Giữa lúc toàn cầu đang chìm trong cuộc khủng hoảng thiếu chip, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ đều thông qua các chính sách, đạo luật để đầu tư tài chính thúc đẩy ngành công nghiệp chip.
• Cuộc đặt cược dài hạn của châu Âu trong cơn khát chip
• Nhật Bản quyết tâm hồi sinh ngành công nghiệp chip
• Chip bán dẫn 3 nanomet đầu tiên trên thế giới đã được xuất xưởng
Cụ thể, tháng 2/2022, Ủy ban châu Âu đã thông qua Đạo luật chip với khoản tài trợ trị giá 49 tỷ USD với mục tiêu vào năm 2030, thị phần sản xuất chip của châu lục này sẽ tăng gấp đôi từ 9% lên 20%. Còn với nước Mỹ, ngày 9/8 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký ban hành Đạo luật một gói chi tiêu trị giá 52 tỷ USD để thúc đẩy hoạt động sản xuất chip tại nước này.
Đây được xem là một trong những đạo luật về công nghiệp táo bạo nhất của Mỹ trong nhiều thập kỷ, theo Nikkei Asia.
Với đạo luật mới của Mỹ, trong số 52 tỷ USD dành cho ngành chip, 39 tỷ USD sẽ được phân bổ cho “các ưu đãi trực tiếp nhằm kích thích sản xuất” để thúc đẩy việc xây dựng và mở rộng các nhà máy sản xuất bán dẫn. Số tiền này sẽ được phân bổ trong 5 năm, với 19 tỷ USD được giải ngân trong năm nay và 5 tỷ USD mỗi năm tới năm 2026. Đạo luật này cũng dành 200 tỷ USD cho hoạt động nghiên cứu trong các lĩnh vực bao gồm trí tuệ nhân tạo và máy tính lượng tử.
Ông Biden phát biểu “Mỹ đã phát minh ra chất bán dẫn và luật này đưa chất bán dẫn trở về quê nhà, việc này là vì lợi ích kinh tế và lợi ích an ninh quốc gia Mỹ”.
Theo nhà phân tích về bán dẫn Gaurav Gupta của Gartner, dù con số đầu tư này không lớn nhưng quan trọng là việc này cho thấy tín hiệu Mỹ đang hỗ trợ ngành công nghiệp chip.
“Việc Mỹ sẵn sàng hỗ trợ chính sách và xem trọng chất bán dẫn có ý nghĩa rất quan trọng. Tôi nghĩ đó là thông điệp chính ở đây. Nhưng để mang lại những tác động ý nghĩa, cần phải có những chính sách nhất quán hơn”, ông nói.
“Theo Hiệp hội Ngành công nghiệp Bán dẫn Mỹ (SIA), đến nay, tỷ trọng của Mỹ trong tổng sản lượng bán dẫn toàn cầu đã giảm từ 37% xuống còn 12%. Tổ chức này cho rằng 75% sản lượng ngành bán dẫn toàn cầu nằm ở châu Á.
Để so sánh với 52 tỷ USD cho ngành chip của Mỹ, Trung Quốc đã dành 150 tỷ USD cho ngành này và xác định chất bán dẫn là ngành công nghiệp chủ chốt trong kế hoạch kinh tế 5 năm mới nhất của mình.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, dù đạo luật trên đánh dấu sự đầu tư mang tính bước ngoặt của Chính phủ Mỹ với ngành chip trong nước, nhưng 52 tỷ USD là số tiền tương đối nhỏ đối với lĩnh vực vốn đòi hỏi đầu tư lớn này.
Cùng nằm trong làn sóng phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp chíp, tháng 2/2022, Nhật Bản cũng đã thực hiện cơ chế trợ cấp hồi sinh cho ngành chip nội địa, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước có thể liên doanh với các hãng chip lớn của thế giới. Nhật Bản đã đầu tư Khoảng 400 tỷ Yên (khoảng 3,46 tỷ USD) – tương đương khoảng 50% tổng chi phí xây dựng đã được Chính phủ Nhật tài trợ cho Nhà máy Japan Advanced Semiconductor Manufacturing Inc (JASM). Nhà máy là kết quả liên doanh giữa TSMC và Sony Semiconductor Solutions Corp (SSS), dự kiến được khởi công trong năm nay và xuất xưởng những tấm bán dẫn (wafer) 12 inch đầu tiên vào năm 2024. Nhà máy sẽ có công suất khoảng 45.000 tấm bán dẫn mỗi tháng.
Mới đây nhất, cuối tháng 7/2022, Hãng điện tử Samsung Electronics của Hàn Quốc đã tổ chức lễ xuất xưởng chip bán dẫn 3 nanomet (nm) đầu tiên trên thế giới, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong cuộc đua chế tạo chip bán dẫn tiên tiến nhất hiện nay.
Mặc dù vậy, các nhà phân tích dự báo chuỗi cung ứng thiết bị điện tử có thể đón những thách thức mới ngay từ năm 2023 và tình trạng thiếu hụt các chip tiên tiến nhất có thể lên tới 20% hoặc cao hơn vào năm 2024. Do TSMC và Samsung Electronics là hai công ty đủ khả năng chế tạo những loại chip tiên tiến nhất hiện nay nhưng họ đang đối mặt với khả năng sẽ hạn chế nguồn cung ra thị trường trong thời gian tới.
An An