Đây là sự kiện quốc tế có quy mô lớn nhất về Halal lần đầu tiên được tổ chức kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án "Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030", có ý nghĩa định hướng quan trọng cho việc phát triển ngành Halal của Việt Nam.
Thực phẩm Halal là những sản phẩm "được cho phép", "hợp pháp" để sử dụng theo Luật Hồi giáo, với những yêu cầu nghiêm ngặt từ các thành phần nhỏ nhất đến khâu chế biến, vận chuyển.
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Duyên Nguyễn |
Hội nghị gồm 6 hoạt động chính thức và hơn 20 hoạt động song phương bên lề. Trong đó, phiên toàn thể bao gồm lễ giới thiệu Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia và ra mắt Bộ Tiêu chuẩn Halal Việt Nam; ký kết các văn kiện hợp tác giữa các cơ quan, doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận các nội dung để phát huy nội lực và đẩy mạnh hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam: Chia sẻ kinh nghiệm phát triển ngành Halal của các nước và các tổ chức khu vực, quốc tế; cơ hội và các đề xuất hợp tác với Việt Nam để phát triển ngành Halal, mở cửa thị trường đối với sản phẩm Halal Việt Nam; tiềm năng, định hướng phát triển ngành Halal của Việt Nam và địa phương; thúc đẩy đàm phán, hướng tới ký kết các thỏa thuận/biên bản ghi nhớ hợp tác về Halal giữa các cơ quan, địa phương của Việt Nam với một số đối tác Halal tiềm năng, quan trọng.
Ông Zafer Gedikli, Chủ tịch Hội đồng Halal Thế giới đánh giá, đây là một dịp quan trọng trong lịch sử của Halal. Việt Nam là một quốc gia trọng điểm ở khu vực Đông Nam Á. Ông tin rằng Việt Nam có thể trở thành đối tác chủ chốt trong việc cung cấp các sản phẩm và dịch vụ Halal tới các quốc gia cũng như người tiêu dùng Hồi giáo trên toàn thế giới.
3 thông điệp phát triển ngành Halal
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng đánh giá cao sáng kiến và nỗ lực của Bộ Ngoại giao cùng Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị có ý nghĩa quan trọng này, qua đó góp phần định hướng cho chiến lược phát triển ngành Halal Việt Nam, mở ra các cơ hội kinh doanh - đầu tư mới.
Theo Thủ tướng, chúng ta đang sống trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường; khó khăn, thách thức nhiều hơn, lớn hơn thời cơ, thuận lợi. Cụ thể, cạnh tranh địa chính trị gia tăng, nguy cơ gia tăng xung đột cục bộ; cạnh tranh thương mại gay gắt, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng; tác động của các vấn đề có tính toàn cầu như: Biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, cạn kiệt tài nguyên, già hóa dân số...
Hơn bao giờ hết, hợp tác kinh tế quốc tế đòi hỏi tư duy đổi mới, cách tiếp cận linh hoạt, sáng tạo, mang tính toàn cầu, toàn dân, toàn diện, đề cao chủ nghĩa đa phương, đoàn kết quốc tế, xây dựng môi trường hòa bình, hợp tác, phát triển - Thủ tướng nhấn mạnh.
Trong khuôn khổ hợp tác kinh tế quốc tế, có thể khẳng định rằng thị trường Halal đang mở ra nhiều cơ hội hợp tác to lớn cho tất cả chúng ta với những tiềm năng to lớn.
Thị trường Halal toàn cầu dự báo có quy mô lên tới 10 nghìn tỷ USD trước năm 2030, trải rộng trên khắp thế giới, từ các nước Hồi giáo đến phi Hồi giáo, trong đó dân số Hồi giáo dự báo đạt gần 3 tỷ người vào năm 2050, chiếm gần 30% dân số toàn cầu.
Ngành công nghiệp Halal gồm nhiều lĩnh vực đa dạng từ nông nghiệp, du lịch, dệt may, dược, mỹ phẩm, cho tới các ngành công nghiệp hỗ trợ, dây chuyền sản xuất, lưu kho, vận chuyển, dịch vụ,...
Qua đó, Thủ tướng đã nhấn mạnh 3 thông điệp của Việt Nam về phát triển ngành Halal.
Một là, Việt Nam rất quan tâm và mong muốn đưa hợp tác về Halal thành "nội hàm hợp tác kinh tế quan trọng, trụ cột mới, động lực mới" trong phát triển quan hệ với các nước, trong đó có cộng đồng Hồi giáo trên thế giới.
Hai là, Việt Nam coi trọng việc phát triển ngành Halal; xác định đây là định hướng mới trong hoạt động sản xuất; coi Halal là "cơ hội vàng" để doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất, tăng cường hợp tác với các đối tác để tham gia hiệu quả vào thị trường, chuỗi giá trị Halal toàn cầu.
Ba là, Việt Nam chủ trương phát triển ngành Halal trên cơ sở tôn trọng các giá trị văn hóa, tôn trọng con người, thể hiện sự đóng góp tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam để cùng xây dựng một thế giới hòa bình, hợp tác, đa dạng, hài hòa và cùng phát triển, vì hạnh phúc, ấm no của mỗi người dân.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, thị trường Halal đang mở ra nhiều cơ hội hợp tác to lớn. Ảnh: Duyên Nguyễn |
Thực hiện 5 đẩy mạnh để phát huy nội lực
Thủ tướng đề nghị cần thực hiện "5 đẩy mạnh" để phát huy nội lực và hợp tác quốc tế về Halal.
Thứ nhất, đẩy mạnh hợp tác chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, hỗ trợ Việt Nam về hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, quản lý nhà nước liên quan đến Halal, hoàn thiện bộ tiêu chuẩn Halal quốc gia; hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực, đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển ngành Halal quy mô lớn và phục vụ xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ của Việt Nam.
Thứ hai, đẩy mạnh đàm phán, ký kết các thỏa thuận, hiệp định, bản ghi nhớ hợp tác, các thỏa thuận công nhận và thừa nhận lẫn nhau về chứng nhận Halal, qua đó giúp các doanh nghiệp Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi sản xuất và cung ứng thực phẩm Halal toàn cầu.
Thứ ba, đẩy mạnh các đối tác khu vực, quốc tế đến đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam trong các lĩnh vực liên quan Halal, nhất là về nông nghiệp, du lịch, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, nhà hàng, dược và mỹ phẩm, các ngành công nghiệp hỗ trợ liên quan đến Halal (công nghệ, dây chuyền sản xuất, hậu cần,…).
Thứ tư, đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến sản phẩm, dịch vụ và thương hiệu Halal Việt Nam và mở cửa các thị trường cho các sản phẩm Halal xuất khẩu của Việt Nam.
Thứ năm, đẩy mạnh giao lưu nhân dân, hợp tác trao đổi văn hóa, từ đó tăng cường sự chia sẻ, hiểu biết của người dân và doanh nghiệp hai bên về những thế mạnh của nhau và tiềm năng hợp tác trong phát triển ngành Halal tại Việt Nam.
Halal theo tiếng Ả-rập có nghĩa là hợp pháp hay hợp quy (được phép), dùng để chỉ quy chuẩn tôn giáo phù hợp với chuẩn mực và giá trị của Hồi giáo theo Kinh Cô-ran và Luật Sa-ri-a; trái ngược với Haram (không được phép, kiêng kị). Ngành công nghiệp Halal (gọi tắt là ngành Halal) là tổng thể các ngành công nghiệp phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng Hồi giáo như thực phẩm và đồ uống Halal, dược phẩm Halal, mỹ phẩm Halal, thời trang và nghệ thuật, kinh tế số Hồi giáo, y tế và chăm sóc sức khỏe, du lịch thân thiện với người Hồi giáo, chuỗi cung ứng, vận tải và hậu cần Halal, tài chính Hồi giáo. |