ESG là viết tắt của Environmental (Môi trường), Social (Xã hội) và Governance (Quản trị). Đây là bộ ba tiêu chuẩn được sử dụng để đo lường mức độ phát triển bền vững và tác động của doanh nghiệp đến cộng đồng.
Tại hội thảo “ESG trong ngành ngân hàng: Thực thi để dẫn đầu” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 19/11, ông Lê Trọng Minh - Tổng Biên tập Báo Đầu tư khẳng định, bằng việc áp dụng các chính sách trong hoạt động cung cấp tín dụng, ngân hàng đóng vai trò mắt xích quan trọng trong thực thi ESG.
Với ngành ngân hàng Việt Nam, lĩnh vực có vai trò huyết mạch của nền kinh tế, do vậy việc tiên phong trong thực thi ESG sẽ tạo ra sự thúc đẩy lớn đối với các doanh nghiệp là khách hàng của ngân hàng trong việc thiết lập những chuẩn mực mới về phát triển bền vững.
Các diễn giả chia sẻ tại Hội thảo |
Trên thực tế, việc thực thi ESG trong lĩnh vực ngân hàng gần đây có nhiều bước tiến đáng kể. Phát biểu tại hội thảo, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nêu rõ, việc tăng cường áp dụng ESG đòi hỏi các tổ chức tín dụng phải thực thi, tuân thủ và cập nhật liên tục những thay đổi trong quy định và chính sách để thể hiện tốt trách nhiệm với môi trường và xã hội. Mặt khác, thực hành các tiêu chuẩn ESG sẽ giúp nâng cao uy tín, thương hiệu của tổ chức tín dụng thông qua việc công bố và minh bạch các vấn đề liên quan quản trị, môi trường và xã hội.
Việc thực hành ESG sẽ giúp các tổ chức tín dụng cải thiện hiệu quả quản trị rủi ro, từ đó nâng cao chất lượng hoạt động và lợi nhuận. Đồng thời, khi áp dụng ESG, các tổ chức tín dụng có cơ hội mở rộng thị trường, tiếp nhận các dòng vốn đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức tài chính quốc tế, phát triển các sản phẩm tín dụng.
Ngân hàng cần tiên phong thực thi ESG
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho biết, với sự định hướng, chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, việc thực thi ESG đã có những chuyển biến rõ rệt từ nhận thức đến hành động. Các ngân hàng thương mại đã chủ động tích hợp yếu tố môi trường và xã hội trong chiến lược phát triển, mô hình hoạt động; hoàn thiện mô hình tổ chức; quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; chuyển đổi số, nâng cao năng lực; chủ động hợp tác, tìm kiếm và tiếp nhận các hỗ trợ về nguồn lực và kỹ thuật của các tổ chức quốc tế,…
Agribank đã và đang tích cực thực hiện chủ trương, chính sách về thúc đẩy ngân hàng xanh, có nhiều sáng kiến, cam kết áp dụng tiêu chuẩn ESG |
Chia sẻ tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Trường Đào tạo cán bộ Agribank, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo ESG Agribank (Ngân hàng Agribank) cho biết, Agribank xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong nhiều năm nay, Agribank đã tích hợp ESG trong lĩnh vực kinh doanh và triển khai đều cả ba trụ cột E,S,G. Hiện nay, Agribank đã thành lập Ban chỉ đạo và tổ giúp việc triển khai ESG để thấy được việc triển khai ESG sẽ tác động rất lớn đến hoạt động ngân hàng, nâng cao uy tín, vị thế của ngân hàng.
Triển khai ESG sẽ cung cấp vốn cho ngân hàng, với vai trò chủ lực cung ứng vốn và dịch vụ tài chính cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, Agribank đã và đang tích cực thực hiện chủ trương, chính sách về thúc đẩy ngân hàng xanh, có nhiều sáng kiến, cam kết áp dụng tiêu chuẩn ESG và tích hợp vào chiến lược kinh doanh của Agribank, thực hiện quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực góp phần xanh hóa hoạt động ngân hàng, bảo vệ môi trường, hỗ trợ cộng đồng.
Cùng chung quan điểm, bà Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Quốc tế (Ngân hàng SHB) cũng cho biết, với vai trò là kênh dẫn vốn cho nền kinh tế, SHB luôn hướng nguồn vốn tín dụng tới các ngành nghề, các doanh nghiệp, các dự án phát triển kinh tế xanh, bảo vệ môi trường. Hiện nay, tỷ trọng dư nợ cấp tín dụng cho lĩnh vực xanh của SHB chiếm gần 10%/ tổng dư nợ.
Triển khai ESG đem lại nhiều cơ hội cho các ngân hàng thương mại Việt Nam, bao gồm việc thu hút vốn đầu tư và gia tăng uy tín thương hiệu |
Bên cạnh đó, SHB áp dụng các biện pháp quản trị doanh nghiệp minh bạch và có trách nhiệm theo các tiêu chuẩn, thông lệ tốt nhất, nhằm bảo đảm tính bền vững trong mọi hoạt động của ngân hàng.
Quá trình xanh hóa cũng được triển khai mạnh mẽ trong mọi hoạt động nội bộ của ngân hàng. Theo đó, SHB đã và đang triển khai các biện pháp giảm tiêu thụ năng lượng và tài nguyên tại các chi nhánh, văn phòng giao dịch như sử dụng năng lượng tái tạo, tiết kiệm điện, nước và giảm thiểu rác thải, số hóa các quy trình nội bộ để giảm phát thải carbon và tăng cường hiệu quả làm việc.
Việc triển khai ESG đem lại nhiều cơ hội cho các ngân hàng thương mại Việt Nam, bao gồm việc thu hút vốn đầu tư và gia tăng uy tín thương hiệu.
Tuy nhiên, theo bà Hạnh cũng đặt ra những thách thức liên quan đến chi phí đầu tư ban đầu, sự thay đổi quy định, và các yêu cầu quản trị chặt chẽ từ các nhà đầu tư và đối tác quốc tế. Do đó, các ngân hàng cần có chiến lược cụ thể để tận dụng các cơ hội và giảm thiểu các rủi ro tiềm tàng.
Tính đến hết tháng 9/2024 đã có 50 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt trên 665.000 tỷ đồng, tăng 7,11% so với cuối năm 2023, chiếm tỷ trọng trên 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm hơn 43%) và nông nghiệp xanh (trên 30%). |