Ngân hàng ACB vừa huy động thành công thêm 2.000 tỷ đồng trái phiếu
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) vừa có báo cáo gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) kết quả phát hành trái phiếu đợt 3, lần 2 năm 2024.
Cụ thể, ACB phát hành thành công lô trái phiếu mã ACBL2426010 trị giá 2.000 tỷ đồng vào ngày 25/9/2024, kỳ hạn 2 năm, đáo hạn vào năm 2026. Trái phiếu có mệnh giá 1 tỷ đồng, lãi suất 4,9%/năm.
Nguồn: HNX. |
Trước đó, ngày 9/9 qua, ngân hàng ACB cũng chào bán thành công lô trái phiếu mã ACBL2427009 trị giá 500 tỷ đồng có kỳ hạn 3 năm, tương ứng đáo hạn ngày 9/9/2027. Lãi suất trái phiếu 5,7%/năm.
Tháng 8/2024, ACB phát hành một lô trái phiếu duy nhất mã ACBL2426008 trị giá 1.500 tỷ đồng kỳ hạn 2 năm, tương ứng đáo hạn ngày 22/8/2026 với lãi suất 5.5%/năm.
Tháng 7/2024, ACB phát hành 4 lô trái phiếu gồm: mã ACBL2427005 trị giá 170 tỷ đồng kỳ hạn 3 năm, tức đáo hạn ngày 9/7/2027 với lãi suất 6%/năm; mã ACBL2429007 trị giá 500 tỷ đồng, kỳ hạn 5 năm, tức đáo hạn 24/7/2029 lãi suất 6,1%/năm; mã ACBL2427006 trị giá 500 tỷ đồng, kỳ hạn 3 năm tức đáo hạn ngày 15/7/2027 với lãi suất 6%/năm; Cuối cùng mã ACBL2427004 được phát hành và hoàn tất vào ngày 2/7/2024 có giá trị 400 tỷ đồng.
Đặc biệt, tháng 6/2024, ACB phát hành 4 lô trái phiếu mã ACBL2426002, ACBL2426001 thu về 10.000 tỷ đồng đều kỳ hạn 2 năm, tức đáo hạn vào tháng 6/2026. Lãi suất cả hai lô trái phiếu đều 4,5%/năm.
Ngoài ra, trong tháng 6/2024, ACB cũng phát hành lô trái phiếu mã ACBH2429003 kỳ hạn 5 năm trị giá 2.270 tỷ đồng, đáo hạn ngày 28/6/2029.
Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, ACB đã phát hành tổng cộng 10 lô trái phiếu ra thị trường với tổng giá trị 17.840 tỷ đồng. Các lô trái phiếu của ACB có kỳ hạn từ 2 đến 5 năm, lãi suất dao động từ 4,5-6,1%/năm.
Ngân hàng ACB phát hành thành công và thu hút hàng nghìn tỷ đồng từ trái phiếu trong những tháng gần đây. Ảnh minh hoạ. |
Trước đó, trong năm 2023, theo dữ liệu từ HNX, ACB đã phát hành 9 lô trái phiếu ra thị trường, thu về tổng cộng 18.900 tỷ đồng.
Khác với nhiều ngân hàng khác, từ đầu năm 2024 đến nay, ACB chưa mua lại trước hạn bất kỳ một lô trái phiếu nào. Được biết, ACB là một trong những ngân hàng phát hành nhiều trái phiếu nhất kể từ đầu năm đến nay.
Hồi đầu tháng 8, ACB công bố Nghị quyết của HĐQT về phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ lần 2 trong năm tài chính 2024. Theo đó, HĐQT ACB thống nhất phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ đợt 2 với tổng mệnh giá phát hành tối đa là 15.000 tỷ đồng.
Trái phiếu phát hành đợt 2 là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có bảo đảm và không phải là nợ thứ cấp của ACB. Kỳ hạn tối đa 5 năm, dự kiến có 15 đợt phát hành. Mức lãi suất tùy theo nhu cầu của thị trường, Tổng Giám đốc sẽ quyết định lãi suất trái phiếu là lãi suất cố định hay thả nổi được xác định bằng lãi suất tham chiếu cộng biên độ.
Mục đích phát hành trái phiếu là nhằm phục vụ nhu cầu cho vay, đầu tư cũng như đảm bảo tuân thủ các chỉ tiêu an toàn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Phát hành giấy tờ có giá hơn 60.000 tỷ đồng
Theo báo cáo tài chính hợp nhất soát xét 6 tháng đầu năm 2024, tại thời điểm 30/6/2024, phát hành giấy tờ có giá tại ACB ghi nhận hơn 66.900 tỷ đồng, tăng 28% so với đầu năm. Trong đó, chứng chỉ tiền gửi ghi nhận hơn 28.000 tỷ đồng, số còn lại là trái phiếu gồm: hơn 29.000 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn từ 1 năm đến 2 năm; hơn 3.400 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm; hơn 2.900 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 5 năm và hơn 2.400 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 10 năm.
Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất soát xét 6 tháng đầu năm 2024. |
Về kết quả kinh doanh của ACB, trong 6 tháng đầu năm 2024, lợi nhuận sau thuế tại ACB đạt hơn 8.374 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước.
Tại thời điểm 30/6/2024, tổng tài sản của ACB ghi nhận hơn 769.678 tỷ đồng, tăng trưởng 7% so với hồi đầu năm. Cho vay khách hàng tăng trưởng đến 13% so với đầu năm, đạt hơn 550.172 tỷ đồng. Đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất của ACB trong gần một thập niên qua. Trong đó, mảng khách hàng cá nhân tăng 12%, doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) tăng 7% và doanh nghiệp tăng hơn 37%.
Về phía nguồn vốn, tiền gửi khách hàng tăng 6% so với đầu năm, đạt gần 511.696 tỷ đồng, vượt so với tăng trưởng bình quân ngành. Tỷ lệ CASA đạt 22%.
Chi tiết nợ xấu tại ACB (Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất soát xét 6 tháng đầu năm 2024). |
Điểm đáng lưu ý chính là chất lượng tài sản tại ACB. Tính đến thời điểm 30/6/2024, nếu không tính đến 7.500 tỷ đồng cho vay giao dịch ký quỹ của ACBS thì tổng nợ xấu tại ACB tăng tới 38% so với đầu năm, ghi nhận hơn 8.122 tỷ đồng.
Trong đó, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng mạnh 42% so với đầu năm, lên hơn 5.525 tỷ đồng; nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) cũng tăng 37% lên hơn 1.287 tỷ đồng và nợ nghi ngờ tăng 25% lên hơn 1.309 tỷ đồng. Do đó, kéo tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tăng nhẹ từ mức 1,22% đầu năm lên 1,5%.