Robot dạng người thông minh make in Vietnam mở ra nhiều cơ hội cho robot dịch vụ
|
Trong thời đại 4.0 - kỷ nguyên của công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data), robot dịch vụ ngày càng hiện diện nhiều hơn trong nhiều lĩnh vực của đời sống và kinh doanh.
Hẳn nhiều người đã biết, từ ngày 29/11 đến ngày 1/12/2024, trong khuôn khổ "Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2024" tại Công viên Thống Nhất, Thành phố Hà Nội đã diễn ra chương trình "Phở số" Hà Thành nhằm tôn vinh Phở truyền thống của Hà Nội, giới thiệu tới người dân về ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong ngành ẩm thực Việt Nam. Tại chương trình, khách mời có cơ hội trải nghiệm các món phở truyền thống đặc trưng của Hà Nội và "Phở số" do robot thông minh chế biến. Từng bát phở được tạo ra một cách công phu, tỉ mỉ, từ công đoạn nấu nước dùng đến việc phục vụ trên bàn ăn.
![]() |
Hình ảnh robot đang "bê" bát phở để phục vụ khách tại Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2024. Ảnh Vietnamplus |
Hay vào 25/1/2025, hai robot cao 3,2 m, nặng hơn 500 kg biết cử động, chúc Tết khách tham quan bằng 10 ngôn ngữ lần đầu xuất hiện tại đường hoa Nguyễn Huệ, Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là một hoạt động giúp người dân đi tham quan, đi chơi Tết sẽ có những trải nghiệm vô cùng thú vị.
![]() |
Robot biết cử động, chúc Tết khách tham quan, giúp người dân chụp ảnh selfie tại đường hoa Nguyễn Huệ là sản phẩm của giảng viên Khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM |
Mới đây, tại Hà Nội, một quán cà phê trên đường Vũ Phạm Hàm (quận Cầu Giấy) đã đưa 4 con robot vào phục vụ khách hàng. 4 con robot có nhiệm vụ pha chế, viết thư pháp, chụp hình và phục vụ được nhân cách hóa với những cái tên gọi rất gần gũi và thân thương, đó là “Bảo”, “Thư”, “Chi” và “Tú”. Đây là một trải nghiệm khám phá khá mới mẻ tại Việt Nam, khác hoàn toàn với những quán cà phê mang đậm nét phục vụ truyền thống trước đây.
Chị Mạc Mai Trang - Quản lý vận hành Twitter Beans Coffee chia sẻ: "Ý tưởng này xuất phát từ một câu hỏi rất đời thường: Tại sao công nghệ không thể hiện diện trong không gian quen thuộc như quán cà phê? Twitter Beans Coffee vốn luôn theo đuổi con đường bản địa hóa kết hợp đổi mới sáng tạo. Việc đưa robot vào cửa hàng không phải là “đi theo trào lưu”, mà là cách chúng tôi thử mở ra một không gian giao thoa giữa con người - máy móc - văn hóa, để mỗi ly cà phê không chỉ mang đậm hương vị ngọt ngào mà còn mang lại cho khách hàng những câu chuyện thú vị và trải nghiệm đặc biệt".
"Chúng tôi không mua sẵn một giải pháp trọn gói mà hợp tác với một đơn vị công nghệ tại Việt Nam để cùng thiết kế, lập trình và tùy biến robot theo đúng nhu cầu thực tế của ngành F&B. Từ phần cứng, phần mềm đến hành vi vận hành đều phải điều chỉnh liên tục cho phù hợp với môi trường của quán. Khó khăn lớn nhất không nằm ở công nghệ mà nằm ở việc làm sao để công nghệ hoà nhập tự nhiên vào đời sống mà không làm mất đi cảm xúc khi trải nghiệm cà phê" - chị Mai Trang cho biết thêm.
![]() |
Robot pha chế mang tên “Tú” được lập trình theo công thức có sẵn, giúp đảm bảo sự đồng nhất về chất lượng trong từng ly đồ uống. Ảnh: Hoàng Tùng |
Không chỉ robot pha chế, robot phục vụ cũng là robot được rất nhiều khách hàng thích thú, đặc biệt là các bạn trẻ bởi thiết kế dễ thương và sự nhanh nhẹn. Con robot này được nhập sẵn số bàn và có thể mang chính xác đồ uống đến từng bàn, cho từng khách chỉ với một vài thao tác bấm nút bởi con người.
"Tú" luôn vẫy cờ Tổ quốc Việt Nam sau mỗi lần pha chế xong một đồ uống. Video: Hoàng Tùng
Chị Kim Bích, một người dân sinh sống tại Hà Nội cho hay: "Tôi thấy mô hình robot dịch vụ này rất thú vị và khác biệt, nó sẽ tiết kiệm được công suất của con người. Đồng thời, đây cũng là một trải nghiệm độc đáo và thu hút được nhiều sự quan tâm của mọi người. Theo quan điểm của tôi, vì mỗi đồ uống đã có công thức và định lượng cố định nên chất lượng đồ uống của robot pha chế cũng không có gì thay đổi".
![]() |
Đối với chị Kim Bích, "Tú" làm việc rất chuyên nghiệp. Ảnh: Hoàng Tùng |
"Tiến tới thời đại 4.0 phát triển như bây giờ, tôi nghĩ công nghệ sẽ được chuyển dần sang robot phục vụ. Thực ra tôi thấy robot dịch vụ đã xuất hiện ở nước ngoài rất nhiều, nhưng bây giờ tôi mới thấy mô hình này có mặt trong một số cửa hàng ăn uống tại Việt Nam. Robot sẽ hỗ trợ tối đa cho cửa hàng và tiết kiệm được nhiều công đoạn. Tuy nhiên, robot lại yêu cầu nhiều thứ hơn, ví dụ, chúng ta phải set up diện tích và đường đi riêng cho robot, khác với con người không cần phải dọn sẵn đường bởi họ có thể linh hoạt trong việc tự quan sát và di chuyển khi nhìn thấy chỗ trống" - chị Kim Bích nhìn nhận thêm.
![]() |
Robot phục vụ với cái tên gọi rất gần gũi và thân thiện với con người. Ảnh: Hoàng Tùng |
![]() |
Khách hàng vô cùng thích thú với "Bảo", robot phục vụ bàn. Ảnh: Hoàng Tùng |
Hầu như các quán cà phê tại Hà Nội bây giờ đều đang triển khai mô hình tự phục vụ, vậy nên đối với chị Phương Hà, một nhân viên văn phòng tại Hà Nội, việc có robot hỗ trợ cửa hàng là một điều cần thiết và hữu ích. Chị cũng cho biết: "Nhiều khi đang dở câu chuyện với bạn bè, tôi lại phải đứng dậy lấy đồ và điều đó khiến tôi cảm thấy khá bất tiện. Với tôi, khi nhân viên đã chuẩn bị đủ đồ và robot chỉ phải mang ra thì việc robot phục vụ là điều đơn giản. Tôi mong trong thời gian tới đây, robot sẽ tích hợp thêm nhiều tính năng hơn nữa, ví dụ như khách hàng có thể tự gọi thêm đồ thông qua robot".
![]() |
Theo chị Phương Hà, con người và robot có thể kết hợp với nhau, điều đó sẽ giúp cửa hàng tiết kiệm được chi phí nhân công cũng như gia tăng trải nghiệm của khách hàng. Ảnh: Hoàng Tùng |
Hai bạn Hà Minh Thu và Hoàng Vân, học sinh lớp 12 tại Trường Phổ Thông Hermann Gmeiner Hà Nội đánh giá cao về việc robot phục vụ khách hàng thay vì con người. Bạn Hoàng Vân nhận thấy "Tú" có thể hạn chế được rủi ro khi pha chế bởi robot thường sẽ có sự tính toán rất chính xác.
"Là một người hướng nội nên em khá ngại đi cà phê, và em cũng thấy bất ngờ khi được phục vụ bởi robot trong một lần tình cờ được bạn bè rủ ra ngoài học nhóm. Em thấy robot ở đây rất đáng yêu và thân thiện, điều đó khiến em cảm thấy hài lòng và dễ dàng tiếp cận với sự đổi mới này trong thời đại công nghiệp 4.0" - Minh Thu chia sẻ thêm.
![]() |
Robot chụp ảnh với tên gọi là “Chi” được thiết kế giúp lưu lại khoảnh khắc trải nghiệm với hiệu ứng quay video và chụp slow - motion cho khách hàng cực kỳ độc đáo. Ảnh: Hoàng Tùng |
![]() |
Ngoài ra, tại quán cà phê còn có robot viết thư pháp kết hợp giữa văn hóa truyền thống và công nghệ hiện đại với tên gọi là "Thư" cùng các câu lệnh được thiết kế: “Kỷ nguyên vươn mình”, “Thi đâu đỗ đó” hay "Đời nở hoa", "Công thành danh toại". Ảnh: Hoàng Tùng |
Thư pháp được viết bởi "Thư" không thua kém bất kỳ thầy đồ nào. Video: Hoàng Tùng
![]() |
Chỉ cần nhập lệnh, khách hàng đã có ngay một tờ thư pháp với nhiều lời chúc ý nghĩa. Ảnh: Hoàng Tùng |
"Với chúng tôi, robot không thay thế con người, mà là “đồng đội công nghệ”. Nhân viên vẫn đảm nhiệm các phần việc mang tính cảm xúc như tư vấn, giao tiếp, chăm sóc khách hàng, giải thích cách sử dụng robot,… Trong khi đó, robot phụ trách các công đoạn tiêu chuẩn hóa, lặp đi lặp lại. Cả hai kết hợp để khách hàng vừa thấy mới mẻ, vừa thấy được kết nối như ở một quán cà phê đúng nghĩa" - Quản lý vận hành khẳng định.
Việc kết hợp robot với con người trong quá trình phục vụ khách hàng sẽ mang lại nhiều lợi ích rõ rệt. Đây không chỉ là một giải pháp thông minh mà còn là một bước đi tất yếu khi đất nước đang bước vào kỷ nguyên chuyển đổi số và phát triển toàn diện. Trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng cạnh tranh, dân số trẻ và xu hướng tiêu dùng hiện đại, việc ứng dụng công nghệ để nâng cao chất lượng dịch vụ là việc cần làm và nên làm. Đặc biệt trong các ngành nghề như du lịch, khách sạn, nhà hàng, cà phê,... Không chỉ giúp tối ưu hiệu quả, giảm chi phí, đây còn là cách để khẳng định vị thế, bản sắc và tầm nhìn phát triển của dân tộc trong thời đại công nghệ 4.0 và hướng tới 5.0.