Luật Khoa học và Công nghệ (KH&CN) được ban hành lần đầu vào năm 2000 và sửa đổi năm 2013 đã đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra hành lang pháp lý cho hoạt động KH&CN, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.Tuy nhiên, sau 10 năm triển khai, thế giới đã có sự phát triển nhanh chóng với sự bùng nổ của công nghệ số.
Với yêu cầu ngày càng cao từ thực tiễn, Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản thể hiện quan điểm và chủ trương mới liên quan đến khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST), đòi hỏi cần được thể chế hóa để đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
Theo đó, Luật KHCN cần được sửa đổi để tăng cường việc huy động nguồn đầu tư, sự quan tâm và nguồn nhân lực từ khu vực doanh nghiệp cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển và để theo kịp xu thế chung của thế giới.
Ảnh: ĐBND |
Để thực hiện các chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Bộ KH&CN đang chuẩn bị hồ sơ đề nghị xây dựng Luật KHCN và đổi mới sáng tạo thay cho Luật KHCN hiện nay, với một số điểm mới nổi bật.
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Diệp, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ KH&CN), dự án Luật KHCN và đổi mới sáng tạo sẽ mở rộng phạm vi điều chỉnh, không chỉ là hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ mà bổ sung thêm nội hàm "đổi mới sáng tạo", với mong muốn thúc đẩy nghiên cứu khoa học, ứng dụng vào thị trường, tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị gia tăng, đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội.
Như vậy, hoạt động KHCN không chỉ tập trung cho khu vực công lập mà đẩy mạnh ra khu vực ngoài công lập với việc thu hút nguồn lực đầu tư ngoài xã hội thông qua một số cơ chế, chính sách để đưa doanh nghiệp trở thành trung tâm, kết nối hoạt động nghiên cứu từ viện nghiên cứu, trường đại học.
Bên cạnh đó, dự kiến Luật KHCN và đổi mới sáng tạo cũng bổ sung nguyên tắc chấp nhận rủi ro, độ trễ trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
Ngoài ra, dự án luật cũng sẽ mở rộng nhân lực hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo sang cả khu vực công lập (nhân lực quản lý KHCN và đổi mới sáng tạo, nghiên cứu sau tiến sĩ, nghiên cứu sinh, học viên cao học) và ngoài công lập (nhà nghiên cứu độc lập, nhân lực trong doanh nghiệp).
Đồng thời, bổ sung quy định cơ chế đặc thù cho phép nhà khoa học là viên chức được tham gia điều hành doanh nghiệp do viện nghiên cứu, trường đại học thành lập từ kết quả nghiên cứu và phát triển; khuyến khích nhân lực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ từ viện nghiên cứu, trường đại học ngắn hạn và thường xuyên trong các doanh nghiệp phù hợp theo chu kỳ đảm bảo tính theo kịp thực tiễn của giảng viên, nhà khoa học với thực tiễn sản xuất kinh doanh; đồng thời, giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực KHCN và đổi mới sáng tạo.
Bên cạnh đó, bổ sung các ưu đãi, hỗ trợ đối với doanh nghiệp; tăng cường kết nối doanh nghiệp với viện nghiên cứu, trường đại học. Hình thành một số chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động đổi mới công nghệ. Hoàn thiện quy định về quản lý nhiệm vụ KHCN có sử dụng ngân sách nhà nước có đối tượng tham gia là doanh nghiệp.
Ngoài ra, dự án luật cũng sẽ xây dựng các quy định liên quan đến chia sẻ thông tin, cơ chế nuôi dưỡng niềm đam mê KHCN, văn hóa đổi mới sáng tạo trong cộng đồng thông qua các dự án, chương trình, hướng đến mục tiêu lan tỏa tri thức phù hợp với từng nhóm đối tượng.
Các nội dung đã được quy định trong Luật KHCN năm 2013 cũng được rà soát để đổi mới, hoàn thiện để phù hợp hơn với giai đoạn hiện nay.
Dự kiến dự án Luật KHCN (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025).
Ngày 28/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 457/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng dự án Luật KH&CN (sửa đổi), do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang làm Trưởng ban.
Đây là lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo để xây dựng một dự án luật do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang làm Trưởng ban, không chỉ thể hiện sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với sự phát triển của KHCN, mà còn là một cách tiếp cận mới nhằm nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật.
Trao đổi về những chính sách nào sẽ được đề xuất trong Luật KH&CN sửa đổi sắp tới để hỗ trợ doanh nghiệp với báo chí, Thứ trưởng Bùi Thế Duy nêu rõ: Các trường đại học đang dần trở thành những chủ thể nghiên cứu mạnh, tương đương với các viện nghiên cứu. Để phát triển hoạt động KH&CN trong các trường đại học, cần có nội dung nghiên cứu, nội dung hoạt động và thậm chí là kinh phí đầu tư cho các trường đại học. Ví dụ, chúng ta cần có những chương trình đào tạo nghiên cứu sinh bằng nguồn kinh phí từ KHCN. Thực tế, nhiều quốc gia trên thế giới coi lực lượng nghiên cứu sinh là lực lượng nghiên cứu chủ yếu, bởi vì nghiên cứu sinh ở độ tuổi trẻ trung, sáng tạo nhất và say mê nhất trong công việc. Do đó, chúng ta cần xây dựng các hệ thống chương trình đào tạo nghiên cứu sinh, đồng thời coi họ là những nhà nghiên cứu, là người lao động nghiên cứu, chứ không chỉ là người đi học. Ngoài ra, cần có các chương trình hỗ trợ sau khi nghiên cứu sinh hoàn thành chương trình học. Điều này giúp họ có thể tiếp tục tự chủ trong việc triển khai các hoạt động nghiên cứu. Chúng tôi rất mong muốn đề xuất tách biệt đội ngũ nghiên cứu của các viện nghiên cứu và trường đại học khỏi quan niệm coi họ như cán bộ của đơn vị sự nghiệp công lập. Giống như ở các nước trên thế giới, giảng viên và nghiên cứu viên được khuyến khích tham gia điều hành các doanh nghiệp do viện nghiên cứu và trường đại học thành lập, dựa trên kết quả nghiên cứu và sở hữu trí tuệ của họ. Điều này giúp đưa hoạt động đổi mới sáng tạo từ doanh nghiệp đến gần hơn với trường đại học, thậm chí ngay trong trường đại học. Chúng ta cũng sẽ khuyến khích thành lập các doanh nghiệp khởi nguồn (spin-off) trong trường đại học. Những doanh nghiệp này không chỉ tạo nguồn thu cho trường đại học mà còn giúp thương mại hóa các kết quả nghiên cứu. |