thông và Phổ biến kiến thức (thuộc LHH) cùng lãnh đạo các cơ quan báo, tạp chí trong hệ thống báo chí của LHH, hội thảo nhằm thảo luận, tìm kiếm các giải pháp để truyền thông đại chúng có thể đồng hành, quảng bá các hoạt động của LHH đến với quần chúng nhân dân, nâng cao hiệu quả hoạt động của LHH trong bối cảnh hiện nay.
Hoạt động của LHH là “nguyên liệu” cho báo chí khai thác
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Phạm Ngọc Linh – Phó chủ tịch Liên hiệp hội Việt Nam nhấn mạnh: “Liên hiệp hội Việt Nam là số ít tổ chức trong cả nước quản lý hệ thống báo chí lớn với 70 cơ quan báo và tạp chí. Các cơ quan báo chí đa dạng về tôn chỉ mục đích, phong phú về nội dung. Tuy nhiên, đối với hoạt động của LHH, việc truyền thông chưa thực sự hiệu quả, chưa phát huy được thế manh vốn có, đồng thời còn có hiện tượng ‘con sâu làm rầu nồi canh’”. Do đó, PGS.TS Phạm Ngọc Linh cho rằng tại hội thảo này, các đại biểu cần tập trung thảo luận các nội dung: đánh giá đúng vị trí, uy tín LHH trong hệ thống chính trị; nguyên nhân nào khiến báo chí LHH còn có những hạn chế; báo chí LHH nói riêng và báo chí cả nước nói chung đang ở đâu và làm gì cho công tác truyền thông LHH; các giải pháp quan trọng nào để báo chí đồng hành, quảng bá hoạt động LHH đến quần chúng nhân dân.
Liên hiệp Hội Việt Nam hiện có hơn 4 triệu hội viên, trong đó có khoảng 2,2 triệu hội viên trí thức, chiếm gần 1/3 số trí thức trong cả nước. Đây là lực lượng quan trọng góp phần thực hiện nhiệm vụ tham mưu cho Đảng, Nhà nước trên các lĩnh vực; tư vấn phản biện trong quá trình xây dựng hoàn thiện các cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, nghiên cứu khoa học chuyển giao công nghệ mới;… Đây chính là thế mạnh, bản sắc của LHH và cũng là nguồn “nguyên liệu” cho báo chí tác nghiệp. Khi đã trở thành nguồn nguyên liệu hấp dẫn thì sức lan tỏa, “thương hiệu” của LHH sẽ ngày càng được lan rộng.
Nhấn mạnh việc LHH cần phải tạo được nguồn nguyên liệu hấp dẫn đó cho không chỉ các cơ quan báo chí trong hệ thống LHH, mà cả với các cơ quan báo chí ngoài hệ thống, TS, nhà báo Lê Nghiêm – Phó chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam cho rằng: “Giá trị của Liên hiệp hội Việt Nam chính là những hoạt động cụ thể từ tư vấn, phản biện chính sách. Phản biện là thứ Đảng cần, dân muốn”. Nhà báo Lê Nghiêm cũng cho rằng, không chỉ LHH chủ động tạo nguồn nguyên liệu, mà các cơ quan báo chí trong và ngoài hệ thống LHH cũng cần hợp tác cùng LHH tạo sự kiện để LHH là người đứng ra thực hiện nhiệm vụ của mình.
PGS.TS Phạm Bích San – Chuyên gia xã hội học cho rằng sở dĩ lâu nay LHH vẫn được xem là địa chỉ cho các cơ quan báo chí truyền thông khai thác là bởi đã hình thành được cách thức tư vấn, phản biện, giám định xã hội theo cách chuyên nghiệp hơn, hiện đại hơn, thẳng thắn, có căn cứ khoa học.
Tuy nhiên, thực tế nhìn nhận, so với tần suất các hoạt động, sự kiện của LHHVN thì mức độ xuất hiện trên truyền thông đại chúng của LHH vẫn chưa được như kỳ vọng. Quần chúng nhân dân vẫn chưa được tiếp cận, hiểu biết nhiều đến các giá trị mà LHH mang lại. Hạn chế này bắt nguồn từ hai phía. Ths. Lê Thanh Tùng – Trưởng Ban phổ biến kiến thức của LHHVN cho rằng các cơ quan báo chí trong hệ thống LHH cũng cần có trách nhiệm xây dựng ngôi nhà chung trên tinh thần “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”. LHH cũng cần có các giải pháp như tăng cường hơn nữa các hoạt động của mình tổ chức các giải thưởng báo chí dành cho khối báo chí của LHH,…
Xây dựng chiến lược truyền thông chất lượng, hiệu quả
Đóng góp ý kiến cho việc để truyền thông đại chúng góp phần lan tỏa các hoạt động của LHH, Nhà báo Nguyễn Thành Lợi – Tổng biên tập Báo kinh tế đô thị cho rằng hiện ngoài báo chí chính thống có các mạng xã hội (MXH) ranh giới giữa MXH và báo chí chính thống khó rạch ròi. Tuy nhiên, báo chí nên chậm lại một chút sau MXH để tập trung vào các bài chuyên sâu. Ví dụ tập trung làm báo chí dữ liệu, toàn cảnh về sự kiện,…; tăng cường các thông tin tích cực để lấn át thông tin tiêu cực; kết nối truyền tải đa kênh bao gồm cả MXH; nội dung thông điệp cần nhất quán từ cơ quan chủ quản, lãnh đạo cơ quan báo chí; tạo ra các diễn đàn, kênh thông tin để tạo nguyên liệu cho báo chí.
Cho rằng truyền thông có ảnh hưởng vô cùng lớn đến hình ảnh của bất kỳ tổ chức nào, do đó LHH cần xây dựng chiến dịch truyền thông bài bản dựa trên các hoạt động phản biện chính quy có thể có tác động sâu rộng đến xã hội. Hoạt động tư vấn, phản biện phải mang tính chất quần chúng hơn để báo chí có chuyện để nói.
Đồng quan điểm, PGS.TS Bùi Thị An – Tổng biên tập tạp chí Mẹ và Bé cho rằng LHH cần có một đề án nâng cao chất lượng hệ thống truyền thông của LHH để phục vụ sự phát triển bền vững của đất nước từ nay đến 2030.
Nhất trí với các ý kiến đóng góp từ phía các đại biểu, trong phần kết luận hội thảo, PGS. TS Phạm Ngọc Linh khẳng định trước hết LHH cần thể hiện được nét đặc trưng trong chức năng, nhiệm vụ của mình, đồng thời với đó, LHH sẽ xây dựng chiến lược truyền thông chất lượng, hiệu quả trên tinh thần minh bạch thông tin, có sự kết nối để xã hội biết nhiều hơn về LHH.
Trà Giang