Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho biết, Hoa Kỳ sẽ sản xuất 20% chip tiên tiến của thế giới vào năm 2030. Điều này thực hiện nhờ chuỗi cung ứng nguyên liệu được củng cố, và các công nghệ mới được nghiên cứu.
• Năm 2030 Việt Nam có thể tự sản xuất chip bán dẫn
• Chip bán dẫn 3 nanomet đầu tiên trên thế giới đã được xuất xưởng
Phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), theo bà Raimondo, Hoa Kỳ không thể dẫn đầu thế giới nếu phụ thuộc vào châu Á về nguồn cung cấp chip cũng như nguyên liệu chế tạo chip. Điều này đặc biệt cần thiết, trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo (AI) dần trở thành yếu tố quyết định cuộc đua công nghệ toàn cầu.
Theo bà Raimondo, Đạo luật CHIPS 2022 cung cấp 39 tỷ USD để khuyến khích ngành bán dẫn tại Hoa Kỳ, đang và sẽ giúp thay đổi cục diện. Nói về tình hình hiện tại, theo bà, ngành chip của Hoa Kỳ đang ở vị trí rất thấp so với nhiều đối thủ từ châu Á.
Bà Raimondo tin tưởng, Hoa Kỳ có thể trở thành ngôi nhà của toàn bộ chuỗi cung ứng, để sản xuất những con chip tiên tiến, từ polysilicon đến tấm bán dẫn, từ chế tạo đến đóng gói.
Đến nay, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố 3 khoản tài trợ cho các công ty chip theo đạo luật CHIPS 2022, là cho công ty BAE Systems, Microchip Technology và gần đây nhất là khoản tài trợ trị giá 1,5 tỷ USD cho GlobalFoundries.
Công ty TSMC của Đài Loan và Samsung Electronics dự kiến sẽ nhận được tài trợ trong thời gian tới, khi họ xây những nhà máy mới ở Hoa Kỳ.
Bộ trưởng Raimondo cho biết, Hoa Kỳ cũng sẽ hỗ trợ sản xuất chip thế hệ cũ, mà hiện nay thị trường Trung Quốc và khắp nơi trên thế giới vẫn rất cần. Chúng dùng trong gần như mọi thiết bị, như ô tô, máy giặt, máy đo nhịp tim cho đến hệ thống quốc phòng hiện đại.
Hà Anh