![]() |
Bà Hồ Thị Quyên - Phó Giám đốc ITPC phát biểu tại Hội thảo. |
Ngày 24/4/2025, Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) đã tổ chức Hội thảo “Từ kết quả DDCI năm 2024: Khuyến nghị và giải pháp”. Hội thảo nhằm quán triệt kết quả chi tiết khảo sát, đánh giá DDCI năm 2024 đến các Sở, ban, ngành, thành phố Thủ Đức và các quận, huyện, từ đó có giải pháp khắc phục ngay các điểm yếu kém. Đồng thời, cải thiện và nâng cao các chỉ số thành phần của DDCI Thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2025.
“Trong bối cảnh Thành phố Hồ Chí Minh đang từng bước đẩy mạnh cải cách hành chính, phát triển kinh tế số và khuyến khích đổi mới sáng tạo, việc đánh giá năng lực cạnh tranh của các Sở, ban ngành và địa phương thông qua bộ chỉ số DDCI càng trở nên quan trọng và cấp thiết hơn bao giờ hết”, bà Hồ Thị Quyên - Phó Giám đốc ITPC cho biết.
“Chính vì vậy, DDCI với tư cách là công cụ phản ánh trực tiếp cảm nhận, đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp không chỉ giúp chúng ta nhìn lại, mà còn hướng tới, để điều chỉnh, hoàn thiện và đổi mới phương thức quản lý, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn”, bà Hồ Thị Quyên cho biết thêm.
Ngày 24 tháng 2 năm 2025, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 715/QĐ-UBND về phê duyệt Kết quả khảo sát, đánh giá năng lực cạnh tranh cấp Sở, ban ngành và địa phương (DDCI) TP. Hồ Chí Minh năm 2024.
Khảo sát DDCI Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024 được triển khai với quy mô lớn, minh bạch và khoa học, ghi nhận hơn 18.000 phản hồi từ doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh cá thể đang hoạt động trên địa bàn Thành phố (cao hơn năm 2023 là hơn 5.000, tăng 39%), đạt tỷ lệ 30,5% (cao hơn năm 2023 là 3,5%). Kết quả khảo sát đã cho thấy một bức tranh rõ nét, toàn diện và khách quan về những điểm mạnh, điểm còn hạn chế trong công tác điều hành, hỗ trợ doanh nghiệp ở từng Sở, ban, ngành, quận, huyện và thành phố Thủ Đức.
![]() |
Ông Đào Phương Bắc - Giám đốc Tư vấn chiến lược DDCI phát biểu tại Hội thảo. |
“DDCI đóng vai trò quan trọng trong chiến lược xây dựng chính quyền điện tử và đô thị thông minh của Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là công cụ giúp chính quyền Thành phố cam kết minh bạch, công bằng, và liên tục cải thiện chất lượng phục vụ, từ đó góp phần vào sự phát triển bền vững và hiện đại của Thành phố. Toàn bộ quy trình thực hiện DDCI tại TP. Hồ Chí Minh được hỗ trợ bởi nền tảng công nghệ thông tin. Việc áp dụng công nghệ vào thu thập và phân tích dữ liệu giúp tăng cường tính minh bạch và độ chính xác của kết quả đánh giá. Đồng thời, nó còn giúp các cơ quan chính quyền theo dõi và đánh giá hiệu quả điều hành qua từng năm, từ đó đưa ra các kế hoạch cải tiến cụ thể và hiệu quả”, ông Đào Phương Bắc - Giám đốc Tư vấn chiến lược DDCI cho biết.
Theo đó, những điểm sáng trong công tác cải cách và nâng cao năng lực cạnh tranh như: Tính minh bạch thông tin và chuyển đổi số được các địa phương, đơn vị nỗ lực trong việc công khai thông tin, số hóa quy trình và cải thiện khả năng tiếp cận thông tin cho doanh nghiệp. Một số đơn vị đã triển khai các biện pháp hạn chế tình trạng chi phí không chính thức, qua đó nâng cao niềm tin của doanh nghiệp vào môi trường kinh doanh. Đồng thời, cải thiện chất lượng dịch vụ hành chính, đơn giản hóa quy trình, rút ngắn thời gian xử lý, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn.
![]() |
Lãnh đạo các doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh tham dự Hội thảo “Từ kết quả DDCI năm 2024: Khuyến nghị và giải pháp”. |
Tuy nhiên, dù đã có nhiều chuyển biến tích cực, kết quả DDCI năm 2024 cũng chỉ ra một số vấn đề cần tiếp tục được cải thiện. Cụ thể, mức độ đồng đều trong cải cách giữa các đơn vị chưa đồng đều, tạo ra sự chênh lệch trong trải nghiệm của doanh nghiệp. Doanh nghiệp vẫn mong muốn có sự nhất quán trong chính sách và cách thức triển khai giữa các đơn vị để tránh tình trạng thay đổi liên tục, gây khó khăn trong việc thích ứng. Đồng thời, sự phối hợp giữa các Sở, ban ngành và địa phương còn thiếu liên kết, dẫn đến chồng chéo trong quản lý và làm chậm tiến độ xử lý công việc.
“Thành phố Hồ Chí Minh luôn xác định doanh nghiệp là động lực phát triển kinh tế, là trung tâm trong mọi chính sách. Thành công của doanh nghiệp chính là thành công của chính quyền đô thị. Do đó, mọi nỗ lực cải thiện chỉ số DDCI đều hướng đến mục tiêu tạo lập một môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, hiệu quả, nơi doanh nghiệp cảm thấy được đồng hành, được lắng nghe và được hỗ trợ kịp thời”, bà Hồ Thị Quyên nhấn mạnh.