Phát triển công nghiệp bán dẫn là cách thức giảm thiểu tác động tiêu cực do đứt gãy chuỗi cung ứng, chia rẽ thế giới hoặc tình trạng chính trị hóa chất bán dẫn trong cuộc cạnh tranh chiến lược.
Việt Nam chủ động, tích cực tận dụng tác động cách mạng công nghiệp lần thứ tư với nhiều chương trình hành động trong đó có phát triển công nghiệp bán dẫn. Đây là chương trình quan trọng và mới được thực hiện cho nên cần tuân thủ triệt để phương châm “làm đúng ngay từ đầu” (Think School).
Sự phát triển của công nghiệp bán dẫn
Công nghiệp bán dẫn là công nghiệp nền tảng Công nghiệp bán dẫn cung cấp vật liệu, linh kiện bán dẫn cao cấp cho các thiết bị thông minh của cách mạng công nghiệp lần thứ tư (công nghiệp 4.0). Sự phát triển công nghiệp bán dẫn là nền tảng để các yếu tố cốt lõi công nghiệp 4.0 gồm dữ liệu lớn, điện toán đám mây, internet kết nối vạn vật tạo ra những thay đổi sâu rộng, liên tục và lâu dài trong mọi lĩnh vực. Nói cách khác, công nghiệp bán dẫn vừa là chỗ dựa cơ bản và lâu dài, vừa là công nghệ lõi của công nghiệp 4.0. Công nghiệp này tạo tài sản chiến lược trong chuỗi giá trị công nghiệp.
Do đó, sự phát triển công nghiệp bán dẫn đóng vai trò quyết định vị thế quốc gia trong công nghiệp 4.0. Với vị trí và vai trò công nghiệp nền tảng (Ban chấp hành Trung ương, 2022), ngành công nghiệp bán dẫn cần được đầu tư phát triển để đi trước nhằm dẫn dắt các ngành công nghiệp khác. Mỗi bước tiến bộ trong công nghiệp bán dẫn có thể làm thay đổi cả thế hệ thiết bị nghĩa là làm lạc hậu nhanh chóng thế hệ thiết bị cũ và phát triển thế hệ thiết bị mới.
Đây là ngành công nghiệp công nghệ cao đòi hỏi sức sáng tạo lớn, đầu tư nghiên cứu và phát triển cao, thiết bị nghiên cứu, thí nghiệm tinh xảo và các nhà khoa học đầu ngành để liên tục tạo ra những đột phá phát triển. Các mạch vi bán dẫn (chip bán dẫn) được sáng tạo bởi ngành công nghiệp này. Kích thước các chip bán dẫn này càng ngày càng được thu nhỏ với kích thước chỉ vài nano mét (1 phần tỷ micro mét).
Theo định luật Moore, sau 2 năm, số lượng chip cấy trên bản vi mạch tăng lên gấp đôi (Investopedia). Vật liệu bán dẫn là công cụ thực hiện đúng định luật này. Cho đến nay, chưa có vật liệu nào thay thế được chất bán dẫn cho nên giá trị của loại vật liệu này càng gia tăng.
Theo mô hình tái sản xuất mở rộng của chủ nghĩa Mác – Lênin, công nghiệp bán dẫn thuộc khu vực I. Khu vực này cần được ưu tiên phát triển cao nhất để tạo tiềm lực gây ảnh hưởng lan toả đến tất cả các lĩnh vực khác cũng như thực hiện thành công công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trước đây, vật liệu bán dẫn cũng đã được các quốc gia trên thế giới coi trọng phát triển vì khả năng ứng dụng có thể tạo ảnh hưởng lớn.
Việc sử dụng để sản xuất các đèn bán dẫn trong công nghiệp máy tính mang tính phổ biến.Tuy nhiên, kể từ năm 1992, với sự xuất hiện của internet cũng như khoa học máy tính, khoa học vật liệu, cho đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thúc đẩy quá trình số hóa và chuyển đổi số, xuất hiện các nền tảng trực tuyến, quy trình và các ứng dụng, những tiến bộ vượt bậc trong công nghiệp bán dẫn tạo tác động cực kỳ to lớn cả trong dân sự và quân sự thúc đẩy ngành phát triển với tốc độ chưa từng có.
Cuộc chạy đua quyết liệt toàn cầu Với lợi thế duy nhất của vật liệu bán dẫn so với các loại vật liệu khác cũng như khả năng chi phối chất bán dẫn đến khả năng cạnh tranh trong các ngành công nghiệp công nghệ cao, các nước dẫn đầu về công nghệ thế giới đã chạy đua quyết liệt để cố gắng làm chủ công nghệ sản xuất chất bán dẫn và linh kiện cao cấp. Đồng thời, các linh kiện bán dẫn có thể sử dụng cả mục tiêu dân sự và quân sự. Những tiến bộ trong công nghệ sản xuất chất bán dẫn sẽ tạo những chuyển biến quan trong cả lĩnh vực dân sự và quân sự cũng như khẳng định vị thế của quốc gia trên thị trường công nghệ mũi nhọn của thế giới.
Thực tế cho thấy, những tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới đều có nguồn cung ứng các loại chip bán dẫn cao cấp. Các nước có nguồn cung ứng lớn từ bên ngoài đều cố gắng phát triển năng lực tự sản xuất chip bán dẫn để tránh tụt hậu và tránh bị đứt gãy chuỗi cung ứng. Cuộc cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn đã biến chip bán dẫn trở thành tài sản chiến lược và công cụ cạnh tranh chiến lược. Trung Quốc chi 41 tỷ đô – la Mỹ để sản xuất chất bản dẫn năm 2023, con số này lớn hơn 20 tỷ đô – la Mỹ năm 2014 và 28 tỷ đô – la Mỹ năm 2019 (Reutersa, 2023). Đây là cách thức Trung Quốc giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung bán dẫn từ Mỹ. Hoa Kỳ đã chi 52,7 tỷ đô – la Mỹ để phát triển ngành công nghiệp chip bán dẫn.
Đây là khoản đầu tư cho các công ty nghiên cứu và sản xuất chip bán dẫn cũng như để phát triển nguồn nhân lực. Với khoản trợ cấp này, Mỹ kỳ vọng cải thiện được năng lực cạnh tranh với Trung Quốc trong làm chủ chuỗi cung ứng chip bán dẫn (Reutersb, 2023). Đây còn là cách thức giảm thiểu rủi ro địa chính trị nếu nhập khẩu chip từ Trung Quốc.
Với các khoản đầu tư mang tính “ganh đua” giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, có thể thấy công nghiệp bán dẫn đang trở thành công cụ cạnh tranh chiến lược và được chính trị hóa ở mức độ nhất định trong việc khẳng định phạm vi ảnh hưởng với phần còn lại của thế giới. Điều này đang xuất hiện ở mức độ ban đầu phạm trù “bán dẫn – chính trị” nghĩa là phát triển công nghiệp bán dẫn dựa trên quan điểm chính trị.
Công nghiệp bán dẫn là công cụ để đạt đến việc duy trì và củng cố quyền lãnh đạo thế giới. Hàn Quốc đầu tư 223 triệu đô – la Mỹ (Kyung, 2023) để hỗ trợ cho các công ty trong đó có Tập đoàn Samsung để sản xuất chip bán dẫn. Khoản đầu tư này nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh, phát triển công nghiệp bán dẫn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế dựa trên ngành công nghiệp công nghệ cao. Nhật Bản thực hiện phương thức phát triển công nghiệp bán dẫn thông qua sử dụng 6,3 tỷ đô – la Mỹ mua lại một công ty sản xuất chất bán dẫn (Ạjun K., 2023) để chuyển nguồn cung cấp chip trực tiếp chịu sự quản lý của nhà nước. Đây là phương thức tăng cường khả năng can thiệp trực tiếp của chính phủ vào công nghiệp bán dẫn để thúc đẩy sự phát triển. Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua Đạo luật công nghiệp bán dẫn và khoản đầu tư 100 tỷ đô – la Mỹ để sản xuất chip.
Công nghiệp bán dẫn là công cụ chuyển đổi xanh
Ngành công nghiệp bán dẫn được coi là công cụ để chuyển đổi xanh và chuyển đổi số của EU. Với khoản đầu tư này, EU kỳ vọng tăng thị phần chất bán dẫn từ 10 lên 20% toàn cầu vào năm 2030. (Agnes, 2023).
Làm đúng ngay từ đầu Việc phát triển công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam thể hiện quyết tâm cao trong thực hiện Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Thủ tướng Chính phủ, 2020). Thực chất, đây là nỗ lực phát triển ngành công nghiệp non trẻ nhưng có triển vọng tạo lợi ích chiến lược. Đây là ngành công nghiệp hầu như chưa có đầy đủ nền tảng phát triển về cơ sở vật chất, nhân lực và mô hình phát triển.
Việc phát triển công nghiệp bán dẫn trở thành mục tiêu chiến lược kiên định để hình thành nền công nghiệp độc lập, tự chủ, mũi nhọn, huy động được nguồn lực và tăng sức chống chịu của kinh tế Việt Nam trước tác động bất lợi từ bên ngoài. Với mục tiêu được xác định rõ ràng này, cần làm đúng ngay từ đầu các khâu công việc.
Thứ nhất, xác định công nghiệp bán dẫn vừa là công nghiệp nền tảng và công nghiệp mũi nhọn, theo đó, tạo lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh cao trong sáng tạo giá trị. Việc xác định đúng đắn này là căn cứ xuyên suốt để khẳng định vị thế không thể thay thế của công nghiệp bán dẫn trong mối quan hệ với các ngành công nghiệp khác. Đồng thời, mối quan hệ trực tiếp và gián tiếp của công nghiệp bán dẫn với các ngành khác trong mạng lưới thống nhất cũng phải được xây dựng đầy đủ, đồng bộ và phù hợp với bối cảnh mới trong và ngoài nước.
Thứ hai, cần xây dựng hệ thống hỗ trợ phát triển công nghiệp bán dẫn bắt đầu từ các doanh nghiệp trụ cột, cụm ngành công nghiệp, sự kết nối theo chuỗi. Các yếu tố của ngành công nghiệp này bao gồm tạo nguồn lực đầu vào phù hợp, nhu cầu tiêu thụ trong nước và quốc tế, việc tổ chức mô hình sản xuất đặc biệt là công nghệ sản xuất hiện đại, tinh xảo để tối ưu hóa chi phí và sản lượng, bảo hộ bí quyết sản xuất, tăng năng suất tối đa thậm chí hình thành cả tổ hợp sản xuất phù hợp. Một trong những nguồn lực quan trọng hàng đầu là nhân lực chất lượng cao cần được tuyển dụng, lực chọn và tạo được sản phẩm theo mục tiêu đặt ra.
Thứ ba, cần xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp bán dẫn phù hợp và hiệu quả nhất để sự hỗ trợ nhà nước kịp thời, đúng và đủ với chiến lược phát triển của ngành. Do đó, cần xây dựng lộ trình và quy trình phát triển công nghiệp bán dẫn khoa học và tối ưu ở Việt Nam, tuyệt đối không nóng vội, chủ quan và cũng không trì trệ, tụt hậu. Điểm đặc biệt là khi cơ hội mới xuất hiện cần triệt để tận dụng để bứt phá nhanh chóng. Học hỏi kinh nghiệm các quốc gia thành công trong phát triển công nghiệp bán dẫn hàng đầu thế giới như Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan,… để tìm phương thực phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam. Vai trò của Nhà nước trong xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược quyết liệt đóng vài trò dẫn dắt sự ra đời ngành công nghiệp non trẻ này của Việt Nam. Sự đồng hành của doanh nghiệp và các tổ chức như viện nghiên cứu, trường đại học có đủ năng lực tham gia vào chiến lược này là cần thiết.
Phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đạt trình độ thế giới là mục tiêu chiến lược đặc biệt quan trọng. Đây là quá trình phát triển ngành công nghiệp non trẻ nhưng có triển vọng rất lớn, tạo dựng và nâng cấp vị thế quốc tế đất nước. Để phát triển thành công, tránh điều chỉnh, gây lãng phí thời gian và chi phí, cần quán triệt phương chấm “làm đúng ngay từ đầu” mặc dù mọi sự khởi đầu thường gặp khó khăn. Việc thực hiện đầy đủ phương châm hướng tới ngành công nghiệp bán dẫn phát triển nhanh, hiệu quả, tối ưu là động lực để ngành vượt qua bước phát triển ban đầu, thực hiện các bước phát triển tiếp theo phù hợp. Phương thức phát triển phù hợp tạo khả năng để Việt Nam có ngành công nghiệp bán dẫn được hình thành, xây dựng và trưởng thành đạt trình độ thế giới trong thời gian kỳ vọng.
Nguyễn Thường Lạng
Trường Đại học Kinh tế quốc dân
Email: langnt@neu.edu.vn