Rivian Automotive - công ty sản xuất xe điện tại California mới đây vừa thông báo giảm mức dự báo sản xuất cho năm 2024 do thiếu hụt linh kiện. Cụ thể, lãnh đạo công ty cho biết họ đang thiếu một linh kiện cần thiết cho cả nền tảng R1 và xe van thương mại, điều này đã ảnh hưởng đến sản lượng của các dòng xe R1 SUV, R1T pick-up và xe giao hàng của công ty.
Tình trạng thiếu hụt đã bắt đầu từ quý 3 nhưng trở nên "nghiêm trọng hơn trong những tuần gần đây" và vẫn đang tiếp diễn. Do đó, CEO R.J. Scaringe và nhân viên của ông dự đoán sẽ sản xuất được từ 47.000 đến 49.000 xe cho cả năm, một sự sụt giảm đáng kể so với kế hoạch ban đầu là 57.000 xe.
Tính đến ngày 30/9, Rivian đã sản xuất 36.749 xe trong năm 2024. Năm ngoái, công ty đã vượt qua dự báo sản xuất cuối cùng hơn 7.000 xe, đạt 57.232 xe (trong khi ban đầu dự báo 62.000 xe vào đầu năm 2023).
Scaringe và nhân viên không tiết lộ cụ thể về linh kiện bị thiếu hụt nhưng tin tức mới nhất này làm người ta nhớ đến những rắc rối về chuỗi cung ứng mà Rivian và nhiều hãng xe khác từng gặp phải vào năm 2022. Những vấn đề đó chỉ được giải quyết vào cuối năm, nhưng trước đó Rivian đã phải ngừng sản xuất 5 ngày trong đầu quý IV vì thiếu chip bán dẫn.
Triệu hồi xe Cybertruck và kết thúc một biến thể của Model 3
Rivian không phải là công ty xe điện duy nhất gặp vấn đề sản xuất khi bước vào cuối năm 2024. Gần đây, Tesla đã triệu hồi hơn 27.000 chiếc Cybertruck do "vấn đề về tầm nhìn" với camera lùi. Theo báo cáo của Cục Quản lý An toàn Giao thông Đường bộ Quốc gia Mỹ (NHTSA), màn hình hiển thị sẽ bị đen trong tối đa 8 giây sau khi xe chuyển sang số lùi, trong khi theo quy định pháp luật tại Hoa Kỳ, giới hạn chỉ là 2 giây.
Đây là đợt triệu hồi thứ năm đối với Cybertruck kể từ khi mẫu xe này ra mắt vào cuối năm 2023 và ảnh hưởng đến các mẫu xe sản xuất từ ngày 13 tháng 11 đến giữa tháng trước, do phần mềm cụ thể dành cho phần cứng điện áp thấp. Tesla đã khắc phục vấn đề bằng cách cập nhật phần mềm từ xa vào cuối tháng 9.
Cùng với tin tức về đợt triệu hồi, các lãnh đạo của Tesla cũng đã ngừng sản xuất biến thể Standard Range của dòng sedan Model 3, phiên bản rẻ nhất trong danh mục của công ty với giá khởi điểm dưới 39.000 USD.
Chiếc sedan này sử dụng pin lithium iron phosphate (LFP) nhập từ Trung Quốc, và có khả năng sẽ tăng giá mạnh do các mức thuế mới cao hơn đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc: 100% thuế đối với xe điện và 25% đối với pin xe điện cùng các khoáng sản quan trọng. Ngoài ra, xe này cũng không đủ điều kiện nhận khoản tín dụng thuế 7.500 USD cho xe điện vì sử dụng các linh kiện sản xuất tại Trung Quốc.
Hiện tại, chiếc xe rẻ nhất của Tesla là phiên bản Model 3 Long Range, đủ điều kiện nhận tín dụng thuế liên bang và có giá khởi điểm từ 42.490 USD.
Sự thúc đẩy trị giá hàng tỷ đô la của EVgo
Khác với Tesla và Rivian, EVgo đã bắt đầu tháng 10 với tin vui về cam kết có điều kiện nhận bảo lãnh khoản vay lên đến 1,05 tỷ USD từ Bộ Năng lượng Hoa Kỳ (DOE).
DOE cung cấp tài trợ này theo chương trình Title 17, nhằm đẩy nhanh việc mở rộng mạng lưới sạc nhanh tại các khu vực cộng đồng. Ngân hàng Tài chính Liên bang sẽ trực tiếp phát hành khoản vay này, được DOE bảo lãnh, và EVgo sẽ không cần huy động thêm vốn từ bên thứ ba.
Nếu khoản vay này được thông qua, các lãnh đạo của EVgo kỳ vọng sẽ tạo thêm hơn 1.000 việc làm (phần lớn là các vai trò hợp đồng) và xây dựng khoảng 7.500 trạm sạc nhanh mới trên toàn quốc vào năm 2030.
Theo thông cáo báo chí, ít nhất 40% trong số các trạm này dự kiến sẽ được đặt tại các khu vực "bị thiệt thòi" do chịu nhiều tác động môi trường.
“EVgo chia sẻ mục tiêu của chính quyền Biden-Harris trong việc tăng cường khả năng tiếp cận trạm sạc xe điện tại những cộng đồng cần nó nhất,” CEO Badar Khan của EVgo nói và cho biết thêm: “Khoản đầu tư mang tính lịch sử này sẽ đẩy nhanh đáng kể việc mở rộng mạng lưới của chúng tôi nhằm cung cấp trạm sạc công cộng cho các tài xế xe điện trên khắp nước Mỹ”.
Hồng Minh (Theo industryweek)